1. Những phút cuối trận chung kết Champions League giữa Barca với MU diễn ra, khi đội bóng xứ Catalan đang dẫn trước 3-1, các tay camera đã kịp thời chộp được một khoảnh khắc đáng nhớ. Alex Ferguson, với kinh nghiệm gần 40 năm cầm quân và 25 năm trị vì tại Old Trafford, vẫn không thể ngăn được đôi bàn tay mình run lên từng chập.
Khi con người ta run, chỉ có thể là vì 2 lẽ. Một là do hồi hộp và hai là do sợ hãi. Căn cứ vào tình thế lúc bấy giờ thì chẳng mấy ai tin vị huấn luyện viên có biệt danh “máy sấy tóc” này hồi hộp cả bởi kết quả trận đấu gần như đã được định đoạt. Như thế thì lý do duy nhất để giải thích cho đôi bàn tay run rẩy kia chỉ có thể là nguyên nhân thứ hai: sợ hãi.
Barca của Pep Guardiola ở một đẳng cấp khác so với MU
2. Ngẫm ra Sir Alex sợ cũng là phải. Sợ bởi vì Barca mạnh quá. Họ chơi bóng ở một đẳng cấp khác so với tất cả những đối thủ còn lại, kể cả đó là MU – đội cùng họ so tài ở chung kết Champions League. Những siêu nhân tới từ Catalan đã được Pep Guardiola lập trình tới từng chi tiết, cặn kẽ và tỉ mỉ đến nỗi chỉ cần đưa vào tác nhân mang tên “trái bóng” là lập tức “cỗ máy hủy diệt” sọc đỏ xanh sản sinh ra những bàn thắng.
Sự cách biệt ấy cứ đeo bám chiến lược gia người Scotland suốt 90 phút trận đấu, đến nỗi mà khi Rooney san bằng tỷ số, người ta vẫn thấy ông như lặng đi. Đáng lẽ phải chạy ra sát đường pitch để thúc giục các học trò dồn lên như ông vẫn thường làm thì “vị cha già” này vẫn án binh bất động trên băng ghế huấn luyện. Phải chăng ngoài sức mạnh của Barca, Alex Ferguson còn sợ điều gì khác nữa?
Alex Ferguson đã thực sự sợ Barca?
3. Để hiểu “ông già gân” đã sợ gì, chúng ta cần quay ngược thời gian trở về Rome 2 năm trước. Khi đó, MU cũng đụng độ Barca ở trận chung kết. Chỉ có một điều khác biệt duy nhất là Quỷ đỏ năm ấy được xếp cửa trên nhờ đang là đương kim vô địch và giữ lợi thế tuyệt đối về mặt con người (Eric Abidal và Daniel Alves bị treo giò). Nhưng rốt cuộc, đội bóng của Sir Alex lại thất bại. Sau trận đấu đó, nhà cầm quân sắp bước sang tuổi 70 này phát biểu đại ý rằng ông đã mắc phải một số sai lầm nên đã để chiến thắng rơi vào tay Barca.
Nói như vậy để thấy, dù bị xếp ở cửa dưới năm nay nhưng vị thuyền trưởng lão luyện này không hề kém tự tin trước “Dream Team” của bóng đá đương đại. Ông có đủ kinh nghiệm và sự thông minh để giúp bản thân cũng như các học trò không cảm thấy sợ hãi trước các nghệ sĩ tới từ Tây Ban Nha. Vậy mà đến những thời khắc cuối cùng, khi MU chưa có dấu hiệu bỏ cuộc trên sân thì tại sao Alex Ferguson lại run lên vì sợ hãi?
Câu trả lời duy nhất chỉ là ông vẫn giẫm phải vết xe đổ của năm 2009. Năm đó, Sir Alex mắc phải 3 sai lầm cơ bản: không lường hết sức mạnh của đối phương, sắp xếp đội hình thiếu hợp lý và trông chờ quá nhiều vào 1 ngôi sao. Năm nay, dù rất cố gắng nhưng người đàn ông quyền lực nhất ở Old Trafford vẫn để những vết gợn cũ nhói lên trong lòng.
