Giải thưởng năm nào vẫn thế
Lễ trao giải Cánh diều 2012 là sự kiện điện ảnh thường niên lớn nhất nơi tôn vinh các diễn viên, đạo diễn và những người hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh. Vì lí do đó không ít người đã ví nó giống như Oscar của Việt Nam). Ấy vậy nhưng, năm nào cũng vậy sau mỗi đêm trao giải lại có vô số những câu chuyện lùm xùm được đem ra bàn tán trên khắp các mặt báo. Và cũng ngạc nhiên, những sai lầm của năm này lại được nối tiếp ở năm sau và vô hình chung nó đã trở thành căn bệnh nan y của phim Việt. Và năm 2012 câu chuyện ấy cũng không phải ngoại lệ.
Giải thưởng cho Elly Trần bị đem ra mổ xẻ rất nhiều
Câu chuyện lùm xùm được báo chí “khai quật” nhiều nhất là giải thưởng Nữ diễn viên truyền hình bỗng dưng được trao cho Elly Trần với vai diễn trong Khát vọng thượng lưu. Nếu như người trong cuộc còn sốc đến 10 lần, té ngửa vì mình được giải thì những người đứng ngoài cuộc được một phen chưng hửng.
Cô gái được mệnh danh là hot girl có vòng 1 “hàng xịn cỡ khủng” này từng chạm ngõ điện ảnh trongBóng ma học đường bị nhiều tờ báo phê phán rằng không đáng để được gọi là diễn viên. Điều này không phải vô lí vì không phải cứ sáng tác một ca khúc là thành nhạc sĩ, hát một bài hát là thành ca sĩ và có 1, 2 bộ phim là thành… diễn viên. Thêm vào đó, trong Khát vọng thượng lưu, thật khó để có thể nói vai của Elly là nữ chính vì nếu xét toàn diện người đó phải là Vũ Thu Phương. Có chăng thì cô chỉ được coi là vai thứ chính. Nếu như Elly tự nhận vì cô diễn xuất tự nhiên nên được chấm giải thì đó cũng chỉ được coi là căn cứ cá nhân. Với những ai theo dõi bộ phim này hẳn dễ nhận thấy vai diễn của cô còn khá thô ráp và nếu so sánh với những… ở cùng hạng mục thì giải thưởng này thực chưa xứng đáng.
Tina Tình cũng có chung số phận
Câu chuyện thứ 2 được người trong cuộc nói rất thẳng rất thật đó là giải …. dành cho Hotboy nổi loạn. Được vinh danh ở giải thưởng do Báo chí bình chọn, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng coi đó là niềm tự hào nhưng với Bằng khen của BTC thì với anh đó lại là điều vô nghĩa. Cái sự vô nghĩa mà "Đãng trọc" đưa ra đó là phim của anh chẳng thể nào xếp cùng chiếu với Lệ phí tình yêu dù anh biết khi nói ra chuyện này có thể làm mất lòng đồng nghiệp Nguyễn Minh Chung. Còn nhớ, trước đó không lâu tại Liên hoan phim Việt Nam 15 bộ phim này từng bội thu giải thưởng trong đó có Bông sen bạc. Ấy vậy nhưng, phim lại hoàn toàn bị thất sủng tại Cánh diều. Và cũng chẳng có gì phải ngạc nhiên khi vị thuyền trưởng của bộ phim lên tiếng bênh vực cho đứa con tinh thần của mình.
Lại liên quan đến Hotboy nổi loạn, Vũ Ngọc Đãng cũng lên tiếng “bất bình” thay cho các diễn viên trong phim là Lương Mạnh Hải, Hồ Vĩnh Khoa và Phương Thanh. Đạo diễn lập luận nếu xét theo tiêu chí tìm kiếm ra những diễn viên có đột phá trong vai diễn thì chuyện cả 3 diễn viên kể trên của anh có giải là điều hoàn toàn bình thường. Cả Lương Mạnh Hải và Hồ Vĩnh Khoa đều lần đầu tiên đảm nhận vai gay và diễn xuất của họ từng lấy đi khá nhiều nước mắt của khán giả. Trong khi đó Thái Hòa trongLong Ruồi vẫn là cái chọc cười dễ dãi và gần như vai diễn thiếu đi chiều sâu. Thêm vào đó để so sánh Tina Tình với Phương Thanh sự khác biệt càng rõ rệt hơn. Trong Long Ruồi Tina Tình chỉ như bình hoa di động với diễn xuất quá mờ nhạt và gần như không có bộc lộ nào về nội tâm. Ngược lại Phương Thanh đã làm được cái điều đi ngược quan niệm mọi người đó là hóa thân vào vai cô gái điếm “không có cảnh sex” mà chủ yếu đi khắc họa thân phận của những nhân vật như vậy.
"Đãng trọc" không ngại nói thẳng nói thật về Cánh diều 2011
Và rõ ràng ít nhất thì 3 trong 4 hạng mục ở thể loại phim điện ảnh dành cho cá nhân các diễn viên đều trở thành có vấn đề. Công bằng mà nói giải thưởng Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất dành cho Hiếu Hiền mới thực sự được sự đồng thuận của cả BGK và khán giả.
