Sau “Big Bang” (Vụ nổ lớn) là “Big Crunch” (Vụ co lại lớn)? Nếu calcio và các thiết chế gắn với nó là một vũ trụ, thì có lẽ mọi thứ đang đi theo quy luật đúng như Tạo hóa (hoặc Thượng đế) đã định sẵn, hoặc một ai đó muốn thế. Quả thật là người ta muốn thế, vì tất cả đã đi ra ngoài những giới hạn cuối cùng: sau khi phán quyết Bosman phá vỡ những giới hạn cầu thủ nước ngoài là một làn sóng kinh khủng cầu thủ ngoại đổ vào calcio và nhận chìm nó trong một quá trình kéo dài gần 2 thập kỉ lúc đầu thăng và bây giờ trầm của bóng đá Ý. Và những người làm calcio muốn thay đổi xu hướng đó. Ngay bây giờ.
Serie A đang tràn ngập các cầu thủ ngoại- Ảnh Getty
Hôm 2/7/2010, sau khi đội Thiên thanh bị đánh bật khỏi World Cup 2010, LĐBĐ Italia (FIGC) đã đưa ra quyết định cho phép mỗi CLB Serie A có thêm chỉ một cầu thủ ngoài EU cho mùa giải mới, trở lại với quy chế do chính họ đưa ra vào tháng 7/2003 và loại bỏ quy chế sau đó được sửa đổi vào năm 2008 (2 cầu thủ mới ngoài EU). Vào thời điểm 2010, các CLB lớn ở Serie A đã phản đối quyết định này và bỏ ra ngoài cuộc họp, trước khi FIGC và BTC Serie A nhóm họp trở lại vấn đề này vào tháng 6/2011. Nhưng FIGC sẽ chính thức họp vào hôm nay để bàn lại về vấn đề cầu thủ ngoại và định hướng phát triển đào tạo trẻ của calcio. Mục đích cụ thể hơn của cuộc họp đặc biệt hôm nay là gì? Xác định quy chế cầu thủ ngoài EU cho mùa bóng 2011/12 sắp diễn ra cuối tháng tới và đưa ra những quyết định mang tính cách mạng về việc đào tạo và sử dụng cầu thủ trẻ trước làn sóng xâm lăng ngày một dữ dội của các cầu thủ ngoại (với chất lượng ngày càng thấp) đến từ khắp nơi trên thể giới. Làn sóng ấy từng được báo chí Italia gọi là “làn sóng chết chóc”, nhưng những người đến từ những nơi ngoài biên giới Ý ấy ban đầu được gọi bóng bẩy là “cầu thủ đến từ các LĐBĐ khác”. Đơn giản vì lúc ấy, calcio vẫn còn trên đỉnh cao của thế giới.
Mùa bóng 1995/96, mùa bóng trước sau khi phán quyết Bosman được thông qua (ngày 14/12/1995), Serie A có sự hiện diện của 66 cầu thủ ngoại quốc (29 cầu thủ thuộc các nước EU và 37 ngoài EU). Mùa bóng sau, mùa đầu tiên của phán quyết Bosman (nhưng kể cả không có phán quyết ấy, các đại gia, đứng đầu là Milan của Berlusconi, vẫn gây sức ép để đòi tăng số lượng cầu thủ ngoại), con số đã tăng gần gấp đôi, lên 119 người (50 cầu thủ trong khối EU, 7 người có quốc tịch kép, 62 cầu thủ ngoài EU). Con số ấy là hệ quả trực tiếp của phán quyết Bosman, khi không hạn chế các cầu thủ có quốc tịch trong khối EU, trong khi cho phép mỗi đội được mua 5 cầu thủ ngoài EU (tối đa 3 trong số đó có thể ra sân). Bước ngoặt lớn đến vào mùa hè 2001 với những thay đổi lớn lao liên quan đến các cầu thủ ngoài EU (được mua tối đa 5 cầu thủ ngoài EU và có thể đưa ra sân cả 5): trong danh sách đăng kí của các đội có 449 cầu thủ ngoại, với 248 ở Serie A, 126 ở Serie B và 75 ở Serie C.
