Trong những năm gần đây, phim truyền hình Việt Nam phát triển nhiều về số lượng nhưng ít phim thực sự tạo được dấu ấn riêng trên màn ảnh. Và trong số ít những tác phẩm có thể gọi là thành công thì dòng phim về chủ đề tuổi học trò dường như vẫn khá im hơi lặng tiếng.
Dù rằng các nhà sản xuất lớn tại Việt Nam như TFS, VFC hằng năm vẫn cho ra mắt từ 1 đến 2 bộ phim truyền hình về tuổi học trò, tiếc rằng đều không thể lôi kéo người xem. Những cái tên thu hút được khán giả tuổi ô mai vẫn dừng lại ở những cái tên quen đến sắp "mòn" như Nhật Kí Vàng Anh, Bộ Tứ 10A8, Cửa Sổ Thủy Tinh... Thậm chí nhiều bộ phim được ra mắt rầm rộ nhưng khán giả thì chẳng ai biết như trường hợp phim Thiên Thần Xui Xẻo, Đường Hoang Lạc Bước, Bản Lĩnh Công Tử, Tiểu Thư Đi Học, Nhất Quỷ Nhì Ma…. Điều này vô tình tạo nên khoảng trống trong nhu cầu thưởng thức nghệ thuật dành cho lứa tuổi ô mai và nhanh chóng được lấp đầy bởi hàng loạt các tựa phim ngoại quốc.
Tuổi Nổi Loạn “không đánh mà thắng” tại Việt Nam
“Không đánh mà vẫn thắng” là câu miêu tả chính xác về sự thành công tại Việt Nam của series phim ăn khách Hormones (Tuổi Nổi Loạn) của nhà sản xuất GTH Thái Lan. Vậy đâu là yếu tố hơn thua nếu phải so sánh dòng phim đề tài học trò của Việt Nam với Thái Lan mà cụ thể ở đây là Tuổi Nổi Loạn?
Mạnh dạn đề cập vấn đề “thời sự” tuổi teen
Điểm đầu tiên làm nên thành công của bộ phim nằm ở phần nội dung. Trong vô vàn phim về tình yêu học trò thì Tuổi Nổi Loạn nổi trội hơn hẳn nhờ việc chọn đề tài mang tính thời sự, đề cập thẳng thắn những góc khuất của các cô cậu tuổi mới lớn. Nếu như dòng phim học trò Việt chỉ dừng lại với suy nghĩ trong sáng mơ mộng, những cái nắm tay nhút nhát của tình yêu đầu đời hay lá thư “ngốc xít” dấu trong ngăn bàn thì ở Tuổi Nổi Loạn còn là chuyện vượt rào, nạn phá thai, bạo lực học đường, giới tính thứ 3, bi kịch sống ảo… Rõ ràng, phần đông khán giả trẻ cảm thấy đồng cảm với Tuổi Nổi Loạn cũng bởi vì tính thực tế mà bộ phim mang lại.
Nhiều vấn đề gai góc được đề cập trong phim Tuổi Nổi Loạn
Chuyển tải những vấn đề nóng của giới trẻ vào 12 tập phim, mỗi tập 45 phút là điều không hề dễ dàng, ngay cả đối với nhà làm phim nhiều kinh nghiệm. Thậm chí, nếu biên tập thiếu tinh tế thì giá trị bộ phim hoàn toàn bị đảo ngược. Điều đáng tiếc nhất ở Tuổi Nổi Loạn, đó là nhóm đạo diễn khá tập trung phản ánh những tiêu cực học đường nhưng lại thờ ơ hoặc đề cập khá mờ nhạt về cách giải quyết hậu quả của những tiêu cực đó. Người xem cảm thấy sốt ruột khi các cô cậu học trò trong phim liên tục vướng vào đủ mọi thể loại rắc rối, bi kịch nhưng rồi vẫn nhẹ nhàng vượt qua và trở lại vui vẻ khi sang một tập phim mới.
