Mai Khôi: “Cái tiếc nhất của đời tôi là không được gặp Trịnh Công Sơn”
Từ bé tôi đã yêu những ca khúc của Trịnh Công Sơn qua tiếng hát Khánh Ly. Có những lúc tôi đắm trong những ca khúc buồn như “Thương Một Người”, “Phúc Âm Buồn”, “Này Em Có Nhớ” … Chẳng hiểu sao lúc ấy tôi chỉ là cô bé học lớp 6 thôi, đã biết say đắm từng ca từ của Trịnh. Ngày Trịnh mất, tôi vẫn còn là cô bé 18 tuổi ở Cam Ranh với ấp ủ học xong lớp 12 tôi sẽ vào Sài Gòn tìm gặp Trịnh. Tôi sẽ hát thật hay những ca khúc của Trịnh … Thế nhưng … tôi chỉ còn có thể viết được những dòng thư cho Trịnh với những tiếc nuối cho riêng mình mà không bao giờ được gặp mặt. Sau này, gặp những người bạn của Trịnh, họ bảo rằng, cái tiếc nhất của đời tôi là không được gặp Trịnh Công Sơn.
Tôi thật sự bắt đầu hát nhạc Trịnh lúc tôi mới bước vào nghề hát, cách đây 9 năm. Lúc đó tôi mới vào Sài Gòn, đang học nhạc viện, tối tối tôi đã hát những ca khúc tiền chiến, những tình khúc nhạc ngoại bất hủ và những bản nhạc Trịnh Công Sơn để nuôi sống mình, nuôi sống niềm đam mê và cả cuộc sống tự lập của tôi nữa.
Ca sĩ Mai Khôi
Tôi thích ca từ của ông hơn cả, và đương nhiên phần ca từ của Trịnh thì chỉ có thể gắn liền với giai điệu của Trịnh. Nhạc Trịnh là một phần âm nhạc mà tôi đã mang theo, không phải là định hướng, tôi định hướng cho mình ngay từ nhỏ, đó là sáng tác. Nhạc Trịnh đã giúp ích rất nhiều cho tôi, tôi nghĩ bất kì một sự học hỏi nào cũng có giá trị của nó cả. Nhạc Trịnh làm cho tâm hồn tôi đẹp và thanh thản, tôi cũng học nhiều ở cách sử dụng những hình ảnh thơ mộng, đẹp đẽ và giản dị trong ca khúc dủa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Cách hát của mỗi người đã là một làn gió mới mẻ thổi qua một bài hát đã cũ. Tôi nghĩ tôi mang được màu sắc trẻ trung, sự văn minh trong cách cảm âm của việc xử lý ca từ và giai điệu đến cho khán giả, nhất là những người đã quá hiểu biết dòng nhạc này. Tôi luôn tâm niệm khi hát nhạc Trịnh tâm hồn là quan trọng nhất. Tuy nhiên không có kỹ thuật thì cũng khó mà hát. Nhạc Trịnh là sự tuôn trào tự nhiên nhất, nhẹ nhàng nhất, thanh thản nhất.
Có người vẫn hay nói ca sĩ trẻ bây giờ hát nhạc Trịnh là theo trào lưu, riêng tôi không sợ mang tiếng từ hồi còn bé. Cứ làm những điều mình thích mặc cho thiên hạ bàn tán xôn xao. Mình làm điều gì mà có tâm thì chắc chắn một ngày nào đó sẽ có kết quả tốt.
Thảo Trang: Ca sĩ trẻ trăn trở cùng nhạc Trịnh
Ngay từ những ngày còn nhỏ, Trang đã hay nghe bố mẹ hát những bài của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Lúc đó cũng chỉ biết hát theo chứ không hề biết nhạc sĩ là ai hay ca khúc tên gì. Mãi cho đến khi lớn hơn, Trang tìm hiểu nguồn gốc của những giai điệu, ca từ đó và thích rồi đam mê từ lúc nào không biết.
Nếu có ai hỏi Trang thích bài nào nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì thật tình là chính Trang cũng không biết vì dường như Trang thích tất cả. Hát nhạc Trịnh vừa dễ lại vừa khó. Dễ ở chỗ là giai điệu đơn giản nên ai cũng có thể hát được, không cần phải có kỹ thuật gì cao siêu. Nhưng ca từ của ông lại rất sâu sắc, nên cái khó là ở chỗ truyền tải được nội dung, cảm xúc của bài hát đến người nghe. Có một điều chắc ai cũng đồng ý với Trang là những ca sĩ trẻ không thể nào hát nhạc Trịnh có hồn được như những bậc đàn anh chị hay những bậc tiền bối đi trước được.
Ca sỹ Thảo Trang
Cũng vì lí do đó mà các ca sĩ trẻ trong đó có Trang luôn trăn trở với vấn đề làm thể nào để thể hiện tốt những ca khúc của Trịnh và mang nó đến gần hơn với giới trẻ. Như nhiều bạn đồng nghiệp khác đã cố gắng tránh đi theo lối mòn của các ca sĩ đi trước bằng cách làm mới nhạc Trịnh với mong muốn mang vào đó những làn gió mới trong cách thể hiện. Nhưng khi thể hiện một cách mới mẻ như thế liệu người lớn có chấp nhận hay không, đó mới là vấn đề. Bởi vậy không thể cứ thích là được, thị hiếu khán giả luôn là một yếu tố quan trọng.
