1. Không phải ai chối bỏ dòng máu cũng là những kẻ bỏ đi. Nicolas Kim Copolla đã bỏ cái họ Copolla quá danh tiếng ở Hollywood để quyết tâm khởi đầu sự nghiệp diễn xuất với một cái tên vô danh. Sau này, người ta biết đến ông dưới cái tên Nicolas Cage, một trong những huyền thoại đương đại của điện ảnh. Angelina Jolie Voight căm ghét người cha Jon Voight nổi tiếng, và đâm đơn xin tòa án gạch cái họ “Voight” đi. Giờ thì cô chỉ là Angelina Jolie. “Không phải ai có cùng dòng máu cũng là một gia đình. Tôi nhận nuôi những đứa con, và chúng tôi cũng có thể là gia đình” - Jolie nói với báo giới, và cũng là nói với người cha tệ bạc.
Nhưng trong bóng đá Italia, người ta không tin điều đó. Ở cái nền bóng đá mà mỗi CLB là một thế lực mafia theo kiểu dòng họ Corleone trong phim “Bố già” này, những giá trị của gia đình được tôn thờ. Họ chỉ tin những người “cùng máu”.
Cái triết lý gia đình ấy đã tạo ra một truyền thống khá đặc biệt: họ thích bổ nhiệm những cựu danh thủ. Carlo Ancelotti, Leonardo, Capello hay Trappattoni đều từng là những người khoác áo Milan thời còn đá bóng. Conte, Deschamps hay Ferrara đều từng là những đứa con cưng của Juventus. Họ tôn thờ giá trị gia đình đến mức nhiều khi, chỉ cái mác “con cưng” là đủ để một cựu danh thủ được bổ nhiệm, chứ anh ta không cần phải là nhà cầm quân có kinh nghiệm hoành tráng gì.
Nhưng Moratti thì thích cái triết lý của Angelina Jolie hơn. Chủ tịch Inter thích nhận con nuôi. Và tin rằng cứ đối xử tử tế thì ai cũng trở thành người trong nhà.
Mourinho và Gasperini
2. Có một chuyện thú vị là chỉ vài tiếng trước khi Moratti chính thức bổ nhiệm Gian Piero Gasperini, trên trang fcinternews.it, một CĐV của Inter Milan viết một lá thư khẩn thiết mong ông chủ tịch hãy đưa về Walter Zenga. “Tôi mong ngài chủ tịch hãy đọc dòng nhắn nhỏ này và đưa Người nhện của chúng tôi quay về”.
Walter Zenga là một huyền thoại của Inter, và theo lẽ thường, ông phải là một ứng cử viên sáng giá. Từ trước khi Benitez bị sa thải, người ta đã nhắc đến Zenga. Và ngay cả bản thân Zenga cũng liên tục chứng minh tư cách người trong nhà bằng việc tha thiết muốn về dẫn dắt Inter, gọi đó là “mong ước của đời mình”.
Moratti hẳn nhiên không quan tâm đến cái hệ giá trị ấy. Từ Mancini, Leonardo cho đến Gasperini, đều là những người “khác máu”, thậm chí từng là kẻ thù không đội trời chung của Inter. Một mình Moratti đi một đường.
3. Không phải ngẫu nhiên mà trong bóng đá Italia, những khái niệm kiểu “người Inter”, “người Milan” hay “người Juve” quan trọng như thế. Nó là một giá trị đặc thù của nền bóng đá này, thứ mà bóng đá Anh, Pháp, Đức hay Tây Ban Nha không hề có.
Và người ta có quyền tự hỏi rằng những kẻ “khác máu tanh lòng” kia liệu có được cái nhiệt huyết và khát khao cống hiến như “người nhà”. Đó là thứ mà hẳn nhiên Zenga sẽ có nhiều hơn Gasperini. Và còn rất nhiều lợi thế nữa mà một huyền thoại có thể mang lại: uy tín lớn với học trò, được lòng CĐV, thấu hiểu giá trị CLB.
Thôi thì cứ cho là ở Anh hay ở Đức người ta dùng người ngoài vẫn thành công, thì ở Italia cũng không nhất thiết phải tuân theo truyền thống. Cứ cho là nhận con nuôi thì cũng thành gia đình. Nhưng câu hỏi là Morratti có đối xử được với các HLV như Angelina đối xử với Pax Thien hay Maddox?
Mancini và Leonardo đã là những tấm gương tày liếp rồi. Moratti phủi họ đi ngay khi ngứa mắt. Khác máu vẫn tanh lòng, chẳng có gia đình nào ở CLB này. Và Gasperini hẳn biết rất rõ điều đó: ông chỉ là một kẻ làm công ăn lương chứ chẳng có tình nghĩa gì với Inter.
BongdaPlus