Vợ chồng ông Trứ có ba con đi học, làm việc tại TP.HCM. Mới đây, khi nhận được điện thoại của con trai út báo tin đang trên đường về thăm nhà, bà Trứ cứ bồn chồn lo lắng. Cây trái trong vườn đã qua mùa, lúa ngoài đồng thì chưa đến ngày thu hoạch, còn bầy gà thì mới bán lấy tiền đong gạo. Thế là bà tất tả chạy sang nhà hàng xóm vay mỗi nhà đỡ vài trăm. Xế chiều, con trai về, bà đã chuẩn bị sẵn thức ăn đủ loại. Cậu út cứ thế chỉ có việc tắm rửa xong là ngồi vào bàn ăn. Khi bà bảo con sang hàng xóm chào hỏi, con trai đi một vòng đến 10g đêm về thì mùng màn đã giăng sẵn. 9g sáng hôm sau khi con thức dậy, trên bàn cũng đã để sẵn một đĩa bánh cuốn đầy vung.
Bữa trưa, bà lại chuẩn bị một mâm cho con tẩm bổ. Con trai cứ ngồi gắp hết miếng này đến miếng khác chẳng hề mời bố mẹ cầm đũa… Chờ con ăn xong, bà lại đi dọn rửa, rồi chuẩn bị gói ghém các thứ cho con mang theo vào thành phố để dành ăn dần.
Ảnh minh họa
Vài người biết chuyện đã trách bà Trứ quá nuông chiều con. Họ cho rằng, ông bà khó khăn thì phải cho con biết để con chia sẻ với cha mẹ. Nhưng ông bà gạt đi, bảo nói cho con biết con lại lo lắng, không học hành được. “Mình bươn chải tới đâu hay tới đó. Lâu lâu con về một lần, bù đắp cho con như vậy chẳng thấm đâu vào đâu”.
Nếu tính hình thức sang trọng, bề thế thì ngôi nhà mới cất của vợ chồng ông Đan đẹp nhất, to nhất xóm tôi. Vợ chồng ông có năm người con thì cả năm đều làm ăn, học hành ở TP.HCM. Tháng Ba vừa rồi, cậu cả được thăng chức trưởng phòng một công ty liên doanh. Cậu điện thoại về nói cha mẹ bán bớt vài công đất để sửa sang lại nhà cửa cho tiện nghi. Sắp tới cậu sẽ đưa bạn bè về thăm nhà, trong đó có cả cô bạn gái. Cậu nhiều lần gọi điện thoại về dặn đi dặn lại ba mẹ là phải làm cái nhà vệ sinh cho thật đẹp. Ông bà Đan răm rắp làm theo.
Cậu cả về với hai chiếc xe bảy chỗ, trên xe toàn những cô cậu quần áo bảnh bao. Cậu mang về bia rượu, thức ăn cùng nhiều quà cáp của các bạn. Hai ông bà cụ tất tả từ sáng đến tối mà vẫn không hết việc. Cứ chốc chốc lại nghe “Bác ơi, muối ớt để ở đâu?”, “Bác ơi, cho con xin cái chén”, “Bác ơi, cho con thêm đá với bia...".
Trong lúc đám trai trẻ ngồi ăn nhậu, hát hò vui vẻ thì ông bà cụ thở phì phò không ra hơi, đến ngày con đi thì cả hai gần như kiệt sức. Đấy là chưa kể ông bà phải chạy vạy mua hải sản để con mang về thành phố tặng bạn. Khốn khổ cho ông bà, khi người con sĩ diện hão, bảo đặc sản quê nhà mà, rẻ lắm, để ba mẹ mình lo. Vậy là đi đứt tiền triệu.
Mấy ngày sau khi con cả về, ông Đan phải đi cấp cứu bệnh viện huyện, vét cả trong nhà chỉ còn có mấy chục ngàn đồng. Bà Đan than thở: “Con trai về, xe cộ sang trọng nhưng cực nhọc quá. Có lẽ có bao nhiêu tiền nó đổ vào thuê xe với mua rượu bia hết rồi”. Ông Đan liền ngăn cản: “Con mới có tí chức quyền, nó cũng cần xây dựng quan hệ. Mình phải biết hy sinh cho con cái, không được đòi hỏi”.
Có thực tế trái ngược với những tình huống trên: không ít những cô cậu công nhân, cứ đến ngày lễ Tết lại gom góp từng chút quà nhỏ, từng đồng lương để đem về cho cha mẹ, dù cha mẹ chẳng đòi hỏi.
Ai chẳng biết, làm cha mẹ phải hy sinh, lo lắng cho con. Nhưng có nên hy sinh đến mức như các trường hợp trên? Cho con biết sự khốn khó thật sự của cha mẹ cũng là một cách giáo dục con có trách nhiệm với gia đình.
Giadinh.net