Không chỉ các phim học đường của Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng có thể học hỏi cách làm phim "đi thẳng vào vấn đề" như vậy, nhưng điều cần hơn nữa chính là cách giải quyết. Đưa ra một sự việc có thể dễ dàng nhưng giải quyết nó và từ đây định hướng cho giới trẻ một lối sống lành mạnh hơn mới là cái khó. Đây là điều mà Tuổi Nổi Loạn vẫn chưa làm được trọn vẹn.
Tận dụng mạng xã hội như một kênh truyền thông
Tuổi Nổi Loạn có được sức lan tỏa như hôm nay một phần nhờ vào mạng xã hội. Cứ trước, sau mỗi tập phim thì những bức ảnh hậu trường, những đoạn clip trailer, nhạc phim đều được đăng tải đầy đủ trên tất cả các trang mạng thu hút đông đảo giới trẻ. Thậm chí, để tăng rating cho phim, ê kíp của của kênh GTH (đơn vị sản xuất và phát sóng Tuổi Nổi Loạn) còn tổ chức những trò chơi để giao lưu khán giả song song với giờ phát sóng.
Tài khoản mạng xã hội của phim luôn thu hút hàng nghìn đến hàng triệu lượt theo dõi
Điều dễ thấy tại Việt Nam, đó là khi một bộ phim lên sóng thì cũng là lúc ê kíp... hết trách nhiệm và quên mất sự tương tác với khán giả. Mạng xã hội có lẽ là một kênh truyền thông hữu hiệu nhất hiện nay nhưng thật tiếc khi không nhiều các nhà sản xuất phim truyền hình trong nước tận dụng được điều này.
Đầu tư dàn diễn viên bài bản và lâu dài
Dàn diễn viên trai xinh, gái đẹp, diễn xuất tốt đồng đều đã góp phần làm nên tên tuổi của Tuổi Nổi Loạn tại Thái Lan cũng như nhiều nước trong khu vực. Công ty sản xuất GTH cũng đã tiêu tốn không ít sức lực và tiền của để đầu tư vào những diễn viên trẻ trước khi bộ phim bắt đầu bấm máy. Trong dàn diễn viên chính của Tuổi Nổi Loạn thì có những cá nhân được đào tạo, tham gia diễn xuất từ ngày bé như Pachara Chirathivat (vai Win), Michael Sirachuch Chienthaworn (vai Mhog), Suthatta Udomsilp (vai Toei). Ngay cả sau khi Tuổi Nổi Loạn kết thúc, nhà sản xuất vẫn tạo điều kiện cho các “gà cưng” của mình có cơ hội xuất hiện dày đặc trong phim truyền hình, phim điện ảnh, cho đến các sự kiện, quảng cáo thậm chí còn ra mắt cả bộ truyện tranh, sách ảnh…
Dàn diễn viên Tuổi Nổi Loạn được đào tạo bài bản từ nhỏ
Nhìn lại nền điện ảnh trong nước thì việc xây dựng thế hệ diễn viên trẻ vẫn chưa được các nhà sản xuất chú trọng. Khán giả Việt từng rất kỳ vọng vào tài năng nhí Hùng Thuận, Phùng Ngọc (phim Đất Phương Nam), Phương Trinh (phim Người Mẹ Nhí), Bích Huyền (phim Phóng viên thử việc) nhưng họ đều có điểm chung là “sớm nở chóng tàn”. Không quá khó hiểu khi diễn viên nhí hầu như đều diễn xuất theo bản năng và khi các đạo diễn đã tận dụng hết các khả năng trời phú đó thì hiển nhiên các em cũng hết đất diễn.
Diễn viên nhí của phim Việt thì “mau nở chóng tàn”
Nếu như việc chịu thua trước các đại gia xứ sở Kim chi là điều dễ chấp nhận thì nay phim Việt lại đành ngậm ngùi nhường bước cho những người bạn đến từ đất nước chùa Vàng. Khoan hãy so sánh về chuyên môn, nếu có cái nhìn ở góc độ khán giả thì những nhà làm phim trong nước vẫn có thể nhận ra những cái hay, dở của dòng phim ngoại và tận dụng vào phim Việt, đặc biệt là phim về đề tài học trò để khán giả tuổi teen thật sự tha thiết với các tác phẩm trong nước.
Theo Baodatviet.vn