Chiều ngày 7/9, ông rời nhiệm sở sớm hơn thường lệ, qua nhà đón 2 cậu con trai cùng 2 người cháu ruột rồi cùng vào khu huấn luyện của HP.HN vốn vừa hoàn thành tại Mỹ Đình.
Thật ngạc nhiên nhưng đó mới là lần đầu tiên ông Tuấn đưa những người thân thương nhất của mình vào tham quan khu huấn luyện mà phải mất gần 10 năm, kể từ thời điểm xin giấy phép, nay mới nên hình hài. Ông Tuấn bảo bởi công việc của ông bận rộn quá, nhưng đến ngày chia tay rồi mà không đưa các cháu vào một lần cho biết thì thấy không đành lòng.
Ông đưa người thân đi xem từng cái cây đang đâm chồi nẩy lộc, từng căn phòng còn thơm mùi sơn, từng phiến đá lát... rồi chụp rất nhiều ảnh để làm kỷ niệm. Sau này, ông Tuấn có thể sẽ vẫn xuống thăm cái khu huấn luyện hiện đại ấy nhưng ông không còn là chủ của nó nữa.
Sân cỏ nhân tạo trong khu huấn luyện do tập đoàn Hòa Phát xây dựng. Ảnh: Minh Đức
Trị giá của vụ sang nhượng giữa HP.HN và HN.ACB (trong đó có khu huấn luyện vừa nhắc ở trên) có thể sẽ mãi mãi là một bí mật. Nhưng những tình tiết xung quanh và chí hướng của những người sử dụng nó thì, dù người trong cuộc không có trách nhiệm phải trình bày, họ cũng không có gì phải giấu giếm.
Cách đây gần 10 năm, khi bầu Kiên, bầu Long, bầu Tuấn bắt tay vào làm bóng đá, họ đã nung nấu một ý tưởng lớn (xuất phát từ những chuyến tham quan, du lịch các nền bóng đá tiên tiến trên thế giới) là muốn phát triển bền vững, bất kỳ CLB nào cũng cần phải có một khu huấn luyện đủ tiêu chuẩn. Và đơn xin cấp đất cùng các thủ tục liên quan đã được đề đạt tới chính quyền thành phố Hà Nội từ dạo đó.
Tức là về mặt pháp lý, lô đất rộng nhiều hecta đấy được quy hoạch và sử dụng cho mục đích phát triển thể thao, nằm trong định hướng phát triển thể thao nói chung của thành phố Hà Nội. Ít người biết rằng, trong quá trình các khu huấn luyện của HP.HN và HN.ACB được xây dựng, nó đã đón tiếp rất nhiều đoàn đại biểu của thành phố rồi trung ương tới tham quan và được đánh giá là những điển hình tiên tiến của công tác xã hội hóa TDTT...
Rất nhiều lần, những ông chủ của các khu huấn luyện nêu trên đã khẳng định mục đích làm bóng đá của mình là gì. Trên thực tế, trước khi tiến hành sang nhượng cho bầu Kiên, bầu Long và bầu Tuấn đã có sự đắn đo rất kỹ lưỡng, rằng nếu chuyển giao không đúng người thì trong tương lai, không có gì đảm bảo công sức của họ ngày hôm nay sẽ bị biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau và kéo theo những hệ lụy về uy tín, danh dự.
Thế mà giờ đây, khi nỗi buồn của ngày chia ly chưa kịp nguôi ngoai, đã lại rộ lên những tin đồn và có những người “vẽ” miếng đất ấy thành “miếng bánh” cùng những kịch bản về việc nó sẽ được “chia” như thế nào.
Cũng khó trách dư luận trong thời đại “tấc đất bằng nhiều tấc vàng” như bây giờ, song dám cá là khá nhiều trong số những người đưa ra ý kiến đó chưa hề một lần đặt chân xuống Mỹ Đình để xem các khu huấn luyện thể thao có hình hài ra sao, nó cũng tương tự như việc rất nhiều người chưa từng một lần nói chuyện với bầu Kiên, bầu Long hay bầu Tuấn, song đưa ra những đánh giá như... đúng rồi.
10 năm đã qua hay 10 năm sắp tới, đất biến thành vàng hay để phục vụ nghiệp bóng banh, hãy cứ để thời gian trả lời! Còn ngày hôm nay, mảnh đất ấy ghi dấu nỗi buồn và là nơi chôn cất tình yêu bóng đá của những con người nhiệt tâm.
TT&VH