Có lẽ trong cuộc thi Vietnam Idol 2007 phần biểu diễn "Phôi Pha" của Trang đã nhận được nhiều sự ủng hộ của khán giả nên Trang vẫn hay nhận được câu hỏi là khi nào Trang thực hiện một album nhạc Trịnh. Trang thì không dám chắc về thời gian nhưng chắc chắn Trang sẽ có một album nhạc Trịnh trong thời gian không xa.
Đình Nguyên: Nhạc Trịnh sẽ trường tồn với thời gian
Nguyên sinh ra và lớn lên ở Đà lạt, một vùng đất yên ả, nhẹ nhàng và sâu lắng, có lẽ vì vậy hầu hết người Đà Lạt đều rất thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Từ bé, Nguyên đã nghe ké nhạc Trịnh khi mà bố mẹ mở nhạc của cô Khánh Ly, chú Tuấn Ngọc và sau này là anh Quang Dũng. Nguyên cảm thấy tất cả mọi thứ vô hình chung rất phù hợp với nhau. Và nhạc Trịnh trở thành một điều khi đó rất gắn bó trong suốt thời niên thiếu và trưởng thành của Nguyên, trở thành một phần tâm hồn Nguyên.
Sau khi đạt giải nhì Tiếng Hát Truyền Hình Tp.HCM năm 2004, Nguyên chuẩn bị cho việc trở thành ca sĩ chuyên nghiệp và ra album đầu tiên. Nguyên đã gặp nhạc sĩ Quốc Hưng một người rất yêu nhạc Trịnh và luôn ấp ủ làm một album nhạc Trịnh với những bài hát mà anh đã lựa chọn và chuẩn bị sẵn. Khi thấy Nguyên có chất giọng phù hợp anh Hưng đã đề nghị làm một album bao gồm các ca khúc của Trịnh Công Sơn. Và “Môi nào hãy còn thơm” ra đời.
Dù rằng “Môi nào hãy còn thơm” đã được công chúng cũng như giới phê bình đón nhận. Nhưng với Nguyên đó vẫn chỉ là một album thực tập. Nó chưa đạt đến sự chín muồi về kỹ thuật lẫn cảm nhận, cũng như sự chỉn chu cần có của một người ca sĩ chuyên nghiệp nên chắc chắn Nguyên sẽ làm lại.
Ca sĩ Đình Nguyên
Nguyên luôn có một cảm xúc rất đặc biệt khi thể hiện nhạc Trịnh. Giai điệu mà Trịnh Công Sơn sử dụng luôn mộc mạc, đơn giản, dễ cảm, dễ hiểu. Còn ca từ trong các tác phẩm của ông thì quá tuyệt vời. Nguyên cho rằng Trịnh Công Sơn có lối diễn tả về ngôn ngữ tối ưu nhất. Và không ai dám chắc là mình đã chạm đến cái sâu sắc nhất trong ca từ của Trịnh Công Sơn. Nhưng rất may mắn, Nguyên đã gặp được nhạc sĩ Từ Huy, một thành viên trong nhóm Những Người Bạn bao gồm các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập, Bảo Phúc, Thanh Tùng, nhà văn Ma Văn Kháng…Những người thân thiết và hiểu Trịnh Công Sơn nhất. Và được nghe các chú kể nhiều giai thoại về Trịnh Công Sơn để từ đó hiểu ông hơn và cảm nhận các bài hát dễ dàng hơn.
Nguyên biết đến âm nhạc của Trịnh Công Sơn qua tiếng hát của các bậc cô chú, anh chị đi trước. Vì vậy, không khó hiểu khi Nguyên có thể bị ảnh hưởng từ ai đó. Tuy nhiên, Nguyên tự tin rằng mình không phải là bản sao của bất kỳ ai. Dù rằng, Nguyên không làm gì để phá cách nhạc Trịnh mà vẫn giữ nguyên cái mộc mạc, giản dị vốn có. Nguyên hát bằng sự cảm nhận của mình, của một người trẻ. Cảm nhận đó có thể đúng, có thể chưa đúng nhưng đó là điều khiến mọi người có thể phân biệt Nguyên với các ca sĩ khác. Đó là Đình Nguyên trong nhạc Trịnh.
Nguyên rất yêu nhạc Trịnh và dòng nhạc xưa, trữ tình lãng mạn. Vì yêu nên Nguyên chọn nó trở thành hướng phát triển chính của mình. Nguyên cũng nghĩ rằng được thể hiện cái mình tâm đắc, cái phù hợp với mình là cách tốt nhất để đến với công chúng. Nguyên luôn tìm thấy sự bình yên, thanh thản trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Và Nguyên hi vọng bằng tiếng hát của mình sẽ giúp cho các khán giả yêu nhạc Trịnh cảm nhận được điều đó.
Nhạc Trịnh luôn có một chỗ đứng riêng trong lòng công chúng và sẽ trường tồn với thời gian.
Theo VNMedia