Từ dịch vụ chép bài
Xuất phát từ những buổi học lý thuyết dài dằng đặc với nhiều thứ cần ghi chép, teen nhà mình than vãn không thể nào theo nổi, dẫn tới… bỏ luôn không cần chép nữa. Từ đó, tình hình chung là cứ gần vào ngày thi thì tập của những nhân vật “vở sạch chữ đẹp và chép bài đầy đủ” luôn được trưng dụng cho các mục đích photo hay bổ sung bài còn thiếu.
Nhưng ở một số trường, thầy cô thường có những đợt kiểm tra tập định kỳ cuối mỗi tháng. Và có cầu ắt có cung, trong mỗi lớp học bắt đầu xuất hiện loại hình… dịch vụ chép bài hộ. N.Quyên (lớp 11 trường BTX) âm thầm nổi tiếng cấp trường vì chữ viết rất đẹp. Với giá đưa ra rất… phải chăng, lượng bạn bè tìm đến nhờ cô bạn chép bài dùm mỗi lúc một đông. “Đây là công việc làm thêm của tớ đấy, thu nhập cũng khá. Vào những mùa cao điểm thì bài vở chất chồng, thường thì ưu tiên cho… mối quen trước.”- Quyên kể.
Lục lọi một số forum mạng, còn có cả những nhóm đăng… quảng cáo, rao vặt về loại hình này kiểu như: "Nhóm sinh viên nhận chép bài thuê, viết thuê tại Hà Nội. Chữ đẹp, có kinh nghiệm chép bài. Nhiệt tình với công việc và giao bài đúng hẹn. Giá cả như sau: ..., có thể thương lượng theo số lượng và hình thức chép, viết thuê." Bạn nghĩ gì khi chuyện học hành, bài vở đang được "treo" với giá như thế?
Điểm danh hộ
Khác với trường phổ thông, làm sinh viên đại học dường như thoải mái hơn trong những giờ lên lớp. Giảng viên quản lý một số lượng lớn sinh viên nên thường không nhớ hết mặt, tất cả chỉ hiện diện qua bảng điểm danh đầu giờ mỗi ngày. Do đó, khắp các trường nở rộ dịch vụ điểm danh hộ. Lúc đầu chỉ là nhờ bạn bè hô “Có” khi thầy cô gọi tên, dần dần đến bạn bè cũng cúp tiết, teen bắt đầu dùng tiền để mua một chỗ hiện diện mỗi buổi học.
H.Nam (SV ĐHXD) vốn là khách quen của dịch vụ này, chia sẻ: "Chỉ trừ khi bạn quá nổi bật hay gây chú ý trong lớp, còn lại thì thường thầy cô cũng không nhớ hết đâu. Lớp đông, đôi khi giảng viên gọi tên, chỉ cần nghe hô có mặt là được, chẳng buồn ngẩng lên xem nữa. Vậy là tớ vừa có mặt trong tiết buổi sáng, vừa được ngồi tán dóc với bạn bè ngoài quán ăn chỉ với vài đồng bạc.". Nhưng không phải là mọi chuyện lúc nào cũng suôn sẻ. Nam gặp không ít lần điểm danh đầu giờ thì có, nhưng khi giáo viên cho kiểm tra đột xuất thì toàn nộp giấy trắng hoặc… trốn luôn.
Có nhiều việc làm thêm bổ ích cho teen mình, đừng biến lớp học thành nơi "đi làm", bạn nhé. (Ảnh minh họa)
Những osin lớp học
Bắt đầu từ bệnh công tử, tiểu thư không bao giờ mó tay vô chuyện gì, teen bắt đầu dùng tiền để nhờ vả bạn bè làm thay những công việc hằng ngày. Cuộc đổi chác vật chất diễn ra, một bên nhận tiền và làm tất cả, một bên cứ khẳng định “người có của thì người có công”. Chuyển lên sống trong ký túc xá đúng là “ác mộng” của T.Kim (ĐHQG) khi cô bạn không còn được mẹ lo cho từ A-Z nữa. Nhờ bạn bè lần 1, lần 2 rồi không thể nhờ hoài được, Trang dùng tiền thu thập một “đội ngũ osin” trong tay, làm giúp những công việc thường ngày từ lau phòng, dọn dẹp, giặt ủi cho đến nấu cơm theo món cô nàng muốn. Bạn bè lúc đầu cũng ngại, nhưng nhận tiền riết rồi quen tay. T.Kim thì có vẻ hả hê khi học xa nhà mà vẫn chẳng cần phải đụng tay đụng chân vào việc gì cho cực thân.
Đến cả học dùm, thi hộ
Học dùm được định nghĩa là một “dịch vụ trọn gói”, từ chép bài hộ, đến lớp điểm danh dùm, về nhà làm bài thuê, đến cả nghiên cứ đồ án dùm luôn. Những nhân vật kiếm tiền từ công việc này thường là những teen học hành khá khẩm và chăm chỉ, được bạn bè “chọn mặt gửi vàng”. Bên cạnh đó, trong một số phòng thi, lác đác giám thị vẫn bắt quả tang những nhân vật đi thi hộ. Khỏi nói thì bạn cũng biết kết quả bi thảm thế nào khi luật giáo dục mới quy định việc thi hộ sẽ dẫn tới đình chỉ học tập từ 1 năm trở lên luôn nhé. Và cuối cùng là, chẳng hiểu những teen ôm đồm loại hình công việc này nghĩ sao khi bạn bè nhìn mình với việc bị đồng tiền làm cho mờ mắt. Còn những “ông chủ teen”, thật bất công cho bạn khi đến trường mà chẳng bao giờ có được kiến thức cho tương lai.
Teen ơi, cần tỉnh táo để nhận ra đâu là một công việc làm thêm đúng nghĩa, bạn nhé!
PLXH