Trong công tác biên soạn sách giáo khoa (SGK) hiện nay đang diễn ra một vấn đề gây tranh cãi. Đó chính là việc đưa các tác phẩm vào chương trình giảng dạy như thế nào? Cắt lược, chỉnh sửa ra sao cho phù hợp?
GS- TS Trần Đình Sử
Tranh cãi vì lược bỏ đúng đoạn nhạy cảm
Không chỉ là một trong những tác phẩm hay nhất của Nam Cao, “Chí Phèo” từ lâu đã được thừa nhận như một tác phẩm kinh điển của nền văn học cách mạng. Trong cuốn Tinh tuyển văn học Việt Nam do GS Nguyễn Đăng Mạnh, Trịnh Tiết Thu, TS Văn Giá, TS Chu Văn Sơn cùng nhau biên soạn cũng đã đánh giá: "Chí Phèo xứng đáng được xem là một kiệt tác. Ở tác phẩm này, nếu tiếp cận nguyên vẹn thì người đọc hiểu hơn ở đáy sâu tâm hồn tưởng như hoàn toàn đen độc của Chí Phèo niềm khao khát được yêu thương, khát khao được làm người".
Về vấn đề đưa một số tác phẩm văn học vào quá trình giảng dạy trong nhà trường, GS Trần Đình Sử, Tổng chủ biên SGK Ngữ văn nâng cao cũng đã từng nói: Một số tác phẩm có dung lượng lớn phải xử lý bằng cách trích đoạn để có thể phù hợp với thời lượng dạy trên lớp. Nếu theo ý kiến của phía những nhà biên soạn thì lược đi là để phù hợp với việc giáo dục, giảng dạy. Tuy nhiên, rất nhiều người cũng cho rằng việc lược đoạn Chí Phèo yêu đương Thị Nở trong vườn chuối đã khiến mất đi đoạn hay nhất của tác phẩm, và như thế đã khiến tác phẩm bị mất đi giá trị rất nhiều.
Theo PGS. TS Đỗ Lai Thúy thì chính đoạn tả cảnh yêu đương trên đã dẫn đến bước ngoặt về nhận thức của Chí Phèo. Bình thường Chí Phèo luôn say khướt, kể cả lúc yêu đương với Thị Nở trong vườn chuối Chí Phèo vẫn còn đang say. Nhưng sau khi tỉnh dậy được Thị Nở, tận tình chăm sóc bằng một tình cảm giữa con người với con người, thứ tình cảm đã từ rất lâu Chí Phèo không có được, đã đánh thức cái bản năng làm người trong Chí Phèo. Và như vậy việc cắt bỏ cảnh Chí Phèo yêu đương với Thị Nở chính là cắt bỏ sự lý giải vì sao Chí Phèo lại trở lại làm người.
PGS. TS Đỗ Lai Thúy khẳng định: Vấn đề ở trích đoạn này không phải là vấn đề tính dục thông thường, không phải là kiểu tả tính dục để hấp dẫn người đọc mà chính qua cảnh đó đã lý giải sự chuyển biến của Chí Phèo. Và như vậy việc cắt bỏ đoạn này chính là cắt bỏ chỗ hay nhất, tài nhất của tác giả.
Lược bỏ, nên hay không?
Theo GS Trần Đình Sử, tổng chủ biên SGK Ngữ văn nâng cao thì: Khi đưa một tác phẩm văn học vào hệ thống giáo dục nhà trường, ngoài những tác phẩm có dung lượng ngắn, vẫn còn khá nhiều những tác phẩm dài. Nếu đem đầy đủ toàn bộ dung lượng vào SGK thì sẽ không thể phù hợp với thời lượng dạy trên lớp. Khi đó giáo viên không thể đủ thời gian dạy toàn bộ mà chỉ dạy được một số khía cạnh. Do vậy, một số tác phẩm phải xử lý bằng cách trích đoạn hay lược bớt. Với tác phẩm Chí Phèo việc phải lược bớt một số đoạn để số trang học sinh phải học trên lớp phù hợp với nhu cầu dạy học của nhà trường cũng là điều bình thường.
Cùng chung quan điểm trên, GS Nguyễn Đăng Mạnh, đồng chủ biên SGK ngữ văn nâng cao cũng cho biết: Trong quá trình soạn thảo sách, việc phải lược bớt một số tác phẩm là điều không thể tránh khỏi, khi đó những người làm SGK sẽ cố gắng để làm sao không ảnh hưởng nhiều đến chủ đề tác phẩm, tư tưởng tác phẩm cũng như hình tượng, tính cách của nhân vật trong tác phẩm.
Việc lược bớt sự kiện vườn chuối trong tác phẩm Chí Phèo, theo GS Nguyễn Đăng Mạnh là do đoạn đó mô tả tỉ mỉ “quan hệ” giữa Chí Phèo và Thị Nở trong vườn chuối, làm khơi gợi nhiều điều khiến học trò lứa tuổi này liên tưởng đến những cái không tốt, không có lợi cho giáo dục.
Tuy nhiên, ở đây đặt ra một vấn đề khá bí cho những người biên soạn sách đó là: Hiện nay không riêng gì văn học, việc xác định ranh giới giữa dung tục và nghệ thuật khi thực hiện những tác phẩm có động chạm đến vấn đề tính dục vẫn còn nhiều bàn cãi.
Với tác phẩm Chí Phèo, khác với quan điểm của GS Nguyễn Đăng Mạnh và GS Trần Đình Sử, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng: Phần đầu của truyện, tác giả trình bày lai lịch, nguồn gốc của nhân vật, đồng thời diễn tả quá trình lưu manh hóa, bị biến dạng về thể chất cả nhân cách, bị dồn đến bước đường cùng. Tuy nhiên, truyện ngắn bao giờ cũng có một nút thắt để đẩy biến cố của câu truyện lên đến đỉnh rồi sau đó là mở nút và kết thúc truyện. Trong truyện ngắn Chí Phèo thì sự kiện vườn chuối được tác giả tạo ra để đẩy biến cố cao trào lên đỉnh điểm.
Việc cắt lược đi một đoạn có thể coi là hay nhất, tinh túy nhất của tác phẩm giống như việc làm khó, nếu không nói là đánh đố giáo viên trong việc truyền dạy kiến thức một cách trọn vẹn tới học sinh.
Người Đưa Tin