Về làm dâu đã lâu rồi, cô không những không quen được với kiểu nhiều chuyện của bố mẹ chồng mà ngược lại càng ngày cô càng cảm thấy khó chịu.
Hồi còn yêu nhau, khi mới đến chơi cô đã phải ngồi cả buổi chiều để nghe mẹ chồng tương lai nói chuyện về bà từ ngày xửa ngày xưa. Chuyện mình rồi đến chuyện người. Hàng xóm trong khu phố bà nắm lai lịch rõ như lòng bàn tay. Ban đầu cô cũng chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng hỏi lại vài câu ra vẻ quan tâm. nhưng càng ngày cô càng chán. Bởi mỗi lần ghé thăm nhà là bà lại mang chuyện trên trời, dưới biển, bình phẩm, đánh giá thế này thế kia. Chung quy cứ ai bị bà nắm được điểm xấu gì thì coi như cả đời đừng mong gột nổi điều tiếng vì bà “nổ” thôi rồi. Điều khéo léo hơn là không chỉ mẹ chồng mà bố chồng cũng chẳng chịu kém tiếng nào. Cứ bữa ăn cơm là hai ông bà lại ngồi bàn chuyện. Từ chuyện nhà đến chuyện ngõ. Từ chuyện con dâu con rể nhà mình đến chuyện con dâu con rể “thiên hạ”.
Có lần, nhà hàng xóm cùng ngõ cưới vợ cho con trai. Ông được mời đến dự. Vậy là vừa về đến nhà nhìn thấy con dâu và vợ, ông ngồi luôn đấy, chẳng kịp uống nước mà nói một bài dài như đã được học thuộc lòng sẵn vậy: “Gớm đám cưới hôm nay sang lắm bà ạ. Nhưng mà cô con dâu thì xấu quá. Trông vừa béo vừa chậm. Người cứ bí rì rì ra. Đến khổ”, “Đám cưới mà cứ khóc thút tha thút thít. Dỗ kiểu gì cũng không được. Chả ra làm sao…”. Được thế, mẹ chồng lại phụ họa thêm: “Tôi nói thật, con dâu mà vậy tôi không bao giờ cưới. Con gái giờ thiếu gì mà phải lấy cái đứa chả ra gì ấy”. Rồi từ chuyện đám cưới sang, cô dâu khóc, ông bà vòng vèo, lèo lái kiểu gì mà ra phê phán đúng cô con dâu nhà mình mới yên. Quỳnh nghe vậy cũng cảm thấy khó chịu, nhưng không nói gì, chỉ tìm cách xin phép lên phòng.
Chuyện của Quỳnh còn chưa khó chịu bằng Liên, Đống Đa - Hà Nội. Cô tâm sự: “Bố mẹ chồng tôi đúng là tọc mạch không chịu được! Tôi đang kể chuyện cho chồng nghe việc anh trai hẹn hò với một cô gái sinh năm 92. Đang thủ thỉ thù thì với chồng thì mẹ chồng đẩy cửa phòng, xông vào. Vẻ mặt bà hớt hải: "Nó 81 mà lại đi yêu một đứa 92 là không hợp một tý nào. Lại còn tính chuyện cưới xin nữa là không được”.
Chưa xong ngay lúc đó, bà còn gọi Liên xuống để nói chuyện riêng: “Con là em thì phải khuyên bảo anh con nhiều vào. Nhất quyết không được cho nó lấy cái đứa 92 này đâu. Lấy xong là khổ lắm. Ông bà bên ấy nghĩ ngợi kiểu gì mà lại đồng ý thế không biết!”. Liên nghe thấy vậy thì khó chịu ra mặt, nhưng cũng không dám cãi mẹ chồng mà chỉ thầm nghĩ: “Chuyện riêng của nhà mình mà sao mẹ chồng lại can thiệp nhiều quá để làm gì”. Nới với con dâu chưa đủ, hai ông bà còn bàn nhau phải gọi điện về cho bên thông gia. Đang hì hụi nấu cơm trong bếp, Liên nghe thấy bố chồng giọng hào sảng: “Tôi nghe nói ông bà sắp làm đám cưới cho cậu Thành. Nó định lấy con bé đấy à? Tôi nói thật là bà đừng để cho hai đứa lấy nhau. Về là cậu Thành cũng khổ mà ông bà cũng khổ lây vì có cô con dâu như thế đấy…”. Cả tiếng đồng hồ, ông cứ khư khư, giữ rịt lấy cái điện thoại để nói cho “hết nhẽ”. Liên tâm sự: “Không biết hôm đó mẹ đẻ tôi đã nói gì với bố chồng nhưng tôi thấy lúc ông đang nói hăng thì tiu nghỉu cúp máy rồi đi vào giường đi nằm luôn. Chẳng nói năng gì nữa. Từ hôm đó tôi cũng thấy bố mẹ chồng đỡ bàn tán chuyện nhà mình. Và cũng đỡ cái bệnh quan tâm thái quá đến chuyện nhà tôi như trước đây”.
Liên thở phào: “Đấy là may mắn lắm. Cứ ở kiểu lúc nào cũng bị đưa ra làm câu chuyện bàn đi bàn lại, tôi mệt lắm. Mà lạ thật chuyện nhà ông bà, ông bà chả lo. Toàn đi lo những chuyện đâu đâu”.
PLXH