Những bộ phim truyền hình Việt Nam đang ngày một vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ của dòng phim truyện nước ngoài, tiêu biểu là phim truyền hình Hàn và phim Hollywood. Mặc dù đã được tạo điều kiện thuận lợi khi phát sóng trong khung giờ vàng nhưng sức lôi cuốn của các bộ phim truyền hình Việt vẫn đang còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Thậm chí, nhiều bạn trẻ giờ đây mở miệng ra là chê phim Việt, khen phim Hàn, phim Tây. Nhưng thực sự, nhìn nhận lại một cách khách quan, phim Việt đã và đang có những thay đổi, trong giai đoạn đổi mới này hẳn không tránh khỏi những khuyết điểm chưa vừa lòng khán giả.
Phim truyện Việt Nam ngày nay đã để lại những dấu ấn như thế nào trong lòng người xem? Chúng ta hãy cùng thử đi tìm bộ phim truyền hình hay nhất trong thời gian qua:
Đất phương Nam (năm 1997)
Bộ phim truyền hình được sản xuất năm 1997 – Đất phương Nam – đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả về mảnh đời gian truân của cậu bé An trên con đường vào Nam tìm cha. Dựa trên cuốn tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, bộ phim cùng với việc miêu tả về An là sự khắc họa chân thực những mảnh đời lầm than của người nông dân miền Nam dưới ách áp bức của phong kiến và bọn thực dân. Những giọt nước mắt của nhân vật đã làm nóng trái tim của biết bao khán giả. Bộ phim với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, làm lay động trái tim của đông đảo tầng lớp người xem về tấm lòng nhân ái của đồng bào, về sự dũng cảm kiên cường khi họ trỗi dậy làm cách mạng.
Trích đoạn phim Đất phương Nam
Mặc dù đã 15 năm kể từ khi bộ phim được công chiếu nhưng hình ảnh về cậu bé An (Hùng Thuận đóng) và những câu hò da diết của những người nông dân Nam bộ lẫn ca khúc Bài ca đất phương Nam vẫn còn in sâu trong tâm trí nhiều thế hệ Việt.
Của để dành (năm 2000)
Chỉ có 6 tập nhưng bộ phim truyền hình về đề tài gia đình này đã ở lại trong lòng khán giả với những cảm xúc rất đáng trân trọng. Ba người con viện lý do công việc riêng, phó mặc mẹ cho người giúp việc và chỉ đến khi người mẹ già bỏ đi, họ mới tỉnh ngộ đi tìm bà. Đó là một cốt truyện tưởng như giản đơn nhưng bộ phim Của để dành vẫn mang lại những ý nghĩa giáo dục sâu sắc về tình mẫu tử.
Khán giả đã không thể kìm được những giọt nước mắt khi thấy bé Luyến – cô bé giúp việc – vì nhớ mẹ, đã trùm khăn lên đầu, ngồi dưới bóng đèn, hướng về cái bóng của mình như hình ảnh của mẹ và trò chuyện trong đêm. Hay hình ảnh cuối cùng đầy ẩn dụ về một bà mẹ làm nghề quét rác đang cúi xuống nhặt cho con chiếc ô tô hỏng và tiếng mẹ ru vang lên trong không gian yên tĩnh khi người con gái út sốt sắng đi tìm mẹ. Với cha mẹ, con cái là của cải quý giá nhất, cha mẹ luôn chăm lo quan tâm tới con trong từng giây phút. Vậy nên, làm sao để chữ hiếu được tròn vẹn, đó là cái nghĩa của đạo làm con.
Phía trước là bầu trời (năm 2001)
Những diễn viên trong phim Phía trước là bầu trời
Những câu chuyện của thời sinh viên luôn là một đề tài không bao giờ cũ với các nhà làm phim lẫn khán giả. Khán giả sẽ khó có thể quên được một xóm trọ sôi nổi với những cô cậu sinh viên nghèo đến từ những miền quê khác nhau. Bộ ba Thương, Nguyệt, Nhung – những cô sinh viên vừa tốt nghiệp phải bươn trải kiếm việc, cùng với Vinh, Hòa, Nam, Linh… những sinh viên ngồi trên ghế nhà trường đã cùng trải qua những ngày tháng gắn bó bên nhau rộn rã tiếng cười và cũng chất đầy tâm sự buồn thương. Dù hội tụ lớp diễn viên trẻ nhưng lối diễn xuất tự nhiên, chân thực và một kịch bản đậm chất sinh viên đã tạo nên thành công cho bộ phim. Tới giờ, vai diễn trong Phía trước là bầu trời vẫn được gắn liền ngay trước tên của những diễn viên và những ca khúc trong phim như Lời chưa nói, Mong ước kỷ niệm xưa, Bạn tôi, When you say nothing at all.. đã để lại kỷ niệm sâu đậm với mỗi khán giả mỗi khi nhớ lại thời sinh viên.
Trích đoạn phim Phía trước là bầu trời
Đất và người (năm 2002)
Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, được chiếu trên VTV1 từ tháng 8/2002, được đánh giá là tác phẩm phản ánh chân thực nông thôn Việt Nam trong giai đoạn bước vào thời kỳ đổi mới, khi người nông dân được giao khoán ruộng đất.
