Sự kiện cựu tiền đạo người Nigeria của câu lạc bộ Tập đoàn cao su Đồng Tháp đặt chân đến Atletico Madrid, theo dạng chuyển nhượng tự do, đã làm xôn xao dư luận. Đó là lần đầu tiên một cầu thủ từng thi đấu và nổi lên ở V-League được một đội bóng hàng đầu châu Âu tuyển mộ, dù ngay sau đó anh đã được đem cho Braga ở Bồ Đào Nha mượn vì lý do “hết quota dành cho cầu thủ ngoài EU”. Chẳng biết tương lai Samson có được đá ở La Liga hay không nhưng việc anh trở thành người của Atletico Madrid cũng đủ khiến báo chí Tây Ban Nha phải đưa tin (không ầm ĩ), và V-League được hưởng lợi.
Từ V-League, Samson sẽ có cơ hội chơi bóng ở La Liga nếu vượt qua thử thách tại giải vô địch Bồ Đào Nha trong màu áo Braga.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Atletico Madrid có liên quan đến bóng đá Việt Nam. Hồi cuối năm 2009 xuất hiện một thông tin cho rằng một doanh nghiệp của Việt Nam sẽ mua lại quyền đặt tên sân Vicente Calderon của đội bóng Thủ đô Tây Ban Nha. Theo nhật báo thể thao AS, chi phí cho vụ gắn tên sân này lên tới 10 triệu USD/năm. Dư luận cũng được một phen xôn xao nhưng cuối cùng, cho đến bây giờ sân nhà của Atletico Madrid vẫn mang tên là Vicente Calderon.
Tây Ban Nha quả là có mối lương duyên đặc biệt với bóng đá Việt Nam. Hồi tháng 12/2010, cho rằng Real Madrid đã bị trọng tài xử ép trong trận đấu với Sevilla ở giải vô địch quốc gia Tây Ban Nha, huấn luyện viên Jose Mourinho từng lên tiếng rằng thà ông ở nhà, mở kênh Eurosport để xem V-League còn hơn là dự các trận đấu thiếu công bằng tại La Liga.
Chẳng biết “Người đặc biệt” nhắc đến bóng đá Việt Nam với dụng ý gì, nhưng bất cứ thứ gì “lạ lẫm” được nói ra từ cái mồm lắm điều của ông Mourinho cũng đều trở nên nổi tiếng. Thật vô tình, bóng đá Việt Nam cũng được “ăn theo” huấn luyện viên người Bồ Đào Nha, vốn là một khách hàng của “siêu cò” Jorge Mendes, người từng có chuyến công du Việt Nam làm dư luận xôn xao hồi năm ngoái.
Diễn ra gần như song song với sự kiện Samson đến Atletico Madrid là việc Maduabuchi Ejike ghi bàn ở giải vô địch U20 thế giới cho Nigeria. Đáng nói ở chỗ, Ejike chính là cựu cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai, đã khoác áo đội bóng phố núi 7 trận đấu ở lượt đi mùa giải này. Hiện tại, Ejike đã trở về Nigeria chơi cho Hartcourt Sharks, nhưng ít nhiều V-League cũng được “thơm lây” nếu ai đó muốn tìm kiếm thông tin về cầu thủ này. Chỉ đáng tiếc là đội tuyển của Ejike đã bị Pháp loại ở vòng tứ kết.
Hoàng Anh Gia Lai đã để sổng một tài năng đầy triển vọng mang tên Maduabuchi Ejike người Nigeria?
Ngay cả việc huấn luyện viên Falko Goetz đến Việt Nam làm việc cũng là một sự kiện khiến bóng đá Việt Nam nói chung, V-League nói riêng được nhắc đến nhiều hơn trên các kênh thông tin, đặc biệt tại châu Âu. Khoảng 60 tờ báo và trang web tại Đức đã đưa tin về lễ ra mắt của ông Goetz, từng huấn luyện Hertha Berlin, ở đội tuyển Việt Nam hồi tháng 6.
Trước đó nữa, việc ngôi sao người Brazil Denilson đến Hải Phòng chơi bóng cũng đưa tên tuổi V-League lên nhiều trang báo ở khắp thế giới. Dù kết cục của vụ tuyển mộ này là một cú lừa ngoạn mục không hơn, không kém thì V-League vẫn được người ta biết đến nhiều hơn chút ít.
Nhưng tất cả các sự kiện ở trên có thể đến rồi đi rất nhanh. Danh tiếng của V-League chỉ thực sự được khẳng định khi giải đấu này vượt ra khỏi cái “ao làng” Đông Nam Á, vươn lên ngang tầm với K-League của Hàn Quốc, hay tuyệt vời hơn là J-League của Nhật Bản. Đặc biệt hơn, bóng đá Việt Nam chỉ có thể nổi tiếng đúng nghĩa khi chúng ta có nhiều hơn các danh hiệu, hay tỏa sáng ở các giải đấu, trước mắt là SEA Games và AFF Cup, sau đó là những giải tầm cỡ châu lục như ASIAN Cup, hay thậm chí vươn đến tầm vòng chung kết World Cup.
Để đạt được tầm cỡ đó là cả một chặng đường rất dài, mà với cách làm bóng đá theo kiểu tiêu tiền thả phanh như tình trạng đang diễn ra ở V-League, thì có lẽ chúng ta cứ đi nhưng sẽ không bao giờ tới. Đi, mà biết không bao giờ tới đích, thì V-League có nổi tiếng thông qua vài vụ cỏn con kiểu Samson hay Denilson chắc cũng chẳng để làm gì!
TT&VH