Từ kiêu binh thành người hùng
B.BD dưới phần một của triều đại Đặng Trần Chỉnh, Anh Đức bị xem là kẻ chống đối số một. Hành động đá tung chai nước, gom đồ, rồi biến thẳng lên khán đài sân Chi Lăng sau khi bị thay ra ở hiệp 2 của trận đấu với SHB.ĐN ở vòng 1/8 AFC Cup 2010 bị xem là khó chấp nhận. “Hội đồng cầu thủ” B.BD cũng đã họp khẩn ngay trên sân, sau trận thua để khuyên những người như Anh Đức, Hoàng Vương… nên kiềm chế. HLV Đặng Trần Chỉnh khi ấy đã nhận lỗi về mình, khi rút Anh Đức (người chơi hay nhất kể từ đầu trận bên phía B.BD) ra sân, để thay vào một Elenildo vô hại. Nhưng, Đức “Eto’o” vẫn bị găm và dễ thấy là cũng kể từ đó, phong độ làm bàn của Anh Đức đi xuống rõ rệt.
Kết thúc lượt đi Eximbank V-League 2011, khi thông tin HLV Đặng Trần Chỉnh trở lại, cũng đã phong thanh khả năng Đức không ký tiếp hợp đồng (sẽ hết hạn vào cuối mùa). Đó là lý do mà Đức đã hội quân ở Phú Quốc muộn hơn 24 giờ so với đồng đội. Cuộc sống nay khác rồi. Ông Chỉnh trở lại, đội bóng có ngay chiến thắng hoành tráng và Đức được đề cao vai trò.
Cố sống qua “con trăng” này
Khi những Hữu Thắng, Vũ Phong, Quang Thanh và thậm chí cả Phùng Công Minh vẫn còn ở đó, Anh Đức (thêm cả anh bạn thân Chí Công) không có số. Đức hiểu điều đó, nên hoặc hợp tác, hoặc “out”. HLV Đặng Trần Chỉnh đã có “biên chế” Becamex, nên không phải bây giờ, thì thời điểm khác người ta vẫn có thể cất nhắc ông với vai trò thuyền trưởng B.BD, nếu cần. Trong khi, bản hợp đồng với cầu thủ luôn hữu hạn và thật chẳng ai muốn từ chối cơ hội kiếm tiền (thưởng), cũng như tăng giá trị bản thân trên sàn chuyển nhượng. Nói thẳng, nếu B.BD cứ bê bết thì những người bị thiệt đầu tiên phải là cầu thủ.
B.BD đã lại có sự khởi đầu ấn tượng cùng HLV Đặng Trần Chỉnh, nhưng không biết thời kỳ trăng mật sẽ kéo dài bao lâu. Ảnh: Quang Nhựt
Trong một chừng mực nào đó, người ta phải gác sang một bên những tị hiềm để vì cái chung. Ngay cả ngôi sao cỡ Lee Nguyễn cũng sẵn sàng ngồi trên khán đài chờ thời cho đến khi quyết định xin nhập tịch được Chủ tịch nước thông qua, trong khi phần còn lại đã cho thấy những dấu hiệu khá tích cực về thái độ tiếp cận trận đấu trong hôm đá với N.SG. Thầy trò HLV Đặng Trần Chỉnh đã làm tất cả cho chiến thắng (bao gồm cả tiểu xảo, nằm sân câu giờ…), bởi 3 điểm cho B.BD vào thời điểm này là cần hơn bao giờ hết, để sau đó, một cuộc cách mạng triệt để sẽ bắt đầu khi Eximbank V-League 2011 kết thúc. Giờ mới là thời kỳ quá độ.
Sau lượt đi đáng thất vọng, lãnh đạo B.BD, mà cụ thể là GĐĐH Trần Văn Đường, đã khẳng định, đội bóng sẽ không đặt nặng tham vọng vô địch ở mùa giải này nữa. Thông điệp không thể tốt hơn với Đặng Trần Chỉnh. Ông Chỉnh cứ làm đi, và mọi chuyện đều được đảm bảo.
Viễn cảnh vườn không nhà trống?
Không phải đến bây giờ, những thông tin về cuộc chiêu binh mãi mã của N.SG với đối tượng là dải thiên hà “Chelsea VN” – cầu thủ ngôi sao B.BD mới hé lộ. Ngay từ đầu mùa giải, người của N.SG đã đặt vấn đề với những Vũ Phong, Quang Thanh, Philani và cả Minh Chuyên, người mới về Thủ Dầu Một một năm trước đó, với TIỀN (phí chuyển nhượng, lương – thưởng) không phải nghĩ. Nhưng, vì những ràng buộc trong bản hợp đồng cũ, hoặc nữa là cái tình, các cái tên kể trên khất lần, hẹn một dịp khác thuận lợi hơn. Đó là lý do mà N.SG chỉ săn được cầu thủ loại 2 sắp hết “đát” của B.BD như Trường Giang, Hoàng Vương và Văn Hải (sau này thêm Thế Anh).
Lúc thuận lợi, người ta thường không muốn nhắc đến những bất cập. B.BD vừa tìm được biểu hiện của sự khởi sắc và những thông tin bất lợi được tung ra sẽ bị xem là phá hoại. Nhưng, sự thật là cả Quang Thanh, Vũ Phong đều muốn gia nhập “thiếu gia” Sài thành, N.SG. Ngay cả Philani cũng bỏ ngỏ cơ hội “lên tỉnh”, với chế độ đãi ngộ thuộc hàng đỉnh của đỉnh, nếu về N.SG. Nếu quyết liệt hơn chút nữa, Philani có thể đã là người của N.SG ở lượt về Eximbank V-League 2011. Việc N.SG bỏ Almeida và Fabiano Giovanini để lấy 2 cái tên ngoại binh cho giai đoạn 2 chỉ là giải pháp tạm thời. Mục tiêu của họ phải là hàng hiệu từ B.BD để gia cố tham vọng vô địch.
Lãnh đạo B.BD khẳng định muốn làm bóng đá một cách chuyên nghiệp, bài bản. Đó là lý do họ không đi đêm, không chèo kéo người của đối thủ, cũng không thỏa hiệp với những người nuôi ý định đào thoát. Nhưng, cơ chế bóng đá chuyên nghiệp vốn đã thoáng hơn nhiều rồi. Mạnh vì gạo, bạo vì tiền và nếu việc giữ chân cầu thủ không phải là vấn đề đáng để lưu tâm, B.BD sẽ phải đối diện với viễn cảnh vườn không nhà trống, chứ không đùa!
TTVH Online