* 14 vòng đấu đã qua, SLNA và SHB.ĐN vẫn chơi rất ổn định. Ông nghĩ có đội bóng nào sẽ chen chân vào cuộc đua giữa 2 đối thủ này?
- Đánh giá theo kết quả đã qua, 2 đội bóng này đều chơi ấn tượng. Và có thể khẳng định SLNA và SHB.ĐN có lối chơi thuyết phục nhất ở giai đoạn lượt đi. Cả 2 đội có lối chơi khá đa dạng, ngoại binh tốt, dàn cầu thủ đồng đều. Việc họ thi đấu tốt và chiếm ưu thế với số còn lại cũng vì lẽ ấy. Nhưng vẫn còn 12 vòng đấu nữa và rất nhiều diễn biến bất ngờ khó nói trước. Khoảng cách với nhóm sau không quá lớn. Chỉ cần 2 đội bóng này sơ sảy chút ít, khoảng cách sẽ được san bằng. Mọi người đang nói cuộc đua song mã. Tôi đồng ý, nhưng tôi mong các ứng viên còn lại sẽ chơi bùng nổ để cuộc đua tới ngôi vô địch bớt nhàm chán.
* Theo ông, SLNA hay SHB.ĐN sẽ lên ngôi vô địch? Thành công của họ có dấu ấn của các thầy trẻ: Hữu Thắng, Huỳnh Đức. Ông nghĩ do khả năng chuyên môn hay họ đang sở hữu dàn cầu thủ quá tốt?
- Theo thông tin từ báo chí cũng từ chính mắt tôi kiểm nghiệm, SLNA năm nay có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu tổ chức, mua sắm ngoại binh. Nhất là với sự cổ vũ khán giả Nghệ An, SLNA đang trở nên khó lường hơn trên đường đua vô địch. Họ đang có dàn cầu thủ đạt độ chín, trẻ trung và cũng không biết sợ. SHB.ĐN có kinh nghiệm và sự đồng đều, ổn định. Nhưng nếu lựa chọn, tôi nghĩ đội bóng xứ Nghệ là xứng đáng nhất, bởi họ đang dùng chính lực lượng trẻ của mình, còn SHB.ĐN có dấu hiệu hơi “loãng” cầu thủ Đà Nẵng. Nhìn lại đội hình của họ, có rất ít cầu thủ người Đà Nẵng và nó vô tình mất đi tính chất địa phương mà họ từng có ở V-League 2009.
Tôi ấn tượng với các đồng nghiệp trẻ như Hữu Thắng (SLNA), Huỳnh Đức (SHB.ĐN). Họ có khả năng chuyên môn, các vận dụng sức mạnh trong tay và biết hướng học trò vào trái bóng và tập trung đá bóng. Sự thành công ấy của các vị HLV trẻ là đáng mừng và giúp V-League có thêm nhiều chiến lược gia tiềm năng trong tương lai.
* Bóng đá Hải Phòng đang sa sút quá nhiều so với 3 năm trước. Phải chăng sự ra đi của chủ tịch Lê Văn Thành (chuyển sang làm công tác khác ở UBND TP. Hải Phòng –PV) đã khiến đội bóng này mất phương hướng?
- Nếu nhìn vào quá trình chuẩn bị của đội bóng đất Cảng thì sự đi xuống về thành tích là có thể hiểu. Lý do là bởi hồi anh Thành còn làm chủ tịch CLB, đội bóng nhận được sự đầu tư cực lớn về kinh phí. Lúc đó, nhiều cầu thủ giỏi, mức thưởng “khủng”, bóng đá Hải Phòng thăng hoa liên tục. Nhưng khi anh Thành rời ghế, sự chuyển giao chậm chạp, có lúc bị đình trệ. Hải Phòng mất đi nhiều cầu thủ giỏi, mức lương – thưởng xuống quá thấp. Có nhiều cầu thủ lại gần hết hợp đồng, tâm ý của họ cũng chông chênh chuyện đi - ở. Nói thế chứ đội bóng phải có bản sắc và tính địa phương cục bộ, nhưng giờ đội Hải Phòng ít cầu thủ người như Trọng Nghĩa lắm. Đội thua mãi, cầu thủ mất nhuệ khí, đội bóng lại có quá ít người làm chuyên môn hỗ trợ HLV Vương Tiến Dũng. Khâu giải quyết tâm lý cũng bất ổn, trong mức kinh phí bị bóp lại quá lớn, chính là nguyên nhân lớn nhất khiến đội bóng sa sút.
Theo chuyên gia Trần Văn Phúc, bức tranh tổng thể đã sáng hơn và có thể tự tin vào sự tiến bộ của bóng đá Việt Nam
* Thành tích của bóng đá Hải Phòng đang nhạt dần, CĐV Hải Phòng đang có dấu hiệu nguội lạnh trên khán đài. Ông có thể hiến kế gì giúp BLĐ đội tìm ra kế sách vẹn toàn không?
- Sự cổ vũ khán giả cũng có tính nhất thời. Khi đội thắng, HLV có thể tung hô như vị thánh. Nhưng khi đội thua, mà chưa chắc lỗi do anh Dũng, thì khán giả treo băngrôn đòi HLV nghỉ việc là lẽ thường. Nhà tôi cũng gần sân Lạch Tray, chuyện gì quanh đó tôi biết và nghe cả. Lên sân tôi cũng mạn đàm và góp ý đôi chút với lãnh đạo. Tiền có thể ít đi, nhưng sự quan tâm động viên với cầu thủ thì không thể ít. Nếu làm tư tưởng tốt, việc trụ hạng mùa này không khó. Còn nếu để tâm cầu thủ dao động, ai về làm Hải Phòng giờ cũng bó tay thôi.
