Những biểu tượng thực sự của Serie A cũng bắt đầu từ cái thời trai trẻ mà người ta đã sinh họ ra, nuôi họ lớn lên và treo vào cánh tay họ những tấm băng đội trưởng, khi họ mới chỉ 20, hoặc hơn thế.
Khi Franco Baresi trở thành người thủ lĩnh của Milan ở tuổi 22 vào năm 1982, đội bóng vừa mới lên hạng Serie A để rồi sau đó lại tụt hạng B một lần nữa, calcio không sống bằng kinh nghiệm như hiện tại, mà bằng niềm tin vào lớp trẻ và tài năng thực sự của người mà họ coi là thủ lĩnh. Kể từ thời Baresi và sau đó, Nesta và Totti (cùng nhận băng đội trưởng vào năm 1998, ở tuổi 22), bóng đá Italia đã không còn những người thủ lĩnh tuổi đôi mươi như quá khứ. Người ta không chỉ không cho lứa trẻ được đá trên sân mà còn không có niềm tin thực sự vào khả năng phát triển của họ. Xu hướng của thị trường, với việc cầu thủ được trao đổi thường xuyên giữa các CLB, càng khiến cho lòng trung thành trở thành một khái niệm xa xỉ hơn.
Thời của những đội trưởng 22 tuổi như Nesta đã qua quá lâu rồi
Những cầu thủ thực sự được coi là biểu tượng của một CLB cũng ngày càng ít đi, chủ yếu dựa vào những tên tuổi đã nổi lên từ hơn một thập niên về trước. Mà những người ấy giờ càng rơi rụng đi nhiều. Nesta giờ đang chiến đấu với cả những chấn thương. Del Piero trận ra sân trận không và từng có những năm tháng chiến đấu với các HLV để có vị trí chính thức.
Mùa bóng này cũng như những mùa bóng mới nhất, Totti đã không chỉ cưỡng lại sức mạnh của thời gian mà còn cả ý chí của các vị HLV Roma ngày càng nhìn thấy anh như một trở lực trong việc cải cách về chiến thuật và hình ảnh của đội. Spaletti đã mất 2 năm để đối đầu với anh để rồi phải ra đi. Ranieri cũng mất 1 năm rưỡi để rồi cuối cùng cũng bay mất ghế, hệt như cái cách mà ông đã từng bị tiêu diệt ở Juventus trước đó chỉ vì từng cho rằng, Del Piero cũng giống như một chiếc FIAT 500 đời 1970 cổ lỗ và ọp ẹp, cần phải bị thanh lí. Luis Enrique thậm chí xung khắc với Totti khi mùa giải Serie A còn chưa đá trận nào và người ta tin rằng vị HLV trẻ này rồi cũng sẽ mất đầu nhanh chóng.
Tính biểu tượng của các ngôi sao với CLB do đó bị ảnh hưởng nặng nề, buộc người ta phải dùng kính hiển vi để kiếm tìm những người như thế. Và những người ấy, phần nhiều vẫn là quá khứ. Như Roberto Baggio, đã từng khoác áo của Juve, Milan lẫn Inter, là một dạng biểu tượng của chính anh, của một nền bóng đá, của một thế hệ Italia thất bại. Như Meazza, cũng từng khoác áo những CLB tương tự như Baggio, được đặt tên chính thức cho sân San Siro.
Biểu tượng của hiện tại có lẽ chỉ có Ibrahimovic, người không mang băng đội trưởng bởi anh là người không gắn bó với bất cứ CLB nào quá lâu, người cũng đã qua Juve, Inter và bây giờ Milan, giờ là nhân vật nổi trội của một xu hướng bóng đá toàn cầu hóa và lấy chiến thắng bằng mọi giá làm mục tiêu cao nhất, bất chấp mọi điều tiếng lúc nào cũng chực chờ đổ lên đầu. Anh bỏ Juve ra đi khi nổ ra Calciopoli, nhưng những Del Piero, Buffon và Nedved vẫn ở lại. Anh rời Inter sang Barcelona sau khi để lại những bình luận về một Inter “không biết đoạt Champions League”. Anh tới Milan và phủ nhận mọi CLB khác cũng như các đồng đội khác anh đã từng chiến đấu cùng những năm trước đó. Tình cảm và lòng đam mê, gắn bó với một biểu tượng nào đó trong nhiều năm, thập chí thập kỉ, mà các tifosi dành cho các ngôi sao đúng theo kiểu truyền thống, những người mà họ coi trọng không khác gì Giáo hoàng đang ngự trị ở Vatican của riêng mình. Phải, bóng đá đã thay đổi. Không còn những Baresi, Maldini, hay thậm chí Nesta và Totti mới. Thời của những Ibra muôn năm!
TT&VH