Thậm chí, nhiều lần chị còn làm anh Hưng, chồng chị ngượng “tím mặt” khi một ai đó “xỏ xiên” hỏi lại: “Mẹ anh Hưng không phải là mẹ chị Tâm à”.
Anh Hưng cho biết, mặc dù đã góp ý với chị Tâm ngay từ những ngày mới về làm dâu nhưng chị vẫn “chứng nào tật ấy”, nhất quyết không chịu thay đổi. Không những thế, chị còn cho rằng gọi như vậy để dễ phân biệt bà nội với bà ngoại, nhà nội với nhà ngoại thôi, chứ thực tình chả có phân biệt gì cả và cũng chả ảnh hưởng gì đến mối quan hệ của 2 vợ chồng chị cũng như mối quan hệ của chị với gia đình nhà chồng.
Tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ riêng của chị Tâm, còn trên thực tế thì sao?! Theo như phàn nàn của anh Hưng, nhiều khi anh cảm thấy “rất khó chịu” với cách gọi của vợ, vì nó không những làm cho mối quan hệ vợ - chồng vốn thân thiết lại thành ra xa lạ, có khoảng cách mà còn làm cho chính anh có cảm giác như chị Tâm- vợ anh không thực sự mong muốn “nhà mình là nhà của cô ấy, mẹ mình cũng chính là mẹ của cô ấy và ngược lại”. Không chỉ có anh, mà nhiều người trong gia đình cũng phàn nàn với anh về vấn đề này.
Không những thế, anh Hưng còn cho biết, khổ nhất là những lúc cô ấy cứ bô bô “mẹ anh”, “mẹ em”, “nhà anh”, “nhà em”,… ở chỗ đông người làm ai cũng ngạc nhiên. Có lần, sau khi nói chuyện xong, chị Tâm đi khỏi, có người đã “xỏ xiên” hỏi lại anh Hưng, “Ơ, thế mẹ anh Hưng không phải là mẹ chị Tâm à, cưới nhau rồi sao lại còn phân biệt thế chứ”?, “lúc ấy, thú thật tôi ngượng tím cả mặt mày mà không nói được câu gì”.
Cũng không khác gì anh Hưng, anh Kiên – nhà ở Cầu Giấy cũng phàn nàn về thái độ tương tự của vợ mình. Anh cho biết, một thời gian anh cũng đã tìm đủ mọi cách từ khuyên bảo, đến phân tích và đề nghị đối với chị Trà – vợ anh để chị thay đổi cách phân biệt “mẹ anh”, “mẹ em”,… , nhưng rút cuộc cũng chả “ăn thua” gì.
Tưởng chừng như “bó tay” thì một lần có người bạn thân của anh đến ăn cơm. Trong lúc đang ăn thì anh Kiên có điện thoại của mẹ gọi đến cũng chỉ để phàn nàn về cách nói chuyện mang nặng tính “phân biệt” của chị Trà. Khi cuộc điện thoại vừa kết thúc, chị Trà liền hỏi anh Kiên: “Mẹ anh bảo gì em thế”. Thấy vậy, người bạn anh Kiên ngạc nhiên hỏi: “Ơ, mẹ hai người lại khác nhau à, buồn cười nhỉ!”. Câu hỏi ấy của người bạn anh Kiên không chỉ làm cho anh Kiên, chị Trà mà cả anh bạn kia mất tự nhiên trong cả thời gian còn lại của bữa ăn mà nó còn là câu hỏi “định mệnh” giúp cho chị Trà hiểu rằng cần phải thay đổi cách nói chuyện. Cũng kể từ đó, chị Trà không bao giờ có thái độ phân biệt “mẹ anh”, “mẹ em”… với anh Kiên hay bất kỳ ai trong câu chuyện của mình nữa.
“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, điều này không chỉ đúng trong các mối quan hệ ngoài xã hội mà còn rất cần thiết cho mối quan hệ, gia đình, vợ chồng. Vì người ta vẫn nói, “Được lời như cởi tấm lòng”, các bà vợ cũng cần ghi nhớ những điều này – đây cũng là bí quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình.
PLXH