Ánh mắt bà chợt sáng lên khi bồi hồi nhớ về một thời hân hoan đi đóng thử cảnh bưng bát cháo hành cho Chí Phèo trong Làng Vũ Đại ngày ấy – bộ phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học kinh điển trong nền điện ảnh nước nhà.
- Gần 30 năm qua, hình ảnh nhân vật Thị Nở vẫn ám ảnh trong lòng người xem như một trong những vai diễn kinh điển của nền điện ảnh nước nhà. Đến bây giờ, cảm xúc của bà sau từng ấy năm đặt dấu ấn với vai diễn đó là như thế nào?
Tôi vào vai Thị Nở từ năm 1984, mặc dù không xuất hiện quá nhiều trong bộ phim này, nhưng mỗi giây mỗi phút được hóa thân vào nhân vật là những cảm xúc rất thật chắt ra từ trái tim mình. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in những ngày tháng tham gia đóng bộ phim đó, và có thể nói, những cảm xúc cũng không thay đổi nhiều, mỗi khi ngồi nhớ lại, vẫn thấy cái bồi hồi và háo hức lắm.
Tôi còn nhớ khi đạo diễn Phạm Văn Khoa đưa cho tôi kịch bản, tôi hơi bất ngờ, nhưng tôi cũng nói luôn là tôi chỉ sợ mình không đủ tài để đóng thôi, chứ không sợ xấu. Bởi hiện tượng đi tìm Thị Nở đã ầm ĩ cả năm ở Hà Nội, nên sau khi nhận được kịch bản, ngày hôm sau đi thử quay cảnh bát cháo hành là đạo diễn đồng ý để tôi vào vai luôn.
NSƯT Đức Lưu trong phim và ngoài đời
- Bà có đắn đo nhiều cho vai diễn này?
Lúc đó say mê lắm không có đắn đo gì cả. Cả đêm tôi ngồi đọc kịch bản thấy nhập tâm, thích lắm, sáng mai hồ hởi lên thử đoạn bát cháo hành, rồi bộ phim bắt đầu bấm máy.
- Vào vai một nhân vật mà cái nghèo, cái xấu, cái ngẩn ngơ đã thành giai thoại như một cái lô cốt ba mặt nhốt chặt con người ấy trong đó, bà có sợ làm mất đi hình ảnh con người thật của mình khi bước ra khỏi màn ảnh?
Ngay khi nhận vai diễn này tôi đã nói với đạo diễn là tôi chỉ sợ tôi không đủ tài để làm tốt, chứ những cái khác tôi không sợ. Tôi nghĩ rằng, một người nghệ sĩ biết hy sinh cho nghệ thuật là người làm cho hình tượng mà họ hóa thân còn sống mãi, và tôi vui vì Thị Nở không chỉ bước ra từ văn học, mà còn bước ra từ điện ảnh để sống đến bây giờ.
- Kỉ niệm đáng nhớ nhất của bà khi vào vai Thị Nở?
Khi đọc kịch bản tôi thấy mọi cảnh đều bình thường lắm, không có gì khiến mình đắn đo, ông chồng tôi đọc xong cũng không thấy có gì phải lấn cấn cả. Nhưng hóa ra khi quay gần xong ông Phạm Văn Khoa mới để đoạn tế nhị là Chí Phèo lật cái yếm lên. Tôi cũng bất ngờ lắm khi có cảnh tế nhị này, nhưng rồi vẫn diễn rất ngọt.
Có thể những diễn viên khác họ không dám nhận vì có chồng, con nhỏ, hoặc bản thân người đó không mạnh dạn.
Tôi còn nhớ để bộ phim được duyệt chiếu là vô cùng khó khăn, chỉ có mỗi cảnh tế nhị Chí Phèo nhấc cái yếm lên để đưa cái tay vào ngực Thị Nở mà duyệt suốt 6 tháng, đến cuối cùng vẫn quyết định cắt. Mãi sau này mới được thông qua.
Việc duyệt phim ngặt nghèo đến nỗi, vị nào duyệt phim cũng muốn ý kiến của mình được thực hiện, cắt nát hết cả phim. Đến nỗi tổ phim hết cả tiền để đi theo duyệt, còn lại có chủ nhiệm với diễn viên chính, đạo diễn người ta cũng phải đi làm kịch bản phim mới rồi.
Đến lúc được thông qua một cái thì như cá gặp nước, ào ào, một lúc chiếu ở tất cả các rạp ngoài Hà Nội, có 7 cuộn phim thôi, xong một cái đã có người ngồi ở cửa để lấy đi chiếu rạp khác, như ngày hội.
Cái thời ấy là thời kì vàng, không bao giờ có được nữa, người người nhà nhà nô nức đón đợi từng tập phim, người diễn viên lúc nào cũng hân hoan phơi phới.
Bức ảnh hiếm hoi của ba người phụ nữ nổi tiếng màn ảnh một thời
Mà lúc ấy chúng tôi làm việc vô tư lắm, nghèo lắm, cát-xê còn không đủ tiền mua vé mời bạn đến xem chính bộ phim mà mình đóng.
Mà cát-xê tính theo mét, nghĩa là tính theo khoảng thời gian mình xuất hiện trong phim dài hay ngắn, tôi xuất hiện không nhiều trong bộ phim ấy, nên tiền catxe cũng không nhiều.
Mà có khi trong đoàn làm phim có 2 người ốm, tạm ứng trước để mua cân đường hộp sữa đã hết nửa tiền rồi, đến lúc làm xong phim thì hết bạn nọ đòi khao đến bạn kia đòi khao, vui lắm. (cười).
- Chồng và các con của bà có nói gì về cảnh tế nhị đó không?
