Chí Phèo – Thị Nở của Làng Vũ Đại ngày ấy
Đạo diễn Phạm Văn Khoa dựa theo những tác phẩm để đời của nhà văn Nam Cao, gồm Sống mòn, Chí Phèo và Lão Hạc để dựng lên một bộ phim xưa nhưng không bao giờ cũ: Làng Vũ Đại ngày ấy. Trong kiệt tác kinh điển của điện ảnh Việt Nam thế kỷ 20 đó, chắc chắn sẽ không ai quên được hai nhân vật Chí Phèo – Thị Nở.
Chí Phèo - Thị Nở của "Làng Vũ Đại ngày ấy"
Trong ngôi làng Vũ Đại của thời kỳ tiền cách mạng, cuộc sống của người nông dân bần cùng và cơ cực được tái hiện phần nào qua hai hình tượng nhân vật mang nỗi đau của cả xã hội phong kiến thối nát, nhưng ẩn giấu bên trong vẫn là những viên ngọc sáng của tâm hồn.
Chí Phèo do diễn viên Bùi Cường đóng, là một người gốc nông dân nhưng bị cướp hết ruộng, phải trở thành một kẻ lưu manh, chuyên đi rạch mặt ăn vạ để sống qua ngày. Còn Thị Nở, do diễn viên Đức Lưu thủ vai, là một người con gái lỡ thì, xấu ma chê quỷ hờn, lại hơi thơ thẩn. Vậy mà nhân duyên đã cho hai con người ấy gặp nhau, kết thành một mối tình ngang trái.
Cảnh vườn chuối ấn tượng của Chí Phèo - Thị Nở
Nhớ về Chí Phèo, Thị Nở là người ta nhớ về cái cảnh trong vườn chuối, rất thật và biểu cảm. Lúc bấy giờ, cảnh quay Chí Phèo vồ lấy ngực Thị Nở quả là táo bạo, tới mức chỉ đến lúc Tổng bí thứ Trường Chinh khi đó ra chỉ thị duyệt cảnh nóng này, bộ phim mới không bị cắt xén.
Nhưng nhớ nhất chính là chi tiết bát cháo hành mà Thị Nở nấu cho Chí Phèo sau trận ốm vì rượu. Mùi thơm của cháo, cái vị cháo hay vị săn sóc của tình yêu khiến Chí Phèo thấy vui mà cũng buồn. Hắn thấy ăn năn vì những tội ác hắn đã làm. Và hắn muốn được trở lại làm người như xưa. Nhưng ai cho hắn được làm người nữa? Hắn phải trả thù Bá Kiến.
Chi tiết bát cháo hành gây xúc động cho người xem
Ở cảnh phim này, khán giả đã không thể không khóc vì thương cho kiếp sống của một con người bị tha hóa vì những thế lực phong kiến như Bá Kiến dồn đẩy đến bước đường cùng.
Phải nói, diễn viên Bùi Cường đã nhập vai hoàn toàn vào nhân vật, để tới bây giờ vai diễn này đã trở thành kinh điển của riêng mình ông, với cái gương mặt chằng chịt những vết sẹo bởi vô số lần người ta sai Chí Phèo đi đâm thuê chém mướn, cái giọng cười nghèn nghẹn như tiếng của con chó bị hóc xương, nuốt không vào mà nhả cũng không ra, như chính cuộc đời Chí Phèo – như một con chó bị thực dân chà đạp.
Chí Phèo – Thị Nở trong Giấc mơ Chí Phèo
Phỏng theo nguyên tác là các tác phẩm của Nam Cao, đạo diễn Phạm Đông Hồng đã tạo nên một tiểu phẩm hài mang tên Giấc mơ Chí Phèo.
Dù vấp phải đôi chút ý kiến cho rằng kịch bản đi quá đà so với nguyên tác nhưng nhìn chung Giấc mơ Chí Phèo đã đáp ứng được thị hiếu giải trí mà vẫn mang tính nhân văn, gửi gắm nhiều ý nghĩa tới khán giả.
Cảnh trong Giấc mơ Chí Phèo
Cặp đôi Chí Phèo –Thị Nở trong phim được giao cho hai diễn viên Trung Hiếu và Thúy Nga, là những gương mặt hài quen thuộc.
