Nếu ông bầu nào cũng như bầu Kiên?
Thì trước hết, VFF sẽ phải thay đổi thói quen ứng xử với CLB theo kiểu bề trên. Thực tế mấy ngày nay, dù ai đó ở tổ chức này có “căm giận” ông bầu Kiên đến mấy thì vẫn thấy mẫu số chung là phản ứng yếu ớt. Đơn giản, họ thừa hiểu dư luận đang đứng về phía ông bầu này. Tức là, những gì ông Kiên nói cơ bản là đúng.
Nếu tất cả các ông bầu đều kiên quyết như ông Kiên: “Không cho trọng tài một đồng”, không cần tranh thủ tình cảm của VFF cũng như bộ phận điều hành, không sợ rớt hạng, không chịu thỏa hiệp với những yêu sách vô lối của cầu thủ... thì họ sẽ tập hợp được một sức mạnh ghê gớm. Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sẽ đi đúng lộ trình và mối quan hệ giữa CLB với VFF sẽ tương tác, bình đẳng hơn.
Chúng ta dễ dàng cảm nhận ra một điều, ngay sau khi ông Kiên “nổ súng” vào VFF, thì các ông bầu mới hùa theo hưởng ứng. Điều đó khiến dư luận dễ ngộ nhận, quên đi một hiện tượng lâu nay: Các ông bầu chưa đoàn kết, hợp tác, thậm chí phá hoại nhau.
Bầu Đức của HA.GL
Các ông bầu dù hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng đã tham gia bóng đá thì họ cũng có điểm chung là kinh doanh bóng đá. Họ có thể tiến hành hiệp thương để bảo vệ quyền lợi của mình, xây dựng được một môi trường bóng đá công bằng, dân chủ và chuyên nghiệp. Bầu Nguyễn Anh Tuân của Hải Phòng từng có ý tưởng liên kết với các ông bầu ký hợp tác chống tiêu cực, rốt cuộc ước muốn đó phá sản vì không nhận được sự ủng hộ của các đồng nghiệp.
Có thể khẳng định, những gì mà bóng đá ta đang phải hứng chịu, ngoài trách nhiệm quản lý của VFF, rất nhiều ông bầu nên tự nhận một phần trách nhiệm về bản thân mình. Nếu họ không tung tiền chèo kéo cầu thủ đội khác, vuốt ve trọng tài, làm bóng đá theo kiểu hớt ngọn, chắc chắn bóng đá ta không loạn lên như thế này.
Ông bầu “ngậm tăm”, cấp dưới cầu an là dễ hiểu
Chính ông Đoàn Nguyên Đức thú nhận từ ngày làm bóng đá đến nay chưa bao giờ ông đi dự một buổi tổng kết mùa giải. Nhiều ông chủ khác cũng thế. Lý do, vì đến dự cũng không giải quyết được vấn đề gì, chỉ để nghe đọc bản tổng kết màu hồng, lừa dối nhau.
Đấy là phản ứng tiêu cực. Bóng đá bao cấp, các ông giám đốc sở thể dục thể thao cũ là người hét ra lửa. Giờ đây, rất nhiều người phải làm thuê cho các doanh nghiệp tiếp nhận đội bóng của địa phương. Để ý trên sân cỏ, nếu ông bầu ngồi vào khu vực kỹ thuật của đội, chiều đó sẽ đá khác ngay. Tiếng nói của những người như bầu Đức mới là quan trọng trong các hội nghị do VFF tổ chức. Họ không đi, thì chuyện cấp dưới (đa số là ủy viên Ban Chấp hành VFF) trở thành “nghị gật” là chuyện dễ hiểu. Họ dại gì nói để bị ghét và mang tiếng phá hoại tổ chức. Họ có nói, thì cũng chẳng giải quyết được gì.
Nếu tất cả các buổi tổng kết, sơ kết giải, hội nghị mang tính vĩ mô cho bóng đá Việt Nam, tất cả các ông bầu đều ngồi bên dưới, thần sắc sẵn sàng phản biện, hiệu ứng sẽ khác ngay với VFF.
Sự thỏa hiệp đáng sợ
Tinh thần thiếu phản biện mạnh mẽ của các ông bầu, dù họ biết VFF, cả cấp quản lý lẫn điều hành đều có vấn đề, đấy cũng có thể coi là sự thỏa hiệp. Trong những tật xấu của người Việt, thì cái thói “đèn nhà ai nấy rạng”, ăn sâu như một tâm thế. Các ông bầu cũng thế, họ chỉ thực sự làm um lên nếu như sự bất công rơi vào đội bóng của mình. Còn không, thì khoanh tay đứng nhìn, hoặc chờ “bom nổ” rồi hùa theo.
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho biết, trong tuần này, VFF sẽ gửi phiếu tín nhiệm đến 28 CLB hạng Nhất và chuyên nghiệp đề nghị họ đề cử trưởng ban tổ chức cho mùa bóng 2012. Hy vọng, các đội bóng sẽ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao để chọn ra một trưởng ban tổ chức giải xứng đáng cho mùa giải 2012.
Dù chưa gửi phiếu, nhưng dư luận thừa sức cảm nhận rằng ông Dương Nghiệp Khôi sẽ lại trúng cử. Đơn giản bởi ông Khôi không gây thù chuốc oán với CLB. Những trường hợp kỷ luật thì đã có Ban Kỷ luật chịu trách nhiệm. Trong khi, ban của ông Nguyễn Hải Hường có kỷ luật CLB hay không, lại phụ thuộc chỗ ông Khôi, có chuyển hồ sơ sang hay là cho qua.
Tại sao các ông bầu không trực tiếp ký vào lá phiếu ủng hộ, hoặc gạch tên ông Khôi cho chức danh trưởng giải?
Sự thỏa hiệp trước những vấn đề tiêu cực luôn kéo theo những hệ lụy nguy hiểm và dai dẳng. Bóng đá Việt Nam đang tồn tại sự thỏa hiệp trên một phạm vi sâu và rộng.
Hay là bản thân những ông bầu bóng đá vẫn chưa dám vỗ ngực mình đã làm bóng đá nghiêm túc và tử tế nên đành thỏa hiệp và chờ “bom nổ” để hùa theo.
TT&VH