Giang hồ “vặt” các loại…
Một tuần sau khi bộ phim Quyên (Cty BHD sản xuất, dự kiến công chiếu 2015) của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình chính thức được bấm máy, trung tuần tháng 10, “chiến dịch truyền thông” của nhà sản xuất bắt đầu “bùng nổ” bằng việc quảng cáo vai mới của Trần Bảo Sơn trong phim - vai Hùng - một tay giang hồ người Việt tại Đức.
Nhìn vào những bức hình Trần Bảo Sơn trong vai giang hồ, tay cầm súng, mặt dữ dằn, người xem bắt đầu cảm thấy… mệt: Liệu “qua tay” một đạo diễn như Nguyễn Phan Quang Bình, Trần Bảo Sơn có bước nổi qua cái bóng “chuyên vai giang hồ” của mình hay không?
Tháng 7/2014, trong Đoạt hồn của Hàm Trần, Trần Bảo Sơn cũng vào vai một cựu giang hồ. Dẫu rằng vai diễn người cha từng là giang hồ thương con gái của Sơn nhiều đất diễn, và Sơn vẫn chứng tỏ khả năng đặc biệt của mình khi vào vai, nhưng người xem đã bắt đầu quen mắt với lối diễn sắp sửa một màu (có nhiều nét lặp lại) của anh. Mấy năm trước, chính vai diễn giang hồ chăn gái trong Huyền thoại bất tử đã mang về cho Trần Bảo Sơn giải thưởng điện ảnh.
Phim Hương Ga ra rạp vào 31/10 tới có hẳn một “chùm” giang hồ với các loại cá tính. Việc tạo hình nhân vật chính trên poster phim - Hương Ga (Trương Ngọc Ánh thủ vai) cũng cầm súng chĩa vào mặt người xem, tạo một cảm giác bất an cho khán giả.
Trong bộ phim Bước khẽ tới hạnh phúc của đạo diễn Lưu Trọng Ninh chiếu đầu tháng 10, có hình ảnh Việt kiều làm ăn gian dối trên quê hương, thuê giang hồ bặm trợn dằn mặt đối tác. Xem phim, có cảnh khiến khán giả cảm thấy không thật sự… thoải mái, bởi cho rằng, một phần hình ảnh TP.HCM trong phim được thể hiện như vậy thì dữ dằn quá.
Khán giả thật sự tức cười với hình ảnh giang hồ “vặt” (chữ của một tay chuyên sâu viết về điện ảnh là Lê Hồng Lâm) trong phim Hiệp sĩ mù. Phim có vài dạng giang hồ, mà Cường Chột đại ca là vai diễn tương đối tốt của Bình Minh. Song việc tạo hình của ba tay giang hồ trong phim có vẻ gì đó khôi hài, sau khi xem những màn đánh đấm, khán giả được vài mẻ cười no khi nghe cô bé Linh - hiệp sĩ mù rao giảng đạo đức làm người lương thiện cho giang hồ. Nhiều khán giả vốn thiện cảm với đạo diễn Lưu Huỳnh đành tự nghĩ, có khi ông đạo diễn này “cao tay”, cố tình dựng nên hình ảnh giang hồ như thế - như là giễu cợt, thực ra là để khán giả vui cười…
Loại giang hồ “cấp thấp” và ngốc nghếch còn có trong phim hài như Xui mà hên, Bí mật lại bị mất chiếu dịp đầu năm 2014 và trong một, hai phim tết…
Chưa đủ sức làm phim về giang hồ “lớn”
Gam màu chính của phim Việt gần đây là hành động, hài, kinh dị. Hầu như phim nào cũng có cảnh đấm đá, bạo lực. Hầu hết phim có giang hồ, bạo lực, lại chen thêm yếu tố tâm linh. Vì sao người làm phim Việt Nam hay làm phim có giang hồ, đánh đấm? Đơn giản, trước hết phim nội dung thêm phần gay cấn, để các diễn viên “thi triển” được các màn võ thuật, rao giảng đạo đức… Sau nữa, đó là loại phim “xem có mệt mắt nhưng không mệt đầu”?
Dĩ nhiên, các tay viết giới thiệu phim ảnh trên báo, lẫn người xem chẳng ai ngốc nghếch, kém hiểu biết đến độ nghĩ “phim là đời”. Có bao nhiêu loại giang hồ ngoài đời hầu hết được đưa vào phim… Nhưng, nhiều câu chuyện phim có hình ảnh giang hồ của ta, tạo nên một màu chung - u ám.
“Đi mãi thành đường”, hình ảnh giang hồ lặp lại với tần xuất trong các phim cho thấy, hình như, thực sự có một “cái gì đó” bất ổn trong tư duy người làm phim Việt, và ngay cả trong tình cảnh xã hội mà người ta dựa vào đó để làm phim. Nhìn chung, phim Việt Nam có lắm giang hồ, nhưng vẫn mới chỉ là loại giang hồ vặt. Cái chính là những tay giang hồ “cộm cán”, có trình độ - những con sâu nhỏ, sâu to “ẩn” trong hệ thống, của đời sống kinh tế xã hội - hầu như chưa được các nhà làm phim Việt đề cập tới. Bởi, họ có thể nhìn thấy, nhưng chưa đủ sức làm, hay chưa đủ trình độ nói đến…
Theo Lao Động