Nhà báo người Anh Andrew Jennings, người dành cả một thập kỷ để điều tra những bê bối tham nhũng của FIFA, là nhà báo duy nhất bị cấm tham dự các buổi họp báo của FIFA. Điều này có được nhờ những “thành tích bất hảo” của ông trong cuộc chiến nhằm lên án các bê bối trong nội bộ FIFA.
Cựu Ủy viên điều hành FIFA Amos Adamu, người bị tố cáo với âm mưu bán phiếu bầu - Ảnh: AFP
Vào năm 2006, Jennings hợp tác với BBC thực hiện một chương trình tài liệu Panorama có tựa đề Sự lừa dối đẹp đẽ. Trong phim tài liệu này, Jennings tố cáo các lãnh đạo chóp bu của FIFA đã nhận hối lộ của công ty ở Thụy Sĩ International Sports and Leisure (ISL) trong gần 20 năm để đảm bảo công ty này được ký các hợp đồng độc quyền với FIFA.
Đó là một lời tố cáo nguy hiểm song Jennings cũng có các cơ sở của mình. Ông đã thu thập các dữ kiện trong 4 năm, và chúng được tập hợp trong cuốn sách Phạm lỗi! Thế giới bí mật của FIFA: Hối lộ, gian lận phiếu bầu và bê bối vé. Cuốn sách cùng với các phóng sự kèm theo biến Jennings trở thành phóng viên điều tra thể thao đầu tiên thâm nhập thành công vào lãnh địa thần thánh của FIFA và vạch trần bê bối mà nhiều người nghi ngờ song chưa ai chứng minh.
Cảnh sát Thụy Sĩ đã mở cuộc điều tra về những cáo buộc nói trên song nó không thể động được đến FIFA. Vụ việc này được chương trình Panorama xới lên một lần nữa vào tháng 12.2010, ngay trước ngày bỏ phiếu bầu chọn nước chủ nhà cho World Cup 2018 và 2022.
Chương trình Panorama có tựa Những bí mật bẩn thỉu của FIFA tố cáo đích danh ba Ủy viên điều hành của FIFA là Nicolas Leoz, Issa Hayatou và Ricardo Teixeira đã nhận được những khoản tiền hối lộ lớn từ ISL trong khoảng thời gian từ 1989 đến 1999. Chương trình của hãng BBC tiết lộ ba quan chức nói trên nằm trong một danh sách hối lộ với số tiền lên đến 100 triệu USD của ISL. Điều này được một số quản lý cũ của ISL, công ty đã phá sản vào năm 2001, xác nhận. Thế nhưng, một lần nữa những tố cáo này lại rơi vào hư không.
Trước đó, FIFA đã phải khai trừ hai Ủy viên điều hành Amos Adamu và Reynald Temarii, đồng thời cấm 4 cựu quan chức khác tham gia các hoạt động bóng đá thế giới, sau khi tờ Sunday Times tố giác những người này mưu toan bán phiếu bầu cho nước chủ nhà World Cup.
Tuy nhiên, bản thân ông Sepp Blatter cũng bị đồn từng dính dáng đến các cáo buộc về việc mua bán phiếu bầu khi tranh chức chủ tịch FIFA với chủ tịch UEFA Lennart Johansson vào năm 1998. Khi đó, Phó chủ tịch LĐBĐ châu Phi Farra Addo khẳng định ông đã được đề nghị trả 100.000 USD để bỏ phiếu cho Blatter, theo CNN.
Các Ủy viên điều hành FIFA trong một chuyến thị sát - Ảnh: AFP
Vào năm 2002, Tổng thư ký FIFA khi đó là Michel Zen-Ruffinen đã công bố một hồ sơ dài 30 trang cáo buộc những hành động bất chính của Blatter trong tổ chức. Những tố cáo này được ủng hộ bởi Johansson cùng 5 Phó chủ tịch khác của FIFA, với yêu cầu ông Blatter phải từ chức. Cảnh sát Thụy Sĩ cũng tiến hành điều tra về vụ này song rốt cuộc chỉ có Zen-Ruffinen bị sa thải, còn Blatter vô tội, theo tờ The Times. Một cuộc điều tra nội bộ của FIFA cũng bị đình chỉ sau khi ông Blatter nói rằng các giao ước bí mật của FIFA đã bị phá vỡ.
Một cái tên khác trong Ủy ban điều hành FIFA là Phó chủ tịch Jack Warner thì không mấy xa lạ với các cáo buộc về việc “phe” vé World Cup 2006 và 2010, theo BBC.
Tai tiếng là thế song FIFA, cụ thể là các Ủy viên điều hành vẫn tai qua nạn khỏi trong bất cứ tình huống nào. Nhiều ý kiến cho rằng điều này một phần do những lỗ hổng trong chế định pháp luật điều chỉnh hoạt động của tổ chức phi chính phủ khổng lồ này. Song phần lớn, nó được nói là xuất phát từ thứ quyền lực mềm mà cơ quan điều hành bóng đá thế giới nắm trong tay. Và nguyên thủ duy nhất trên thế giới từng gọi gọi đích danh FIFA là một tổ chức tham nhũng chính là nhà lãnh đạo bạo mồm bạo miệng của Libya – Đại tá Muammar Gaddafi.
Thanh Niên Online