Và hạng mục bao giờ cũng công bố cuối cùng, được chờ đợi nhất – Cánh diều vàng, Cánh diều bạc ở thể loại phim điện ảnh không nằm ngoài những lùm xùm. Việc Mùi cỏ cháy từng giành Bông sen bạc và được tôn vinh cao nhất có lẽ không cần nói thêm vì trong bối cảnh “so bó đũa chọn cột cờ” chuyện này có thể tạm chấp nhận. Ấy vậy nhưng, hai cái tên còn lại là Long Ruồi và Saigon Yo! được xướng lên Cánh diều bạc lại gây ra lắm nhiêu khê. Thử đặt lên bàn cân với các đối thủ còn lại liệu giải thưởng này đã xứng đáng?
Trông người lại ngẫm đến ta
Có một điều dễ nhận thấy đó là các giải thưởng kể cả cho cá nhân (bao gồm diễn viên, đạo diễn) hay giải thưởng dành cho phim tại Việt Nam hiếm khi có sự lặp lại. Một bộ phim từng giành giải tại Liên hoan phim Việt Nam thường khó có cửa tại Cánh diều. Và đối với các diễn viên thực trạng cũng tương tự. Quy luật này dường như hơi trái khoáy so với các giải thưởng điện ảnh lớn trên thế giới.
Bằng chứng rõ rệt nhất trong năm 2011 vừa qua đó là sự thắng thế của The Artist ở hầu hết các giải thưởng điện ảnh lớn nhỏ như: Quả cầu vàng, BAFTAs và đỉnh cao là Oscar. Tất nhiên mỗi 1 giải thưởng đều có tiêu chí nhất định ấy vậy nhưng những tác phẩm thuộc về nghệ thuật và mang giá trị nhân văn luôn tìm được tiếng nói chung của BGK ở các giải khác nhau. Câu chuyện tương tự cũng dành cho các diễn viên. Còn nhớ, Octavia Spencer trong The Help suốt mùa trao giải vừa qua chưa khi nào để lọt giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Trong khi nam diễn viên Dujardin của The Artistcũng không chịu nhường giải thưởng Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho bất kì anh tài nào khác.
Những câu chuyện giải thưởng tại nước ngoài luôn có quy luật khác biệt
so với ở Việt Nam
Ở Việt Nam, câu chuyện lặp lại này có lẽ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại Cánh diều 2010, Lan Ngọc được vinh danh ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Vinh dự này tiếp tục đến với cô tại LHP Việt Nam 15. Một trường hợp khác đó là với Mùi cỏ cháy. Được tôn vinh ở giải thưởng cao nhất Bông sen bạc (không có bông sen vàng) phim tiếp tục lên ngôi với giải thưởng Cánh diều vàng cho phim điện ảnh xuất sắc.
Nếu nói để bênh vực có thể nêu ra một lí do đó là giải thưởng của LHP Việt Nam và Cánh diều không được tổ chức cùng năm. Trong khi LHP chọn ra các tác phẩm được ra mắt trong vòng 2 năm thì tại Cánh diều đó là giải thưởng thường niên. Vì thế ở một số hạng mục các diễn viên và bộ phim vắng bóng tại Cánh diều nghiễm nhiên họ không có giải là điều hoàn toàn bình thường.
Nhật Kim Anh có thể coi là đại diện cho kiểu trao giải "phép vua thua lệ làng"
Lại bàn đến chuyện giải thưởng và tiêu chí mới thấy cái gọi là “phép vua thua lệ làng”. Còn nhớ tại LHP quốc tế Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2010, Nhật Kim Anh đã được xướng tên ở hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc. Hội đồng giám khảo của giải thưởng này ngoài các đại diễn Việt Nam còn có rất nhiều các nhà làm phim quốc tế. Ấy vậy nhưng khi đến với Cánh diều 2010 thì cô lại bại trận trước Lan Ngọc. Không lẽ giải thưởng cho Nhật Kim Anh chỉ là an ủi vì Việt Nam là nước chủ nhà (Hạng mục này có một nữ diễn viên khác được xướng tên cùng Nhật Kim Anh).
Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi đạo diễn Vũ Ngọc Đãng bất bình chuyện phim của anh nhận được Bằng khen của BTC. Vô hình trung thì giá trị của Bông sen bạc tại LHP Việt Nam trước đó cũng phần nào mất thiêng. Và câu chuyện càng đáng để suy ngẫm hơn khi mà Hotboy nổi loạn từng chu du ở vô số các LHP quốc tế và có không ít các giải thưởng. Xem ra câu chuyện tiêu chí, chuyện bình quân hay hòa cả làng vẫn còn tốn lắm bút nhiều mực. Và câu chuyện "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi" có lẽ sẽ vẫn còn kéo dài dài ở các mùa giải năm sau.
Khôi Nguyên (24h)