Đó là thông tin được ông bầu Nguyễn Đức Kiên của CLB Hà Nội ACB tiết lộ tại Hội nghị tổng kết mùa giải chuyên nghiệp 2011 do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức sáng 8-9.
Khi tổng kết những mùa giải trước đây, người ta vẫn thường nghe thấy cụm từ “về cơ bản thành công dù còn những thiếu sót, tồn tại” nhưng ở mùa bóng mà VFF xác định là mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên, những vấn nạn gây bức xúc lâu nay ở V-League càng trở nên… bức xúc hơn bao giờ hết.
Hội nghị tổng kết mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên của VFF bị dội một gáo nước lạnh với những câu chuyện gây sốc.
Sau khi Phó Tổng thư ký VFF kiêm trưởng BTC giải Dương Nghiệp Khôi đọc báo cáo và trao những phần thưởng mang tính tổng kết cho các cá nhân từ HLV đến trọng tài và Hội CĐV, ông “bầu” Nguyễn Đức Kiên của Hà Nội ACB, đội bóng vừa mua lại Hòa Phát Hà Nội, đã “giúp” lãnh đạo VFF nhìn thẳng vào những thực tế đau lòng vẫn tồn tại ở V-League.
Ông Kiên tuy không nói thẳng ra rằng HP.HN phải bán đội bóng vì những bức xúc liên quan đến công tác trọng tài nhưng qua những gì phát biểu, ai cũng hiểu HP.HN rút lui phần nhiều do “không thể chịu nổi chuyên nghiệp kiểu V-League”.
“Tôi xin truyền tải một thông điệp và nỗi bức xúc của các doanh nghiệp tham gia đầu tư, tài trợ cho bóng đá. Tôi đã nhận được yêu cầu của 6 CLB đề nghị rời bỏ V.League. Sẵn sàng tổ chức một giải vô địch mới mang tên Super Liga.
Tôi cho rằng đó là những ý kiến khá tiêu cực, bản thân tôi khuyên họ bình tĩnh để có thể thẳng thắn góp ý kiến với VFF. Nhưng thực sự, sự bức xúc của các doanh nghiệp với VFF là quá lớn, nhưng lãnh đạo VFF, BTC giải lại thờ ơ.
Chúng tôi không bức xúc về chuyện xuống hạng, vì đó là bình thường. Nhưng như V.Hải Phòng, nếu không được trọng tài bênh thô thiển như trận gặp Hòa Phát Hà Nội, Bình Dương, hay cả với chúng tôi ở trận cuối cùng, thì họ có tồn tại hay không?
Còn Vì sao Hòa Phát Hà Nội bỏ bóng đá? Một năm Hòa Phát lãi hai nghìn tỷ đồng, đầu tư vào bóng đá chỉ vài chục tỷ, có đáng bao nhiêu. Nhưng anh Long (bầu Long - Hòa Phát Hà Nội) gần như đột quỵ sau trận Hòa Phát Hà Nội thua V.Hải Phòng. Gia đình, bạn bè không cho phép anh làm bóng đá nữa”.
"Cá nhân tôi cho rằng BTC giải chưa làm hết trách nhiệm của mình", ông Kiên phát biểu tại buổi tổng kết của VFF.
Bầu không e ngại khi nhận lại Hòa Phát Hà Nội chơi ở V.League 2012
Đã làm thì không e ngại
Tối 8.9, ông Nguyễn Đức Kiên đã có cuộc trao đổi ngắn với Phóng viên.
Phát biểu trong buổi tổng kết mùa giải 2011 của VFF, ông đã khẳng định môi trường bóng đá Việt Nam lúc này rất phức tạp. Vậy ông có e ngại khi nhận lại Hòa Phát Hà Nội chơi ở V.League 2012 hay không?
- Tôi không e ngại gì cả. Đã làm là không e ngại.
Trước đây, chỉ với một đội bóng Hà Nội ACB, nhiều người đã cho rằng đội bóng không được “chăm sóc” cẩn thận. Vậy điều gì khiến ông quyết định nhận thêm cả Hòa Phát Hà Nội?
- Tôi hiểu sự lo lắng của các CĐV cũng như dư luận. Nhưng cũng phải nói rõ là tôi làm bóng đá không vì bất kỳ mục đích gì cả ngoài niềm đam mê. Tôi muốn làm một điều gì đó để thể hiện tình yêu, trách nhiệm của mình với bóng đá Thủ đô nói riêng, và bóng đá Việt Nam nói chung. Đó cũng là cách đáp lại tình cảm của những CĐV trung thành. Vậy thôi.
Và người hâm mộ có thể thấy lại hình ảnh CAHN ngày nào như một thế lực của bóng đá Việt Nam, chứ không còn phải bận tâm với vòng xoáy trụ hạng?
- Mọi chuyện còn ở tương lai. Tôi mới tiếp nhận Hòa Phát Hà Nội được vỏn vẹn 2 ngày vừa chưa có bất kỳ kế hoạch gì cả. Việc chọn “quân”, “tướng” ra sao, hợp đồng cầu thủ thế nào, suất hạng Nhất của Hà Nội ACB sẽ giải quyết bằng cách gì… Tất cả đều phải qua bàn thảo và tôi chưa thể nói trước bất kỳ điều gì.
Lãnh đạo VFF nói gì ? Trước phát biểu của ông bầu Hà Nội ACB chính những nhân vật cấp cao của VFF cũng phải thừa nhận bức xúc về chuyện trọng tài là hoàn toàn có cơ sở. Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng nói: “Đang hình thành những nhóm trọng tài mafia trong giải đấu của chúng ta”. Theo đề nghị của ông Dũng, cần sớm thành lập Ban trọng tài của VFF thay vì Hội đồng trọng tài như hiện nay. Nhiều ý kiến cũng ủng hộ đề nghị Chủ tịch Hội đồng Trọng tài QG Nguyễn Văn Mùi rút lui vì ông có cả con trai và con rể tham gia cầm còi sẽ gây thiếu khách quan. Một Phó Chủ tịch khác của VFF là ông Phạm Ngọc Viễn, người chấp bút Quy chế bóng đá chuyên nghiệp cũng rất bức xúc với tình trạng một số đội bóng vung tiền quá đà làm “doping” tiền thưởng và rất dễ làm nảy sinh tiêu cực. “Không thể chấp nhận được chuyện một đội bóng bỏ ra tới 10 tỉ đồng làm tiền thưởng kích thích cầu thủ trong 4 vòng đấu cuối cùng với mục đích trụ hạng”, ông Viễn nói. |
Phong Xuân (tổng hợp) - NLĐ & Dân Việt