Năm nay có thể coi là năm "được mùa" của Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam (Nhạc viện Hà Nội) khi có khá nhiều thí sinh lọt vào chung kết toàn quốc. Ngay ở dòng thính phòng, 3 thí sinh sáng giá nhất cũng đang là sinh viên của trường này.
Lương Nguyệt Anh - Nguyễn Thị Phương Thanh - Trần Thị Thanh Hoa
Lương Nguyệt Anh, Nguyễn Thị Phương Thanh và Trần Thị Thanh Hoa là 3 cái tên được nhiều khán giả yêu thích nhất. Cả Lương Nguyệt Anh và Phương Thanh đều là quán quân 2 khu vực miền Bắc, miền Trung. Riêng Thanh Hoa, cô lại được nhiều người trong giới nghệ sỹ và các khán giả trên mạng dành cho nhiều ưu ái.
Lương Nguyệt Anh được đánh giá cao bởi giọng hát ngọt ngào, cách xử lý bài hát thông minh và khá hiện đại. Cô là ca sỹ dân gian nhưng không bị "cũ", được giám khảo Tùng Dương nhận xét là hát rất "văn minh". Chu đáo và rất có kinh nghiệm trong việc chọn bài, phối khí, dựng bài nên phần thi của Lương Nguyệt Anh tạo được hiệu quả tốt. Nhược điểm của Nguyệt Anh là quá nắn nót từng câu chữ, cho nên đôi khi cô hát bị "tỉnh táo" quá.
Nguyễn Thị Phương Thanh "chuyên trị" dòng nhạc mang âm hưởng dân ca miền Trung, vì cô sinh ra và lớn lên ở Nghệ An. Giọng hát Phương Thanh ngọt, sắc và sáng. Cô có lợi thế về ngoại hình cộng với kỹ thuật thanh nhạc đủ để xử lý các ca khúc khó hát. Nhược điểm của Phương Thanh là âm vực khá hẹp nên những bài có quãng rộng thì thường gây bất lợi cho cô.
Trần Thị Thanh Hoa nổi trội ở giọng hát êm ái, ngọt ngào và lối hát giản dị, mộc mạc, nhiều cảm xúc. Thanh Hoa hát rất "tình" và thể hiện rõ bản tính nghệ sỹ, thiên về bản năng nhiều hơn. Đây là ưu điểm nhưng cũng chính là nhược điểm, bởi đôi khi cô không kiểm soát được cảm xúc, dẫn đến việc "diễn" hơi quá đà.
Dương Thị Tú - Huyền Trang - Nguyễn Văn Thế
Xếp 3 thí sinh này cùng một nhóm vì họ khá "ngang cơ" nhau. Dương Thị Tú - quán quân khu vực miền Nam, nhưng thực chất, xét tổng thể, cô chỉ ngang hàng với Huyền Trang (Nghệ An) và Nguyễn Văn Thế (Vũng Tàu) - những người không được xướng tên trong các đêm chung kết khu vực với vị trí quán quân. Dương Thị Tú hát dân gian thính phòng, giọng khá đẹp nhưng kỹ thuật còn "non" và bản lĩnh chưa tốt nên hát khá phô và chênh.
Huyền Trang không ổn định phong độ, dù giọng hát cũng khá hay. Nhưng để tạo nên cá tính thì chưa có. Kỹ thuật thanh nhạc cũng còn hạn chế nên các phần thi của cô không mấy ấn tượng.
Phát hiện thú vị nhất của Sao Mai dòng dân gian năm nay có lẽ là Nguyễn Văn Thế. Anh chàng công chức ngành dầu khí này xuất thân từ Hưng Yên, và anh cũng là thí sinh duy nhất dòng nhạc này không được đào tạo thanh nhạc. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Thế có giọng hát ngọt ngào và trữ tình một cách tự nhiên. Cách hát hồn nhiên, chân chất của anh đã chiếm được cảm tình của nhiều khán giả. Chỉ có điều anh hát quá giống NSND Trung Đức, thành ra, đó lại là nhược điểm trong một cuộc thi cần nhiều sự sáng tạo hơn là "rập khuôn" người nổi tiếng.
Vũ Thị Ngân - Nguyễn Thị Bích Hồng - Vũ Minh Vương
Ở nhóm cuối cùng, cả Vũ Thị Ngân, Bích Hồng và Minh Vương đều không mấy nổi trội. Họ hát khá tròn trịa nhưng lại thiếu cá tính. Vũ Thị Ngân có lợi thế về ngoại hình và "chất" dân gian Tây Bắc, nhưng cần dựng bài có cao trào, kịch tính hơn. Bích Hồng thực sự không hợp với những ca khúc mang âm hưởng ca Trù như Đêm ả đào mà cô hát trong đêm chung kết phía Bắc. Giọng Bích Hồng cao và "sắc" nên chọn những ca khúc dân gian mang âm hưởng thính phòng có thể sẽ hiệu quả hơn. Vũ Minh Vương cũng cần tạo được những điểm nhấn trong các bài hát mà anh lựa chọn để tránh sự "đều đều, nhàn nhạt".
Với dòng nhạc mang âm hưởng dân gian, điều quan trọng là ca sỹ khi hát thể loại của vùng miền nào, phải "ra chất" vùng miền đó. Điều này Lương Nguyệt Anh, Phương Thanh, Vũ Thị Ngân làm khá tốt. Bên cạnh đó là sự giản dị, mộc mạc nhưng tinh tế là những điều các thí sinh cần lưu ý để bài thi của mình sẽ hoàn hảo hơn, mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả.
VNMedia