Trong hình dung của công chúng, nghệ sĩ điện ảnh là những người giàu có, sở hữu biệt thự triệu đô, siêu xe, dùng thời trang hàng hiệu trị giá cả trăm nghìn đô... Nhưng điều này không đúng với nghệ sĩ ở Hãng phim truyện Việt Nam.
"3 năm qua Hãng phim truyện Việt Nam không được rót tiền làm bất cứ bộ phim nào, các nghệ sĩ chỉ nhận 50% lương, 3-6 tháng tới không biết sẽ trả lương bằng cách nào. Thật thê thảm cho một hãng phim lớn đã tồn tại hơn nửa thế kỷ", đạo diễn Thanh Vân cho biết.
Những người viết huyền thoại, bộ phim gần đây nhất Hãng phim truyện
Việt Nam sản xuất là dự án phim được duyệt kinh phí
từ 3 năm trước.
Nhà quay phim Lý Thái Dũng, PGĐ Hãng phim truyện VN cho hay hiện chưa có hạng mục kỹ thuật nào của Hãng, dù là nhỏ nhất có thể làm được phim kỹ thuật số và trong vòng từ 3-6 tháng nữa Hãng chưa biết lấy tiền đâu ra để trả lương cho anh em.
"Hãng có hơn 100 anh em, phim là danh dự của Hãng mà 3 năm nay không có phim làm. Hãng không nhận được bất cứ một sự đầu tư nào. Bộ phim duy nhất thực hiện trong năm nay (Những người viết huyền thoại - PV) là phim đã được duyệt kinh phí từ năm 2009.
Hiện tại, những nghệ sĩ nghỉ hưu lương còn cao hơn anh em đang làm việc cho Hãng. 3 năm qua chúng tôi không có phim làm và cũng không biết bao giờ mới có phim để làm nữa", đạo diễn Thanh Vân nói.
Nhà biên kịch Hồng Ngát, nguyên Giám đốc Hãng phim truyện VN, PCT thường trực Hội điện ảnh VN cho biết cụ thể hơn. "Một hãng phim lớn như thế mà nay tàn lụi đến mức này, lương anh em chỉ có 400-500.000 đồng, thật thê thảm", bà nói.
"Đời sống của anh em văn nghệ sĩ đi vào ngõ cụt. Hình ảnh hãng phim ngổn ngang, nhà xưởng, trường quay, hội trườngcũ nát, hoen gỉ, sập xệ cũng chỉ là một phần trong cơn bĩ cực. Ít ai có thể hìnhdung nổi lương của cán bộ công nhân viên và nghệ sĩ hãng phim chỉ có 650.000đồng/tháng nhân với hệ số và được giữ nguyên cả chục năm qua.
Nhà truyền thống của Hãng được cho thuê làm nhà hàng để có tiền trả lương
cho các nghệ sĩ.
Trong khi ngay cả mức lương tối thiểu cũng không chi trả đủ. Nhiều đạo diễn,diễn viên, quay phim đã từng làm việc, cống hiến cho nền điện ảnh nước nhà 30 - 40 mươi năm chỉ được lĩnh 540.000 đồng một tháng, thậm chí nhiều người còn bị cắt không lương với muôn vàn lí do khác nhau.
Đội ngũ nghệ sĩ sáng tác của Hãng người về hưu trước niên hạn, người đã vào giảng dạy ở trường ĐH Sân khấu Điện ảnh, người bỏ ra ngoài làm hoặc nghỉ không lương. Điều này dẫn đến nguồn nhân lực chủ chốt trở nên teo tóp. Cơ ngơi của Hãng ngày càng dột nát, xung quanh các hàng quán mọc lên như nấm: bia, phở,cơm bình dân, quán bi-a, nhà hàng.... Đặc biệt hơn quán phở còn lấy tên “Hãng phim truyện Việt Nam-phở gia truyền”. Văn nghệ sĩ của Hãng không ai lên tiếng bởi lương bổng của họ đều trông cả vào mớ hàng quán ấy", đạo diễn Phạm Lộc cho biết.
Phó GĐ Hãng phim truyện Việt Nam, nhà quay phim Lý Thái Dũng cho biết dù Nhà nước có quy định về mức lương tối thiểu nhưng Hãng phim Truyện Việt Nam phải “một mình một chợ” trả theo mức lương 650.000 đồng. Tiền cho thuê quán phở, cho thuê quán cá, nhà xưởng chưa đủ tiền đóng thuế đất hằng năm. Các đạo diễn, quay phim, biên kịch, thu thanh, dựng phim, các kỹ thuật viên phải ra ngoài, nhận làm thuê tất cả các phim truyền hình, quảng cáo... miễn sao có thêm thu nhập cho mình và đóng góp một phần cho hãng.
Xưởng thiết kế mỹ thuật của Hãng phim Truyện Việt Nam cũ nát
như thế này đây.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính của Bộ VHTT&DL, người đã theo sát tình hình của Hãng phim truyện VN trong nhiều năm qua khẳng định Bộ VH rất quan tâm đến các vấn đề của Hãng phim truyện VN. Việc 3 năm qua Hãng không có phim để làm là do từ năm 2011 đã có quy chế về đấu thầu phim rõ ràng nên không có chuyện rót tiền làm phim cho từng Hãng theo chỉ tiêu như trước kia.
Đất Việt