- Chị đã gặp nhạc sỹ Trịnh Công Sơn lần đầu thế nào?
Khi ấy tôi 20 tuổi, còn anh thì không có tuổi. Lần đầu tiên gặp anh, tôi đã ngỡ ngàng trước vẻ mặt không nỗi lo đời thường và nụ cười hồn nhiên, đôi mắt long lanh sáng, trong một đêm hè đầy sao. Anh không có tuổi, như anh vẫn hay đùa với những cô gái gặp anh, kính trọng chào anh bằng chú: "Mình có bà con gì không nhỉ ... mà phải thưa anh bằng chú?" Anh lúc nào cũng hóm hỉnh, thân thiện, sẵn sàng chia sẻ và đón nhận. Cũng trong đêm hè đầy sao ấy, tôi nhận thấy trong anh, người đàn ông nhỏ nhắn và bình dị, sự che chở và yêu thương.
Hồng Nhung và Trịnh Công Sơn. Ảnh: Tư liệu.
- Và đây cũng chính là cơ duyên đã đưa chị đến với nhạc Trịnh?
Cũng có thể nói là như vậy. Âm nhạc Trịnh Công Sơn không chỉ dành cho một lứa tuổi nào bởi từng nốt nhạc và ca từ đều được viết lên từ những rung động giản dị và chân thật của một tâm hồn nhạy cảm luôn khao khát yêu thương. Có nhiều bài hát đã nổi tiếng anh viết khi mới ở lứa tuổi đôi mươi nên những đồng cảm mà bạn có được cho nhạc Trịnh là rất tự nhiên.
Hồng Nhung may mắn được gặp gỡ và trở thành người trò, người bạn của nhạc sĩ trong suốt 10 năm và nhờ đó đã được tiếp xúc và học tập về âm nhạc Trịnh Công Sơn một cách đặc biệt. Có lẽ vì thế mà những bài hát tôi thể hiện dễ được quý khán giả chấp nhận và đồng cảm. Theo tôi, để hát nhạc Trịnh Công Sơn, yếu tố tình cảm quan trọng hơn nhiều kỹ thuật thanh nhạc. Nếu bạn yêu những nốt nhạc giản dị đó bạn có thể hát rất hay mà không cần kỹ thuật gì cả.
- Vậy để chuyển tải được cái hồn của nhạc Trịnh và gắn kết nó sâu sắc với người nghe, một ca sĩ cần phải làm gì?
Như tôi vừa nói, có lẽ để chuyển tải được đúng tính chất của nhạc Trịnh thì người hát nhất thiết phải yêu bài hát, đồng cảm với thông điệp về tình yêu mà bài hát định nói, và sẽ hay khi mỗi người hát lại đưa vào đấy tình cảm và cách nghĩ rất riêng của mình. Bạn có thấy thế không?
- Có nhiều ý kiến cho rằng, Hồng Nhung hát nhạc Trịnh càng hay là vì nỗi nhớ của chị dành cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngày càng tăng?
Hồng Nhung cũng vì được gần gũi với dòng nhạc này mà cách nhìn và cách nghĩ về đời sống có nhiều thay đổi. Được hát nhạc Trịnh là một điều may mắn đối với Hồng Nhung, còn có thấy hay hay không là xin nhờ vào những người khán giả yêu nhạc Trịnh tự cảm nhận với cách riêng của mỗi người. Xin cảm ơn những khán giả đã có lời khen khích lệ cho Hồng Nhung.
Sự ra đi của nhạc sĩ đã để lại sự trống vắng trong tâm hồn rất nhiều người và riêng đối với Hồng Nhung, để lại một khoảng trống không thể lấp đầy!
Hồng Nhung nghĩ cách thiết thực nhất để thể hiện tình cảm với người nhạc sĩ có một không hai này là hát lên những ca khúc của anh bằng tình cảm yêu mến trân trọng và say đắm.
- Được chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhận xét là người làm mới những ca khúc của ông và phù hợp với hiện tại - chị làm được điều đó bằng chính sự tìm tòi của bản thân hay có sự giúp đỡ của người khác?
Chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người đã từng khuyến khích và nâng đỡ cho cách làm mới những ca khúc của ông khi Hồng Nhung bắt đầu hát, còn quá trẻ và vô tư để chỉ hát thật thà như là cách mình cảm nhận. Không ngờ chính nhạc sĩ cho rằng cách hát này làm âm nhạc của ông không phải chỉ dừng lại ở trong quá khứ mà sống với hiện tại. Làm được điều đó, tôi nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người: bên cạnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là các nhạc sĩ hòa âm phối khí, kể cả các bạn ca sĩ đồng nghiệp.
- Vậy thời điểm này chị thể hiện những ca khúc nhạc Trịnh sẽ thế nào khi không còn nhạc sĩ ở bên cạnh?
(Suy ngẫm một lúc)… Sẽ nhẹ nhàng hơn, giản dị hơn và tập trung nội lực cho tình cảm trong bài hát, càng không có những biểu diễn kỹ thuật mà thiên về hát như nói.
- Được một nhạc sĩ tài hoa viết riêng cho mình một câu chuyện cổ tích với một chùm 3 ca khúc về Bống. Hồng Nhung là người thật hạnh phúc. Vậy chị có buồn không khi có vài ca sĩ khác cũng thích khám phá báu vật riêng này, nhưng tiếc rằng họ không thể diễn đạt hết cái hồn và cái tình mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn muốn gửi gắm vào trong ấy?
Câu chuyện cổ tích này nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết cho Hồng Nhung bằng âm nhạc trở thành câu chuyện "Cá Bống thứ 2" (chuyện trước đọc từ hồi còn bé). Đây là món quà vô giá mà chính Hồng Nhung cũng không ngờ mình được đón nhận. Có một số ca sĩ cũng hát những bài hát này. Điều này rất dễ thương làm cho tôi thấy vui! Có người còn cho Nhung nghe bản thu để hỏi ý kiến. Và tất nhiên họ có toàn quyền thể hiện bằng cách riêng của mình.
- Đã 10 năm rồi kể từ ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, trong suốt 10 năm đó, những cảm xúc của chị vẫn còn nguyên vẹn chứ?
"Anh Sơn mất rồi Nhung ơi..." - giọng người bạn gái tôi run rẩy trong điện thoại. Im lặng! Còn có gì đâu để nói. Hình ảnh anh lần đầu tiên tôi gặp bỗng về lại, người đàn ông nhỏ nhắn, hồn nhiên, bước vào qua cái cổng sắt lớn, bước vào trong cuộc đời của tôi. Anh đội chiếc mũ bạc mầu mà anh luôn thích, vừa đi vừa đá nhẹ mấy hòn sỏi dưới chân. Và nụ cười của anh, tươi thế, trong sáng thế, và hiền hậu thế, làm sao mà không cảm thấy thân thương ngay được! Cám ơn định mệnh đã cho tôi gặp được anh. Niềm tin của anh, tình yêu của anh làm cho tôi ngay những lúc cô đơn nhất vẫn cảm thấy an tâm, vì được che chở, được đón nhận và tha thứ, như một người con an tâm vì có một gia đình đùm bọc.
Tôi đã thấy anh vui như trẻ nhỏ khi hai anh em leo được đến lưng chừng một ngọn núi trong cái lạnh cắt da để thấy sông, thấy rừng và cả mây nữa ở phía dưới, hồi ở Nhật Bản; tôi đã thấy anh cực kỳ hưng phấn, với đôi bàn tay còn dính đầy mầu vẽ, ngồi nhìn bức tranh anh vừa vẽ trong đêm; tôi đã thấy anh băn khoăn, lẩm bẩm hát một đoạn ngẫu hứng mà anh vừa kịp ghi lại trên một mẩu giấy xé từ bao thuốc lá... Và tôi đã từng thấy anh buồn... Anh chẳng làm gì để đỡ buồn, mà tự buồn cho hết. Những lúc ấy, tôi thấy thương anh vô cùng, mặc dầu có những khi chính tôi cũng làm anh buồn vậỵ Có lúc tôi đến thì thấy anh ngồi một mình trong phòng, một điếu thuốc lá, một ly rượu. Tôi cảm thấy sự cô đơn trong chính con người anh.
Cám ơn Hồng Nhung về những chia sẻ của chị!
Theo VNMedia