Vết xe đổ ở Rome 2 năm trước vẫn bị ông giẫm vào
4. Thứ nhất, ông vẫn không đo được hết sức mạnh của Barca. Sau 10 phút đầu tiên bung sức nhằm tạo ra lợi thế dẫn bàn nhưng chẳng đem lại kết quả, MU đã không có một kế sách hiệu quả để tiếp tục duy trì 80 phút dài đằng đẵng còn lại. Những chàng trai của ông bỗng chốc trở thành những con rối để Barca tha hồ phô diễn lối chơi tiqui-taca. Và khi thể lực bị bào mòn, cái đầu không giữ được sự tỉnh táo thì tuyến giữa của MU buộc phải chấp nhận những lỗ hổng chết người sau lưng.
Thứ hai, cách bố trí nhân sự của MU không cho thấy sự hợp lý. Có lẽ những cuộc điện đàm cùng lời tư vấn đượm màu “phá cách” của Jose Mourinho đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc quyết định nhân sự của Alex Ferguson. Quỷ đỏ mùa này có được những chiến thắng quan trọng đa phần đều nhờ ở việc họ kiểm soát được thế trận bằng kinh nghiệm cũng như kỹ thuật của hàng tiền vệ. Tư tưởng “phá lối chơi” mà đội bóng thành Manchester cố tình đưa vào một cách nửa vời dưới hình bóng của những Park Ji Sung hay Valencia đã chẳng thể mang lại hiệu quả. Nếu thay họ bằng Nani và Scholes sớm hơn, biết đâu MU đã có thể tìm thấy sự bất ngờ.
Điều cuối cùng, nghe có vẻ hơi vô lý khi các nhà đương kim vô địch Premier League không thực sự có một ngôi sao sáng giá nào ở mùa giải năm nay (ngoại trừ Rooney) nhưng “bài toán Ronaldo” 2 năm trước lại lởn vởn trong đầu người hâm mộ quanh cái tên Chicharito. Tuyển thủ người Mexico đã có một mùa giải tuyệt vời nhưng kinh nghiệm non nớt của anh là không đủ để có thể chiến đấu ở một cuộc so tài đỉnh cao như này. Đáng tiếc là Alex Ferguson không nhận ra điều ấy và vẫn cố gắng trông chờ vào một phép màu mà “hạt đậu nhỏ” đã từng mang lại.
Cơ hội để Alex Ferguson đi qua chiếc cúp bạc không còn nhiều nữa
5. Nói gì thì bây giờ cũng đã là quá muộn. MU thêm một lần ôm hận, còn Alex Ferguson lại một lần nữa bó tay trước bài toán tiqui-taca. Với một người giàu tham vọng như ông, thì thất bại này sẽ càng thôi thúc ông trở lại mạnh mẽ hơn ở những năm kế tiếp.
Nhưng như Xuân Diệu đã từng viết: “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua, Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già, Và xuân hết nghĩa là tôi cũng mất, Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật, Không cho dài thời trẻ của nhân gian…” Alex Ferguson cũng hiểu được điều ấy, ông đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nghĩa là chẳng còn nhiều cơ hội để góp mặt tại chung kết Champions League nữa. Barca cũng thế, khi Xavi (năm nay đã 31 tuổi) không còn giữ được phong độ đỉnh cao nữa, có ai dám chắc đội chủ sân Nou Camp vẫn duy trì được những pha đan lát như ở thời điểm này.
Vì thế cái nắm tay run bần bật kia của Sir Alex phải chăng còn là cái rùng mình khi nghĩ tới việc chẳng còn dịp nào đương đầu với thử thách mang tên tiqui-taca nữa chăng?
VTC