* Còn sự sa sút của những đại gia như Ninh Bình hay Bình Dương, 2 đội bóng có lực lượng tốt và tiền nhiều, thì sao thưa ông?
- Bình Dương tôi làm vài năm, tôi thấy môi trường đó tốt và cầu thủ cũng ngoan đó chứ. Nhưng chẳng ai ổn định mãi cả, chuyện lên voi, xuống ngựa vốn đâu thiếu trong cuộc sống. Nhưng tôi nghĩ B.Bình Dương sẽ trở lại giai đoạn 2 thôi, không chừng họ đủ sức cạnh tranh vô địch lắm chứ. Còn Ninh Bình thì tôi ít biết hậu trường của đội bóng. Nhưng cách gạt HLV Văn Sỹ trước trận đấu thế là dại quá. Ai đời trảm tướng trước giờ ra trận thế. Nó làm mất mặt người làm thầy, cầu thủ thì nản. Không thua vỡ mặt mới là chuyện lạ. Mỗi đội có sự khủng hoảng do nguyên nhân riêng. Nhưng lãnh đạo Ninh Bình cứ “xử” HLV thế, họ đòi hỏi sự ổn định và thành công là vô lý quá.
* Còn sự trở lại của những đội bóng như SLNA, Thanh Hoá, SHB.ĐN, K.KH hay TĐCS.ĐT thời gian qua, ông có kiến giải gì?
- Đây đều là những trung tâm đào tạo bóng đá trẻ bài bản và có lớp lang quy củ. Nhưng mấy năm qua, nhiều trung tâm sa sút vì họ chưa cạnh tranh và phù hợp với bóng đá doanh nghiệp. Ngày trước, các đội bóng thuộc tập đoàn, doanh nghiệp có mức thưởng gấp vài lần các đội bóng còn mang nặng tính địa phương. Còn giờ, chế độ lương – thưởng, kinh phí, các đội bóng còn lại cũng gần tiệm cận với các đối thủ vốn lắm tiền, nhiều của. Trong khi ấy, họ lại có động lực từ nội tại, khi ổn định tâm lý, cuộc sống, sự trở lại của những địa phương có truyền thống cũng là lẽ bình thường, và thể hiện sự trở lại của họ sau vài năm bị lép vế trước các đội bóng nặng doanh nghiệp hóa trong mình. Về khía cạnh này, tôi đã thấy bóng dáng của bóng đá chuyên nghiệp.
* Còn V-League 2011, ông thấy điểm gì hài lòng nhất sau 14 vòng đấu đã qua?
- Giờ các đội đã chuyên nghiệp hơn, họ đá máu lửa, quyết liệt, chứ không nặng kiểu “bóng đá bàn trên bàn” như trước. Giờ ngoại binh tốt đã nhiều, nhiều anh còn là tuyển thủ QG đó chứ. Nói gì thì nói, 11 năm chuyên nghiệp, không “bổ” ngang thì “bổ” dọc chứ. Sự cạnh tranh và chuyên nghiệp đã có tiến bộ. Công tác trọng tài khá ổn, sai sót phải chấp nhận chứ không đổ tiệt lỗi cho giới cầm còi được. Nhìn thế để thấy, bức tranh tổng thể đã sáng hơn và có thể tự tin vào sự tiến bộ của bóng đá Việt Nam.
* Gần như chắc chắn HLV người Đức Falko Goetz sẽ làm HLV trưởng ĐTQG. Khó có thể đòi hỏi tân HLV này thích ứng nhanh với bóng đá Việt Nam, trong khi nhiệm vụ vô địch ngay SEA Games 26 đâu phải chuyện dễ. Ông có nghĩ vậy không?
- Theo tiểu sử của tân HLV người Đức, đây cũng là một HLV cứng cựa đấy. Nhưng để hiểu và sống được lâu dài ở Đông Nam Á, ông Goetz phải mất không dưới vài năm đâu. Mà nhiệm vụ trước mắt là HCV SEA Games tại Indonesia. Thành tích ấy không dễ làm đâu, bởi ông thầy này còn chưa rõ học trò mình là ai, lối đá các đối thủ ra sao. Làm HLV có nhiều năm kinh nghiệm như Calisto còn chưa dám khẳng định vô địch ngay, nói gì HLV Goetz vốn chỉ biết bóng đá Việt Nam qua vài cuốn tạp chí, tin tức Internet.
Bởi thế VFF cũng cần kiếm cho ông thầy này vài HLV có năng lực và kinh nghiệm như Mai Đức Chung, Phan Thanh Hùng. Mà mấy HLV trẻ như Hữu Thắng, Huỳnh Đức hay Anh Tuấn lên ĐT cũng tốt. Họ có năng lực, còn trẻ và giỏi tiếp thu. Có “quân sư” hỗ trợ biết cầu thủ này ra sao, đối thủ kia thế nào mới có thể giành chiến thắng được chứ. Còn bắt Goetz một mình cày ải và tự xây dựng đội bóng, có giỏi chuyên môn mấy, HLV này cũng chào thua mà thôi.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi và chúng ta sẽ còn gặp nhau dịp khác!
TTVH Online