Ngày mới về làm dâu, trong gia đình ai cũng lạnh nhạt và có phần dè dặt với Thương vì cô là con dâu tỉnh lẻ. Thế nhưng, chị dâu của Thương lại tỏ rất quan tâm và chia sẻ với Thương. Những hành động ban đầu của Liên (chị dâu Thương) khiến cô vô cùng cảm kích và yên tâm hơn.
Nhưng càng sống trong ngôi nhà này lâu, Thương mới hiểu rằng, thực ra bà chị dâu của mình chẳng hề tốt như cô đã nghĩ. Và chính chị dâu là người hai mặt, khiến cả Thương và mẹ chồng không thể nào hòa hợp được với nhau.
Có lần, vì ấm ức với thái độ của mẹ chồng, Thương ngồi khóc một mình thì chị dâu từ đâu vào phòng cô và bắt đầu tâm sự: “Em quan tâm đến lời nói của bà ấy làm gì. Càng già càng lẩm cẩm. Ngày trước chị mới về cũng vậy thôi. Bà ta có coi chị ra cái gì đâu. Nhưng dần dần thấy chị hay mua quần áo, quà cáp cho là sáng mắt ra ngay. Chiều nay chị dẫn em đi mua cho bà một cái áo. Thế nào bà cũng thích mà hết bực bội với em. Cứ từ từ rồi bà quý ngay ấy mà”.
Nghe lời chị dâu nên Thương đã đi mua cho mẹ chồng một cái áo rất đẹp, gần nửa triệu bạc. Về nhà cô tươi tỉnh khoe và bảo mẹ mặc thử. Thương không ngờ, bà cầm luôn cái áo cô vừa mua về ném ngay vào mặt cô và quát: “Cô coi tôi là hạng người nào hả. Cái ngữ như cô muốn đi mua áo cho tôi chắc cũng lại lấy tiền của thằng Hoàng nhà tôi chứ đứa nhà quê như cô thì lấy tiền ở đâu mà mua. Cô cũng coi thường tôi vừa thôi. Cái nhà này không có kiểu con dâu lại tìm cách đút lót mẹ chồng để trốn làm việc nhà nhé…”. Bà mẹ chồng còn nói nhiều, nhiều nữa. Nhưng trong lúc đó, đầu óc Thương quay cuồng, cô cảm thấy mình đứng không vững. Nước mắt cứ thế chảy ra. Có lẽ vì nhìn thấy Thương như vậy nên mẹ chồng cũng thương tình tha cho mà dừng cuộc đay nghiến lại.
Còn rất nhiều chuyện sau đó khiến Thương càng trở nên hoảng loạn và mệt mỏi khi sống ở nhà chồng. Nhiều khi muốn tâm sự với chồng nhưng anh lại luôn bận rộn với việc công ty. Cô cũng không muốn chồng mình phải buồn và lo nghĩ thêm vì mình nữa. Vậy là, hằng ngày Thương vẫn cắn răng chịu đựng sự xa lánh của mọi người mà không hề kêu ca, mặc dù trong lòng luôn thắc mắc không hiểu tại sao mẹ chồng vốn được coi là một người rất biết cư xử và luôn nhẹ nhàng với những người xung quanh nhưng lại có thái độ ác cảm vô cùng với Thương.
Một hôm Thương xin phép ra ngoài gặp bạn cũ, nhưng lại về sớm hơn so với dự định. Vừa định vào chào mẹ và chị dâu đang chuẩn bị cơm tối trong bếp thì Thương sững người khi nghe tiếng chị dâu ngọt ngào nói chuyện với mẹ chồng về cô chứ không phải ai khác:“Cái Thương ngày nào cũng gọi điện cho mẹ nó ở quê kể này kể nọ. Rồi có hôm con nghe thấy thì cô ấy lại chống chế, tại em buồn quá.
Mẹ thấy đấy, con đã cố gắng dạy bảo từng ly từng tý một vậy mà nó có chịu tiếp thu gì đâu. Làm việc gì cũng không biết, vì chẳng bao giờ chủ tâm để cố gắng cả. Sống ở quê mà tính cứ như tiểu thư vậy thì ai mà chịu nổi. Đấy là được làm con dâu mẹ chứ mà vào nhà khác thì người ta đuổi đi lâu rồi”.
Tiếng mẹ chồng cô nói:“Thực ra mẹ thấy nó cũng có nhiều đức tính tốt. Cứ tưởng nó cũng là đứa ngoan ngoãn, tử tế không ngờ đằng sau lưng nó lại xấu xa đến thế. Phải nghe con nói mẹ mới biết đấy”.
Thương không tin nổi những lời nói ác ý về cô lại do chính người chị dâu mà cô cứ nghĩ vô cùng thông cảm và thương xót cô nói ra. Lúc này đây, cô lờ mờ nhận ra một điều rằng chính chị dâu là người luôn tìm mọi cách để chia rẽ cô với mẹ chồng cũng như là những thành viên trong gia đình này. Chị không những giả vờ ngọt nhạt với Thương để tìm kiếm thông tin về Thương mà còn trắng trợn đặt điều về Thương. “Chị ta coi mình chẳng ra gì, vậy mà mình cứ nghĩ chị ta tử tế lắm” Thương ngậm ngùi nghĩ.
Cho đến lúc này, Thương mới thực sự tin rằng mình đã quá ngây thơ và cần phải trưởng thành hơn nữa, để đối phó với sự tàn nhận của người chị dâu ấy.
PLXH