Sao Mai khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm nay có hơn 40 thí sinh tham dự ở các thành phần: Ca sỹ, sinh viên thanh nhạc, cán bộ công chức… vì thế cũng thể hiện sự đa sắc, và tất nhiên, cho thấy cả sự chênh lệch khá rõ về chất lượng giữa các thí sinh. Tuy nhiên, 18 thí sinh lọt vào chung kết là những người tương đối đồng đều, trừ một vài trường hợp đuối hơn một chút. Xét về mặt bằng chung, chất lượng thí sinh ở khu vực này không quá nổi trội, vì thế, kết quả 3 giọng hát xuất sắc nhất cũng chỉ là hình thức “so bó đũa, chọn cột cờ”.
Ba thí sinh xuất sắc nhất: Đỗ Thị Lam, Vũ Thắng Lợi, Phương Thanh
Kết quả khá thuyết phục
Có thể nói, 3 thí sinh được xướng tên đi tiếp vào vòng sau trong đêm thi chung kết khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng không nằm ngoài dự đoán của nhiều người. Duy chỉ có dòng nhạc nhẹ, Đỗ Thị Lam được xướng tên gây chút bất ngờ, bởi vì ở vòng ngoài, người được đánh giá cao hơn lại là cô gái xứ Nghệ Quỳnh Trang.
Vũ Thắng Lợi đầy cảm xúc với Cám ơn mẹ (Đức Trịnh)
Ở dòng thính phòng, Vũ Thắng Lợi tỏ ra không có đối thủ, cho dù Nguyễn Anh Tuấn cũng được đánh giá khá cao. Vũ Thắng Lợi hát tròn trịa, bài bản, có sáng tạo và đặc biệt là rất cảm xúc bài Cám ơn mẹ (Đức Trịnh). Kinh nghiệm và thời gian "tu luyện" tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã giúp anh thể hiện khá hoàn hảo ca khúc này.
Trần Thị Phương Thanh ngọt ngào với Tình làng quê (An Thuyên)
Các thí sinh dòng nhạc dân gian được đánh giá tương đối đồng đều nhau. Một số gương mặt nổi lên ngang sức ngang tài là Phương Thanh, Huyền Trang, Thụy Miên, Lê Anh Tuấn. Tuy nhiên, người hát tốt nhất, hoàn chỉnh nhất là Phương Thanh - cô gái đến từ Nghệ An. Phương Thanh đã trình bày ca khúc Tình làng quê (An Thuyên) khá tinh tế, nhiều cảm xúc, biểu diễn sinh động, bắt mắt cả về ngoại hình lẫn phong cách. Phương Thanh là thí sinh tiếp tục nốt gót truyền thống các năm trước, đó là đoạt giải Khán giả bình chọn như Phương Thảo (2003), Thành Lê (2007), Bùi Lê Mận (2009) đã từng giành được. Điều này chứng tỏ dòng nhạc dân gian vẫn luôn được yêu thích nhất tại Sao Mai những mùa gần đây.
Trần Thị Phương Thanh giành giải Khán giả bình chọn
Một gương mặt khác cũng tạo được dấu ấn tốt là thí sinh Thụy Miên (Hà Tĩnh). Cô gái này cũng chinh phục khán giả ở sự trong sáng, hồn nhiên, và giọng hát ngọt ngào đậm chất miền Trung. Tuy không được xướng tên, nhưng Thụy Miên vẫn còn nhiều cơ hội đi tiếp vào vòng sau.
Đỗ Thị Lam hát Cỏ và mưa (Giáng Son)
Với nhạc nhẹ, chỉ có Quỳnh Trang (Nghệ An) và Đỗ Thị Lam (Thanh Hóa) là được đánh giá cao. Xét về chất giọng thì Đỗ Thị Lam nhỉnh hơn, nhưng Quỳnh Trang lại cho thấy kỹ thuật và cách xử lý ca khúc thông minh và bản lĩnh hơn. Với Cỏ và mưa (Giáng Son), Đỗ Thị Lam hát khá “non”, chông chênh, vì thế tạo cảm giác… “thót tim” cho người nghe, còn Quỳnh Trang lại "tròn trịa” hơn và hát tinh tế hơn, ổn định hơn ở các đoạn cần kỹ thuật cao. Tuy nhiên, theo một số thành viên Ban giám khảo thì Trang bị “thua” Lam ở việc chọn bài, Ngày bình thường (Quốc Bảo) mà Quỳnh Trang chọn là bài hát hay, nhưng rất khó để có thể làm nó trở nên ấn tượng, tạo được cá tính và dấu ấn riêng. Tuy nhiên, với số điểm khá cao, Quỳnh Trang hoàn toàn hy vọng vào chiếc vé giành cho mình ở vòng chung kết toàn quốc sắp tới.
Ngoài ra, một số gương mặt khác cũng tạo được dấu ấn như Y Cel Niê (Đắc Lắc), Thanh Hòa (Gia Lai), nhưng bên cạnh đó, cũng có thí sinh hát rất tệ như Sô Chăm Huy (Phú Yên), thậm chí quá nghiệp dư như Phạm Thị Tuyên (Khánh Hòa) với ca khúc Hương Ngọc Lan.
Một vài điều đáng tiếc
Âm thanh của nhà hát Trưng Vương là vấn đề “nổi cộm” nhất trong suốt 5 đêm thi Sao Mai năm nay. Ca sỹ Đình Bảo (nhóm AC&M) có mặt trong khán phòng đã phải thốt lên, âm thanh thật là “kinh khủng”, chói tai và không tạo được cho giọng hát sự bay bổng. Vì thế, các thí sinh thật khổ sở khi vừa phải thể hiện giọng hát, sử dụng kỹ thuật thanh nhạc, tạo cảm xúc… vừa phải “đối phó” với hệ thống âm thanh tồi.
Quỳnh Trang để tuột mất "cơ hội vàng" vào tay Đỗ Thị Lam là điều bất ngờ và tiếc nuối nhất đêm chung kết.
Đêm chung kết diễn ra trong một không khí rất tẻ nhạt. Vì nhường sóng cho Đồ Rê Mí nên Sao Mai bắt đầu lúc 21h15, khán phòng chật kín ở khoảng thời gian đầu, nhưng khi hết phần thi thính phòng, đã có người lục tục ra về, và khi dòng dân gian thi xong thì khán giả bỏ về một nửa. Có lẽ phần vì quá muộn, phần vì các thí sinh hát thiếu cá tính, tạo cảm giác nhàn nhạt, đều đều nên không giữ được chân khán giả.
Về cách tổ chức cũng còn thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp. Nếu như đêm chung kết phía Bắc sôi nổi và kịch tính, hấp dẫn từ đầu đến cuối, bằng phần dự thi của 18 thí sinh, ngoài ra còn có màn biểu diễn mở đầu của các “cựu” Sao Mai và phần chào mừng của các nghệ sỹ khách mời, thì đêm chung kết khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã diễn ra vô cùng tẻ nhạt. Mở màn là tiết mục Trống hội rất… không liên quan, phần cuối, thay vì mời các ca sỹ nổi tiếng hát chào mừng thì lại xuất hiện màn… phỏng vấn khán giả không thể nhạt hơn.
Được biết, toàn bộ cuộc thi Sao Mai khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm nay do VTV Đà Nẵng thực hiện từ đầu đến cuối. Thiết nghĩ những người thực hiện chương trình này, đặc biệt là biên tập âm nhạc và đạo diễn cần phải thay đổi tư duy, làm những điều mới mẻ hơn để theo kịp với nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả, có như vậy mới góp phần tạo nên thành công của giải Sao Mai.
VNMedia