Chuyện này thoạt nghe hơi lạ tai, song suy cho cùng lại cũng rất bình thường, bởi với cách làm bóng đá theo kiểu ngắt ngọn như ở V-League hiện nay, việc bỏ ra một đống tiền để mua về một ngoại binh có thể gánh hơn 50% sức mạnh cho đội bóng xem ra không phải là đắt.
Sẽ không chỉ có đồng đội mà cả các đối thủ của TĐCS.ĐT cũng sẽ rất nhớ Samson (trái)
2 mùa bóng vừa qua, dù năm nào cũng bị rút ruột non nửa đội hình chính thức nhưng TĐCS.ĐT vẫn trụ vững, trong đó công lớn phải kể tới sự góp mặt của Samson, và thử thách thực sự với TĐCS.ĐT sẽ chỉ bắt đầu từ mùa giải tới, khi trong đội hình của họ không còn một chân sút được coi là điểm tựa cho toàn đội bóng như Samson. Trong số các ngoại binh hàng đầu V-League ở mùa giải 2011, Samson được xếp cùng nhóm với Leandro, Merlo hay Lee Nguyễn, những cầu thủ mà trình độ đã vươn khỏi tầm V-League và có khả năng tự mình định đoạt số phận trận đấu, nhưng Samson có lợi thế về tuổi trẻ (sinh năm 1988-PV), và đấy là vì sao Atletico lại quyết định ký hợp đồng với Samson, khi họ không phải bỏ ra một xu đền bù.
Theo thống kê 20 vụ chuyển nhượng lãi nhất mọi thời đại trong vòng 15 năm qua của bóng đá châu Âu, có không ít cầu thủ ban đầu chỉ là một "món hàng giá rẻ" nhưng sau đó lại trở thàng ngôi sao đắt giá trên thị trường chuyển nhượng, kiểu như Dani Alves (được Sevilla mua với giá 0,55 triệu Euro từ Vitória, nhưng sau đó bán cho Barca với giá 41,5 triệu), hay David Luiz (Benfica mua với giá 0,5 triệu Euro từ Vitória rồi bán 30 triệu cho Chelsea) hoặc Fabio Coentrao (từ Rio Ave sang Benfica với giá 0,9 triệu Euro rồi gia nhập Real Madrid với giá 30 triệu).
Điều đó cho thấy các đội bóng vừa và nhỏ ở châu Âu luôn có xu hướng đầu tư vào các tài năng trẻ bản địa, hoặc cầu thủ có nguồn gốc từ những nơi có nguồn cung dồi dào như châu Phi hay Nam Mỹ, để chăm bẵm và sau đó khi thành sao thì bán cho các đội bóng lớn. Ngay như Samson trước khi nổi đình nổi đám trong màu áo TĐCS.ĐT thì cũng phải bắt đầu ở giải hạng Nhất chứ không phải chân ướt chân ráo sang VN đã được nếm trải hương vị V-League như một số đồng nghiệp khác.
Chỉ có điều, điểm lại lịch sử V-League 11 năm qua, có rất ít trường hợp mua rẻ bán đắt như các đội bóng châu Âu, mà hầu hết các CLB đều chú ý vào những cầu thủ đã thành danh để rút ngắn quãng thời gian chờ đợi ngoại binh thành tài. Bởi thế, Samson là cái tên đầu tiên chia tay V-League để đi theo tiếng gọi của bóng đá châu Âu, nhưng chân sút người Nigeria này chắc chắn không phải là trường hợp cuối cùng.
Trong thời buổi bùng nổ thông tin như hiện nay, việc các chuyên gia săn lùng tài năng ghé mắt theo dõi V-League cũng không làm họ tốn thêm thời gian hay công sức so với việc tìm kiếm những viên ngọc thô ở châu Phi hay Nam Mỹ. Thế nên, việc Samson chia tay TĐCS.ĐT để gia nhập Atletico Madrid có thể nhìn nhận theo 2 khía cạnh: mặt tích cực là V-League giờ đã có giá và có chỗ đứng nhất định trên bản đồ bóng đá thế giới, nhưng mặt tiêu cực thì V-League có nguy cơ trở thành bãi đỗ tạm thời cho các tài năng bóng đá nước ngoài và một ngày nào đó những sao ngoại sáng giá nhất của V-League sẽ lần lượt dứt áo ra đi khi giải VĐQG của chúng ta trở nên quá chật chội với họ.
TT&VH