Từ mùa 2003/04, xuất hiện thêm một khái niệm mới: “cầu thủ trẻ ngoại tài năng”, một cách biến báo của các CLB nhằm đối phó với những quy chế mới đang bắt đầu được đưa ra nhằm thắt chặt hơn nữa số lượng cầu thủ ngoại mà UEFA công bố (“cầu thủ trẻ ngoại tài năng” được quy định là những cầu thủ ngoại từ 14 tuổi trở lên thuộc biên chế của một CLB chuyên nghiệp các hạng). “Khái niệm” ấy khiến số cầu thủ ngoại tăng lên thành 483 người, trong đó có 178 cầu thủ ngoài biên giới EU và 94 “cầu thủ trẻ ngoại tài năng”. Tổng cộng lúc đó có 200 cầu thủ chơi ở Serie A, 146 ở Serie B và 137 ở Serie C. Cú sốc xảy ra ở mùa 2008/09, khi lần đầu tiên số cầu thủ ngoại xấp xỉ con số 1.000 (992 người, với 574 cầu thủ chuyên nghiệp và 418 “cầu thủ trẻ ngoại tài năng”). Nhưng mùa trước mới thực sự là kỉ lục: 1.032 cầu thủ, với 609 cầu thủ chuyên nghiệp và 423 “cầu thủ trẻ ngoại tài năng”, trong đó có 435 người ở Serie A, nhiều hơn 369 người so với mùa bóng “bản lề” 1995/96. Chưa bao giờ trong lịch sử Serie A, kể từ khi giải đấu này mở cửa cho cầu thủ nước ngoài từ năm 1980, số cầu thủ ngoại lại chiếm một tỉ lệ lớn đến như thế, với 43,71%, nghĩa là cứ 10 cầu thủ đước đăng kí thì có 4 cầu thủ ngoại. Trong khi đó, ở Serie B, tỉ lệ này là 21,12%, ở hạng Lega Pro (hạng C cũ), cũng có đến 363 cầu thủ ngoại, một kỉ lục chưa từng có. Trước đó, con số còn cao hơn, nhưng 46 cầu thủ đã bị các CLB Lega Pro đẩy xuống tận hạng Serie D (nghiệp dư) theo dạng cho mượn, vì các đội ấy…hết chỗ.
Kể từ khi Italia mở cửa cho cầu thủ ngoại cách đây 3 thập niên, đã có quá nhiều thay đổi xảy ra trong ngần ấy năm. Cầu thủ nước ngoài từng là đặc sản của calcio (thời mà mỗi đội bóng Serie A gồm 8 cầu thủ hay nhất của Ý và 3 cầu thủ hay nhất thế giới) giờ vừa là một nguồn cung cấp sinh lực dồi dào cho các đội bóng, vừa là nguyên nhân giết chết bóng đá trẻ và bị đổ lỗi cho sự thất bại của các CLB Italia trên trường quốc tế, cũng như của đội tuyển Italia tại EURO 2008 và World Cup 2010. Việc các CLB Italia nhập ồ ạt các “cầu thủ trẻ ngoại tài năng” từ mùa 2003/04 đã giáng thêm một đòn chí tử vào hệ thống đào tạo trẻ vốn đã lung lay dữ dội từ nhiều năm qua. Nhiều ý tưởng đã được đưa ra: cho đội U21 Italia đá ở Serie B như một CLB, hạ giới hạn tuổi của giải VĐ hạng trẻ Primavera từ 21 xuống còn 19, yêu cầu các đầu tư thêm nữa vào đào tạo trẻ và bản thân FIGC lập một trung tâm đào tạo cầu thủ tài năng của riêng mình…
Tất cả vẫn còn ở trên giấy. Mùa bóng mới sắp bắt đầu, mùa của những kì vọng lớn lao bởi World Cup sẽ đến ngay sau đó, cũng như Serie A sắp mất một suất dự Champions League vào tay người Đức, đã có những dự đoán, rằng mùa này, số cầu thủ ngoại sẽ còn vượt cả mùa bóng đã qua. Trong khi ấy, người ta vẫn chờ đợi dài cổ sự xuất hiện của một ông chủ nước ngoài nào đó sau khi tay tài phiệt người Mỹ DiBenedetto mua Roma. Bao giờ calcio có một ông chủ Arab nhẩy vào calcio như đã làm ở Anh và Tây Ban Nha nhỉ?
Con số
43,71 là tỉ lệ phần trăm các cầu thủ nước ngoài trong tổng số cầu thủ được đăng kí dự Serie A mùa bóng 2010/11.
435 Số cầu thủ nước ngoài tham dự Serie A mùa bóng 2010/11, con số cao chưa từng có kể từ khi Italia mở cửa cho cầu thủ ngoại vào năm 1980. Trong khi đó, mùa 1995/96, mùa bóng được coi là bản lề đối với việc hạn chế cầu thủ ngoại (mùa sau đó, phán quyết Bosman có tác dụng), số cầu thủ ngoại chỉ là 66 người.
1980 Năm mà Italia mở cửa thị trường cho cầu thủ ngoại, sau 24 năm bế quan tỏa cảng do thất bại của đội tuyển Italia tại World Cup 1966.
TT&VH