Theo một cuộc khảo sát tiến hành hồi năm 2008 tại bang Washington (Mỹ) với đối tượng hơn 2.000 doanh nghiệp, đa số người lao động đều thiếu những kỹ năng mềm như khả năng giải quyết xung đột, giải quyết vấn đề, kỹ năng quan sát, thuyết trình...
Sau đây là những kỹ năng mà bất kỳ ứng viên nào cũng nên rèn luyện:
- Kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng giao tiếp không có nghĩa là bạn phải rèn luyện để trở thành một nhà hùng biện hay một diễn giả nổi tiếng. Đôi khi, kỹ năng này thể hiện qua việc bạn tham gia thuyết trình với một phong thái tự tin, trình bày mạch lạc, bình tĩnh giải thích cho mọi người khi có những ý kiến phải hồi trái chiều.
Hơn nữa, khả năng giao tiếp cũng thể hiện qua những mối quan hệ hằng ngày, cách bạn trò chuyện, bàn bạc công việc với đồng nghiệp, đối tác. Nếu bạn giao tiếp tốt, trò chuyện dễ nghe, chắc chắn công việc sẽ thuận lợi hơn.
Thái độ sẵn sàng hợp tác vả khả năng làm việc theo nhóm, phân chia công việc từng phần có thể mang lại hiệu quả công việc cao hơn - (Ảnh minh họa)
- Hợp tác và làm việc theo nhóm
Lynne Sarikas - GĐ trung tâm hướng nghiệp MBA tại ĐH Northeastern University cho rằng, ứng viên nên xác định tinh thần hợp tác và làm việc theo nhóm khi bước vào môi trường công sở. "Hãy hợp tác với mọi người để cùng đạt được mục tiêu chung". Nhiều người muốn làm việc độc lập, muốn lập thành tích cá nhân mà nhiều khi thiếu tinh thần hợp tác, tuy nhiên, đó là suy nghĩ sai lầm. Thái độ sẵn sàng hợp tác và khả năng làm việc theo nhóm, phân chia công việc từng phần có thể mang lại hiệu quả công việc cao hơn.
- Khả năng thích nghi
Điều này đặc biệt quan trọng bởi "muốn thành công trong công việc ở hầu hết các công ty, bạn cần phải có niềm đam mê và khả năng thích nghi với mọi thay đổi của họ". Theo Sarikas, trong CV, thư xin việc và cả trong quá trình phỏng vấn, bạn nên giải thích cách bạn thường làm để học hỏi và phát triển trong sự nghiệp.
- Giải quyết vấn đề
Trước khi gặp nhà tuyển dụng, bạn phải suy nghĩ về việc "làm thế nào để giải quyết vấn đề hiệu quả". Lúc này, bạn cần có những suy nghĩ cụ thể về việc bạn đã giải quyết những khó khăn trong kinh doanh, đưa ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho công ty hoặc có thể giải thích cách tiếp cận vấn đề, cách đạt được kết quả... Thực tế, điều đó là không thể đo được nhưng dựa vào những việc bạn đã làm trong quá khứ, nhà tuyển dụng sẽ có sự đánh giá đúng đắn.
Ảnh minh họa
- Khả năng quan sát
Thu thập thông tin, dữ liệu chưa đủ, bạn cần phải có con mắt quan sát với những phân tích tinh tế, sắc sảo. Những câu chuyện, những dữ liệu được nêu ra không kèm theo lời bình và cách đánh giá. Vì thế, theo Sarikas, thay vì chỉ cung cấp thông tin đơn thuần cho sếp, bạn nên có một bản tóm tắt, phân tích tình hình và đánh giá những điểm nổi bật trong lĩnh vực hoạt động của công ty, để xuất hướng đi mới và nhấn mạnh trọng điểm để sếp dễ dàng định hướng hơn.
- Giải quyết xung đột
Khả năng thuyết phục, thương lượng và giải quyết xung đột là rất quan trọng nếu bạn có kế hoạch từ trước. "Bạn cần có kỹ năng để phát triển các mối quan hệ sao cho đôi bên cùng có lợi. Bạn có thể thương lượng cách thức, giải pháp tốt nhất để mang về hiệu quả tối ưu cho công ty".
Kỹ năng "mềm" đóng vai trò quan trọng nhưng làm thế nào để chứng tỏ bạn có đủ những kỹ năng cần thiết? Nếu chỉ bằng lời nói thì quả thực rất khó để thuyết phục mọi người. Thực tế, thể hiện kỹ năng "mềm" còn khó khăn nhưng lại rất quan trọng và đòi hỏi bạn sự khéo léo. Ví dụ, để thể hiện kỹ năng giao tiếp, bạn nên bắt đầu bằng những việc hiển nhiên. CV, thư xin việc không có lỗi chính tả, viết báo cáo và hoàn thành báo cáo đúng tiến độ.
Để có được những kỹ năng "mềm" quan trọng này, ứng viên cũng cần những bí quyết riêng:
- Tự học: Để rèn luyện kỹ năng "mềm", hãy xác định học hỏi ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Không ít trường CĐ, ĐH thường có những khóa đào tào, rèn luyện cho sinh viên những kỹ năng về cuộc sống, để khi ra trường có thể thích nghi nhanh hơn. Thêm vào đó, bạn có thể đăng ký tham gia các khóa học rèn luyện về các kỹ năng "mềm".
- Tìm người cố vấn: Khi đặt ra mục tiêu cụ thể, bạn nên tìm cho mình một người cố vấn, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng với bạn. Từ đó, hãy phát triển thành một mối quan hệ lâu dài và khi cần, bạn có thể tin tưởng hỏi họ.
- Tham gia các nhóm tình nguyện: Làm việc với các tổ chức phi lợi nhuận, tham gia các hoạt động tình nguyện cũng là cách để xây dựng kỹ năng mềm cho bản thân.
Bưu điện Việt Nam