So với Làng Vũ Đại ngày ấy, khuôn mặt Chí Phèo lần này không quá ghê sợ, mà chỉ đơn giản là diện mạo của một kẻ tứ cố vô thân. Thị Nở được hóa trang thành một người phụ nữ xấu xí với hàm răng vẩu, mang tính gây cười nhiều hơn, nhưng cũng phù hợp với thể loại hài của phim.
Bối cảnh tiểu phẩm là khung cảnh làng quê nông thôn Bắc Bộ thời phong kiến. Bá Kiến tổ chức tiệc cưới cô vợ thứ tư. Đoàn rước dâu về đến cổng làng thì bị Chí Phèo (trong phim gọi là anh Chí) chặn lại đòi rượu. Bá Kiến mánh khóe, ngọt nhạt mời Chí rượu trong nhà. Rồi Chí gặp Tự Lãng, hai bợm rượu bàn chuyện nổi dậy chống cường hào. Trong cơn say rượu, trên đường mò về nhà, Chí phát hiện ra Thị Nở gánh nước ngủ quên trong vườn chuối ven sông. Rồi gã đem lòng yêu thị.
Chí Phèo - Thị Nở được tái hiện theo hình thức tiểu phẩm hài
Ấn tượng nhất chính là cảnh cả hai cùng tâm sự dưới mái nhà tồi tàn, rồi Chí hất tung những mảng rơm phủ trên nóc nhà, để ánh trăng rọi vào cho thị đỡ sợ. Ánh trăng thắp sáng tình yêu đơn sơ của hai mảnh đời bất hạnh với những mơ ước nhỏ nhoi.
“Có cái Hĩm hay thằng Chí con rồi, tôi bỏ rượu. Tôi sẽ chặt hết chuối để trồng cây ăn quả. Chỗ triền sông kia tôi sẽ trồng dâu, nuôi tằm, để cho mình xe sợi”, Chí Phèo quyết tâm làm lại cuộc đời. Thị Nở cũng chung lòng. Cả hai cùng mơ về một gia đình bé nhỏ, và cả ước mơ cho con đi học cũng thật xúc động biết bao.
Trong Giấc mơ Chí Phèo, Thị Nở không quá thơ thẩn, trái lại, thị còn là quân sư cho Chí trong kế hoạch lật đổ Bá Kiến. Tuy nhiên, sau màn gánh nước từ ao đổ vào giếng rồi lại gánh từ giếng đổ ra ao, Thị bỗng thông minh đột xuất, trở thành người lắm mưu nhiều kế, thì quả là chưa hợp lý.
Chi tiết bát cháo hành chưa được dồn tâm huyết
Vẫn giữ chi tiết bát cháo hành nhưng kết thúc Giấc mơ Chí Phèo được làm mới ở kiểu kết lửng, không có cái chết của nhân vật nào, mà chỉ mở ra tương lai và số phận sẽ thay đổi của Chí Phèo sau khi “nghĩa quân” của hắn chiến thắng Bá Kiến.
Hai diễn viên Trung Hiếu và Thúy Nga đã mang tới cho người xem những tiếng cười mang ý nghĩa giáo dục bằng lối diễn hài tự nhiên, lột tả sâu sắc tâm lý nhân vật. Trung Hiếu cũng tạo được nét riêng cho nhân vật của mình bằng giọng nói khàn khàn kiểu bợm rượu. Và đây cũng là một sự “lột xác” mới mẻ của nghệ sỹ này vốn quen thuộc với những vai chính diện hiền từ.
NSƯT Trung Hiếu
Còn Thúy Nga, vốn quen với những cách hóa trang làm mình già đi, xấu đi, trong hình tượng Thị Nở này, người ta vẫn thấy cái chất Thúy Nga từ diện mạo cho đến câu nói, điệu bộ. Giờ đây, cô đã có một gia đình hạnh phúc đang sống tại Mỹ với một bé gái xinh xắn.
Hình ảnh mới đây của Thúy Nga trong chiếc áo dài dân tộc
Quỳnh An (24h)