Chồng tôi văn minh lắm, vì ông đi học ở nước ngoài về nên tư tưởng rất tiến bộ, ông rất thông cảm, tôn trọng nghệ thuật, hiểu sự hy sinh cho nghệ thuật nên không lăn tăn gì chuyện đó.
Các con tôi cũng không nói gì về cảnh diễn đó, nhưng chúng nó thấy mẹ hóa trang xấu quá, vào nhân vật hài hước quá, người ta xem mẹ nhiều quá nó ngượng. Rồi nhiều người xem mẹ xong thì xem cả con mẹ, đi xem con Thị Nở, con Chí Phèo nên nó ngượng. Khi ấy các con tôi còn nhỏ nên chúng nó tự ái và sĩ diện với bạn bè lắm.
Chí Phèo và Thị Nở trong phim
- Sau này bà còn xuất hiện trong một số vai diễn trên màn ảnh và sân khấu kịch như Những cô gái nông trường, Đêm tháng bảy, Con tôi cả… nhưng hình như không có vai diễn nào vượt qua được vai Thị Nở trong Làng Vũ Đại ngày ấy?
Đúng vậy, vai diễn Thị Nở vẫn là vai diễn để lại nhiều kỉ niệm nhất trong lòng tôi, và được khán giả nhớ tới.
Đó cũng là lý do một thời gian sau này tôi không dám nhận vai nào nữa. Vai diễn Thị Nở là cái bóng quá lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi. Gần như việc phong NSƯT cho tôi cũng chỉ là chỉ dựa trên vai diễn ấy.
- Việc được nhận danh hiệu NSƯT cũng là một sự công bằng cho vai diễn Thị Nở để đời ấy, cảm giác của bà khi ở cái tuổi xế chiều được phong tặng cái danh NSƯT?
Vì vai diễn của tôi quá lâu rồi nên tôi thấy mọi thứ đều đơn giản lắm. Nhưng tôi vui vì không phải đến khi được phong tặng, mà trước đó nhiều người đã nghĩ tôi là NSƯT, từ khi vai diễn Thị Nở xuất hiện trên màn ảnh.
Có một lần đài phát thanh cũng nói tôi là NSƯT tôi phải cải chính, không, tôi chưa phải NSƯT gì đâu. Hay trong cuộc họp đồng hương Quảng Nam của chồng tôi, có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tham dự, bà cũng giới thiệu tôi là NSƯT. Tôi phải bảo không ạ, em không phải ưu tú gì đâu ạ (cười), có những kỉ niệm rất vui như thế về danh hiệu.
Nghệ sĩ Đức Lưu nhận danh hiệu NSƯT
- Sau gần 30 năm gỡ bỏ lớp hóa trang nhân vật của Thị Nở, rời khỏi màn ảnh người ta vẫn chỉ nhớ tới một NSƯT Đức Lưu với vai Thị Nở ấy thôi chứ không phải đa dạng trong các vai diễn mới mẻ hơn, bà có thấy buồn?
Vai diễn Thị Nở ấy, tôi coi như một kỉ niệm đẹp, một dấu ấn ghi lại mình đã đi qua một giai đoạn của cuộc đời. Tôi đến với nghệ thuật, với ánh đèn sân khấu, với tiếng máy quay như một cuộc dạo chơi
mà may mắn mình ghi lại được chút gì đó.
Rời sân khấu, rời màn ảnh, tôi quay trở về với niềm vui trong công việc ở việc ở trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ, nơi tôi có 16 năm làm thành phần sáng lập trường. Tôi có nhiều việc, nên cũng không có thời gian để nghĩ buồn nữa. (cười)
- Được biết đến sau này, bà từng từ chối rất nhiều vai diễn, vì bà sợ không vượt qua được cái bóng quá lớn của Thị Nở hay còn vì lý do gì khác?
Đúng là vai diễn Thị Nở đã khiến tôi khó làm các vai khác nên có những bộ phim tôi không dám nhận. Còn sau này, chồng tôi bị tai biến phải nằm liệt một chỗ gần 5 năm, tôi không bao giờ rời ông nửa bước nên sau này, có nhiều kịch bản gửi đến nhưng tôi không tham gia vào bất cứ vai diễn nào.
Cách đây mấy ngày, tôi được mời tham gia vào một phim hài, chỉ diễn hai ngày họ trả catxe 20 triệu, cũng ghê đấy chứ, cũng hấp dẫn đấy chứ, nhưng tôi trả lời đạo diễn là tôi không nhận được, vì nếu đóng vai này tôi sẽ bị khán giả lên án là tôi bán danh, vì đó là một thứ hài kịch mua vui rẻ tiền.
- Nhìn lại cả một chặng đường đã qua, sau từng ấy năm, giờ đã bước sang cái tuổi xế chiều của cuộc đời, có điều gì làm bà tiếc nuối, với riêng vai diễn Thị Nở và cả những vai mà sau này bà không dám nhận?
Ngày xưa tôi mơ ước lắm kịch bản được vào những vai diễn mang tầm vóc lịch sử, bi hùng, nhân vật sâu sắc, đa dạng, những nhân vật lịch sử hay những nhân vật văn học. Tôi tiếc nuối vì mình không có nhiều vai như vậy để diễn.
Còn riêng với vai diễn Thị Nở, nếu được làm lại chắc tôi sẽ làm tốt hơn chứ. Ngày ấy còn cứ hậm hực với đạo diễn là sao vai diễn Thị Nở cho xuất hiện ít quá, được một chút nữa cho nhân vật phong phú hơn thì sẽ thích hơn.
- Xin cảm ơn bà và chúc bà sức khỏe !
VTC News