Mặc dù khai thác đề tài quen thuộc nhưng đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã thổi vào đó một luồng sinh khí mới trong từng vai diễn. Cho tới giờ, câu thoại quen thuộc “Không nên hoãn cái sự sung sướng đó lại” của nhân vật Chu Văn Quềnh (Hán Văn Tình đóng) đã trở thành câu nói thông dụng trong cuộc sống. Thậm chí, trên mạng facebook đã có hẳn “Hội những người yêu thích phim Đất và người”. Bộ phim đã chạm vào được huyết mạch của những vấn đề xã hội nóng bỏng trong đời sống nông thôn.
Những diễn viên Hán Văn Tình, Hồng Minh, Thanh Giang tham gia
trong phim Đất và người
Tiếp nối thành công đó, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chỉ đạo bấm máy cho hai bộ phim Ma làng, Gió làng Kình cùng thuộc đề tài nông thôn đổi mởi. Mặc dù hai bộ phim truyện tiếp theo được đánh giá là “bình cũ, rượu mới” nhưng Đất và người vẫn xứng đáng là bộ phim để lại nhiều dấu ấn trong lòng người hơn cả. Phim đã được đề nghị xét tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật trong lĩnh vực điện ảnh và nhận giải khuyến khích của Cánh diều vàng 2003.
Chạy án (năm 2006)
Dựa trên chuyên án Mai Văn Dâu, bộ phim hình sự Chạy án như cái tên của nó là việc vạch trần những phi vụ đút lót tiền để thoát tội. Phim đã thu hút sự quan tâm theo dõi của khán giả từ năm 2006, với hai phần tiếp nối. Câu chuyện về gia đình ông Cẩm, một con người liêm khiết, được đề bạt lên chức Thứ trưởng, nhưng những người trong gia đình ông lại hoàn toàn đối lập. Một bà vợ lợi dụng chức vụ của chồng để làm ăn phi pháp, một cậu con trai làm trưởng phòng ngân hàng nhưng cờ bạc, ăn chơi, nghiện ngập và một cô con dâu mang danh là hoa hậu nhưng đã là gái gọi cao cấp từ năm lớp 12.
Phim về đề tài hình sự của Việt Nam vốn bị lép vế so với phim nước ngoài nhưng Chạy án đã phần nào tìm cho mình một lối đi riêng khi đi sâu phân tích tâm lý nhân vật. Tiếp nối series Cảnh sát hình sự,Chạy án đã đi sâu khai thác đề tài nhạy cảm liên quan tới tham nhũng, đó cũng là vấn đề nổi cộm trong xã hội và được quan tâm sâu sắc. Mặc dù vẫn còn những sai sót không đáng có khi lên hình nhưng giải phim truyền hình được yêu thích nhất năm 2005-2006 và giải diễn viên nam chính xuất sắc nhất (NSƯT Tiến Đạt), giải vai diễn ấn tượng (Việt Anh) đã chứng minh sức thu hút của phim với một lượng lớn khán giả Việt.
Bỗng dưng muốn khóc (năm 2008)
Hội tụ những thế mạnh như dàn diễn viên trẻ đẹp, xuất sắc, kịch bản súc tích lôi cuốn, bối cảnh kỹ lưỡng và một nội dung phim mới mẻ, câu chuyện tình yêu tưởng như phi lý nhưng rất hợp tình giữa Trúc – một cô gái bán sách xinh xắn, thông minh và rất nghị lực – với Nam – một cậu thiếu gia chỉ biết chơi bời, chưa từng bị va vấp xã hội, đã lôi cuốn các thế hệ khán giả Việt.
Bộ phim mang tới triết lý, tình yêu có thể vượt qua mọi khác biệt về bề ngoài (hoàn cảnh kinh tế). Khán giả được sống trong những khoảnh khắc lãng mạn của Trúc và Nam, được cười thoải mái với những lần đấu khẩu của hai người và cũng được khóc trước mảnh đời gian nan của Trúc. Nhạc phim cũng là một yếu tố thu hút khán giả và đây là một sự đầu tư kỹ lưỡng của nhà sản xuất. Cũng từ thành công của bộ phim, nữ diễn viên chính Tăng Thanh Hà đã được bình chọn là nữ diễn viên truyền hình được yêu thích nhất và bộ phim giành giải phim truyền hình được yêu thích nhất năm 2009.
Bộ phim giành giải phim truyền hình được yêu thích nhất năm 2009
Trích đoạn trong phim Bỗng dưng muốn khóc
Khát vọng thượng lưu (năm 2012)
Bộ phim hội tụ dàn diễn viên trẻ, đẹp gồm Bình Minh, Vũ Thu Phương, Elly Trần… với kịch bản mới mẻ về câu chuyện hai người giống nhau. Đó là Phong (Bình Minh đóng) là CEO một tập đoàn nhưng thực chất lại là một tay chơi có tiếng, bỗng một ngày anh gặp một người có diện mạo giống hệt mình. Bộ phim xoay quanh về ước mơ, tham vọng và cả những khát khao tình yêu của những người trẻ tuổi.
Đặc biệt, trong lễ trao giải Cánh diều vàng 2011 vừa diễn ra tối 17/3 vừa qua, Elly Trần đã bất ngờ giành giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất của thể loại phim truyền hình. Có phải vì đây là bộ phim truyền hình đáng giá của màn ảnh nhỏ Việt Nam trong năm?
La Dolce (24h)