Capello được nhớ đến với Grande Milan hồi thập niên 1990 với những chiến tích diệu kỳ, bất chấp việc ông không ưa gì người tiền nhiệm Sacchi. Trapattoni là HLV giàu thành tích bậc nhất hành tinh, là người đầu tiên trong lịch sử từng dẫn dắt cả 3 đội bóng giàu thành tích nhất Italia, là người đưa Juve đến danh hiệu danh giá nhất châu Âu. Mancini mang về 2 Scudetto cho Inter sau gần 2 thập kỷ chờ đợi, trong khi Spalletti khai phá chiến thuật không tiền đạo đầy thành công, cùng Roma phá kỷ lục về số trận thắng liên tiếp tồn tại suốt lịch sử Serie A…
Điểm chung giữa họ: đều từng là những HLV làm khuynh đảo Serie A, và giờ không còn gắn bó với giải đấu này nữa. Có một chút suy nghĩ, công việc mới của họ ra sao, tham vọng của họ liệu có gì thay đổi so với thời còn làm việc ở Italia, và khả năng thành công của những “người truyền giáo” vĩ đại?
Capello đại diện cho những HLV Italia trong trào lưu xuất ngoại
Không dễ dàng, trước tiên là về mặt ngôn ngữ, nhìn chung người Italia khó có thể học ngoại ngữ một cách xuất sắc, bởi đặc trưng phát âm của tiếng Italia khiến bất cứ ai nói tiếng Italia như tiếng mẹ đẻ đều không dễ tiếp cận thứ tiếng khác. Ranieri và mới đây là Ancelotti luôn nói tiếng Italia trong phòng họp báo, dù họ làm việc ở Anh với thời gian không hề ngắn. Mancini khá hơn chút khi nói tiếng Anh, nhưng không hề “dễ nuốt” với những người có yêu cầu cao. Điều tiếp theo là điều kiện làm việc khác biệt, các cầu thủ quốc tế cũng khác nhiều về cách chơi bóng so với cầu thủ Italia. Bởi vậy càng khó truyền đạt ý tưởng cho các ngôi sao, nhất là khi không xuất sắc về ngôn ngữ.
Capello chưa đưa được ĐT Anh đến chức VĐTG, Trapattoni thất bại ở vòng loại World Cup cùng ĐT CH Ireland. Zaccheroni sẽ làm được gì ở ĐT Nhật Bản? Spalletti có giúp Zenit khẳng định được mình ở Champions League? Mancini liệu có đưa Man City lên đỉnh cao nhất Premiership? Không ai có thể nói trước, nhưng khả năng họ thành công rực rỡ không lấy gì làm sáng sủa.
Thực tế là những gương mặt HLV Italia sáng giá nhất thường làm việc trong nước. Họ chỉ ra nước ngoài khi đã không còn tìm thấy mục tiêu phù hợp (danh hiệu, tài chính…) ở Italia, như trường hợp của Spalletti hay Mancini; hoặc đã quá già để chịu đựng sức ép chinh phục đỉnh cao cùng các CLB (như Capello, Trapattoni hay Zaccheroni). Do vậy, mặc dù vẫn được các đội bóng nước ngoài trọng vọng và có thể đạt được những thành công nhất định, nhưng các HLV Italia rất khó đi đến cái đích cao nhất.
Dù thế nào, các HLV Italia vẫn có chỗ đứng trang trọng trong lịch sử các đội bóng nước ngoài mà họ dẫn dắt. Cái mác HLV Serie A vẫn có giá trị trên khắp thế giới!
BongdaPlus