Không phải đến khi công nghệ "Việt hóa kịch bản Hàn" hay "làm phim với ekip Hàn" xuất hiện người xem mới cảm nhận được sự yếu kém về nhiều mặt của nền phim ảnh nước nhà, nhất là khâu biên kịch.
Trong tình thế vừa thiếu lại vừa yếu, rất nhiều nhà làm phim, đơn vị truyền hình đã phải cầu cứu công nghệ và con người của xứ sở Kim Chi như một biện pháp chữa cháy và xem đó như một sự hợp tác mà thực chất là việc học hỏi được đặt lên hàng đầu.
Kịch bản phim Việt không tìm ra hướng đi mới
Suốt hơn 30 năm phát triển, từ nền điện ảnh cách mạng đến công nghệ phim ảnh giải trí, điện ảnh Việt nói chung vẫn cứ quanh quẩn mãi bên trong...lũy tre làng.
Chỉ cần làm một phép tính nho nhỏ, từ những ngày đất nước còn khó khăn, những thước phim nhựa được quay trong tình cảnh nghặt nghèo nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng nghệ thuật thì những bộ phim của thời kỳ đất nước phát triển thật sự không thể ngang hàng chứ khoan nói đến chuyện phát triển hơn.
Nghĩ đến phim ảnh phía Bắc là nghĩ ngay đến những ngôi làng cổ, đến cuộc sống nhân dân với những va chạm giữa quyền lợi của con người. Nghĩ đến phim phía Nam là những cuộc tình tay ba, tay tư giữa những người ngồi ở quán cà phê nhiều hơn ở nhà hay công sở. Thật sự, đề tài trong kịch bảnphim Việt không có gì mới mẻ hơn.
"Oshin" bộ phim của Nhật Bản từng gây xúc động và lấy đi bao nhiêu
nước mắt của khán giả Việt.
Nhìn ra các nền điện ảnh láng giềng, biên kịch của họ đã đi sâu sát vào những ngóc ngách khác nhau của cuộc sống để tìm cảm hứng sáng tác. Thập niên 90, khán giả màn ảnh nhỏ liên tục chịu ảnh hưởng của làn sóng phim Nhật với những "Oshin" hay "Tiếp viên hàng không" đến nỗi các bạn trẻ xem nghề tiếp viên là thời thượng, còn từ ô-sin đã đi vào từ điển Việt lúc nào không hay.
Hay như trong nền điện ảnh Hongkong, không thiếu những loại đề tài như ẩm thực, thể thao... hay thậm chí chỉ với đề tài về cảnh sát cũng có thêm hàng loạt những chủ đề nhỏ như cảnh sát chống bạo động, cảnh sát kinh tế, hải quan..., và gần đây một loạt những bộ phim thần tượng xuất xứ từ các quốc gia Thái Lan, Philipines và nhất là Hàn Quốc đã chiếm trọn được trái tim của giới trẻ. Họ nôn nóng, háo hức đợi chờ từng tập phim và liên tục có những bình luận sôi nổi trên mạng xã hội. Như thế mới thấy được biên kịch Việt Nam “lười” và "dở" như thế nào.
Trong các bộ phim của Hàn Quốc hay Hongkong, người xem khi đi vào phim sẽ được mở ra rất nhiều kiến thức khác nhau không chỉ liên quan đến chủ đề của phim mà còn thấy được lối sống, văn hóa của đất nước khác. Còn với phim Việt, người xem thấy được nhiều sự hời hợt.
Như trong một phân đoạn Nguyên Vũ vào vai một nhà kinh doanh đang thuyết phục những người khác về kế hoạch của mình. Những gì khán giả thấy là Nguyên Vũ đang cầm trên tay một bản thuyết trình như lịch treo tường (trong khi giờ đây máy chiếu đã trở nên quá phổ thông đối với tác phong làm việc trong công sở), vừa lật vừa nói, còn nội dung trình bày thì được lược đi bằng việc lồng nhạc để cuối cùng kết lại bằng câu nói "tôi tin kế hoạch này sẽ thành công". Liệu những hình ảnh đó có thuyết phục được người xem?
Sự xuất hiện của yếu tố nước ngoài trong phim Việt
Biên kịch Việt làm không xong thì đành nhờ biên kịch người nước ngoài. Nghe có vẻ rất hài hước nhưng sự thật chỉ với 3 tháng ở Việt Nam, các nhà biên kịch Hàn Quốc đã có thể viết được kịch bản "Mùi ngò gai", một cái tên rất Việt Nam so với những tác phẩm khác do chính người Việt viết.
Bộ phim sau khi trình chiếu đã thu hút được sự ý chú của đông đảo khán giả tuy rằng không thật sự thành công vì "đầu voi đuôi chuột", bộ phim được mở ra rất rộng nhưng lại có kết thúc không trọn vẹn và chóng vánh.
Kịch bản tuy thiếu nhưng phim thì vẫn phải làm. Một giải pháp an toàn được chọn trong tình hình này là mua lại kịch bản đã thành công để Việt hóa. Trên lý thuyết, không ai nghĩ rằng một kịch bản phim đã rất thành công khi Việt hóa sẽ thất bại. Nhưng thực tế đã chứng minh điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Việc Việt hóa một kịch bản nước ngoài không chỉ đơn thuần là chuyển ngữ mà còn là sự chuyển đổi uyển chuyển những nét văn hóa trong suy nghĩ, ứng xử giữa hai dân tộc khác nhau.
Một trong những cảnh quay của Minh Hằng - Lam Trường trong phim
"Ngôi nhà hạnh phúc" phiên bản Việt
Như trong bộ phim "Ngôi nhà hạnh phúc" được lên sóng cách đây 2 năm, khán giả liên tục vấp phải những hạt sạn cho quá trình Việt hóa chưa nhuần nhuyễn. Đơn cử trong kịch bản gốc, nhân vật chính của Song Hye Kyo bị lừa du lịch sang Trung Quốc. Tại đây, do cô không thể nói tiếng Anh và nên phải nhờ sự giúp đỡ của Kim Sung Soo để đặt phòng khách sạn và lầm tưởng anh này là người nước ngoài. Trong khi đó ở kịch bản Việt, Minh Hằng chỉ bị lừa ra Đà Nẵng và vẫn gặp tình huống hiểu lầm tương tự với Lam Trường. Thật không thể lý giải vì sao những người Việt (dẫu là Việt Kiều) gặp nhau trên đất Việt lại dùng tiếng Anh để giao tiếp với nhau. Đây chỉ là một trong rất nhiều lỗi của "Ngôi nhà hạnh phúc".
Được biết, trong thời gian tới, hàng loạt phim Việt hóa như thế này sẽ tiếp tục lên sóng truyền hình như: Người thừa kế sáng giá, Nữ công tố xinh đẹp... Không biết, khán giả có còn cảm giác trông đợi gì ở dòng phim này không?
Theo Nguoiduatin.vn