Trong diễn văn nhận giải Nobel văn học 1982, Gabriel Garcia Marquez nói: “Mỗi nhà văn dành cả cuộc đời chỉ để viết một cuốn tiểu thuyết và cuốn tiểu thuyết của đời tôi viết về sự cô đơn”.
“Sự cô đơn” luôn là nỗi ám ảnh xuyên suốt các tác phẩm của Marquez. Từ “Trăm năm cô đơn”, “Tình yêu thời thổ tả”… tới “Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi”, ở bất kỳ đâu cũng dễ dàng tìm thấy những kiếp người buồn bã, cô đơn, lẻ bóng.
“Không Cesc, không Arsenal” - Mundo Deportivo.
Arsene Wenger cũng là một người đàn ông cô đơn như vậy. Cuộc đời ông, với 16 năm dẫn dắt Arsenal, đã tự viết lên một cuốn tiểu thuyết về sự cô đơn đến tận cùng.
Arsenal thất thủ 2-8 trước tử địch MU còn Wenger ngồi câm lặng trên ghế chỉ đạo ở Old Trafford. Không có các trợ lý Pat Rice, Boro Primorac ngồi kề bên, nỗi cô đơn của ‘Giáo sư’ tưởng như có thể đong đếm. Sau mỗi bàn thua, những nếp nhăn trên khuôn mặt khắc khổ ấy lại càng dày thêm.
Giá như có Fabregas ở Old Trafford, Arsenal đã không đánh hỏng một quả penalty sau cú sút quá hiền của Van Persie và các Pháo thủ trẻ cũng sẽ không chạy loạn vì mất phương hướng. Nếu có Nasri, hàng tiền vệ của đội bóng London sẽ không dễ dàng để Anderson và Tom Cleverley tung hoành ngang ngược, bẻ gãy hoàn toàn sự kết dính với những trọng pháo ở tuyến trên. Và nếu có Clichy, Wenger sẽ không phải dùng đến Armand Traore - hậu vệ được bình luận viên nổi tiếng Tony Cascarino ví von như một “Holocaust” (kẻ tàn sát hàng loạt).
Armand Traore quá kém dù đã có tới 6 năm ‘ăn cơm’ của Arsenal. Đẳng cấp của Carl Jenkinson khó có thể cao hơn cái giá 1 triệu bảng của anh. Johan Djourou không thích hợp với một trận đấu lớn. Francis Coquelin, Henri Lansbury và Alex Oxlade-Chamberlain cần thêm thời gian để trưởng thành. Còn Tomas Rosicky và Andrei Arshavin dường như đã không còn giá trị sử dụng…
Những chú nhóc chưa kịp lớn, trong khi những trụ cột như Arshavin (sau) lại đi tụt lùi.
Nhìn sang bên kia chiến tuyến, những chàng trai tuổi đôi mươi Phil Jones, Chris Smalling lại chơi chững chạc cứ như thể đã có 5 - 7 năm đá chính ở giải Ngoại hạng Anh. Jones vài năm nữa sẽ đá hay hơn cả Ferdinand thời đỉnh cao, trong khi Smalling tái hiện hình ảnh của Gary Neville với những pha lên công về thủ. Nếu Wenger đừng chi li một vài triệu bảng, biết đâu Arsenal đã có được hai tài năng sáng giá ấy. Cũng giống như năm xưa, Wenger cũng đã để vuột mất Cristiano Ronaldo vào tay Sir Alex khi anh này còn là một cầu thủ măng sữa ở Sporting Lisbon.
Wenger thường xuyên đụng độ Ferguson trên thị trường chuyển nhượng nhưng lần hiếm hoi Wenger thắng được chỉ là thương vụ Aaron Ramsey, người đã chơi rất nhạt ở Old Trafford đêm qua.
Không một ai trên thế giới này làm bóng đá giống như Arsene Wenger, xây dựng một đội bóng với ngân quỹ chuyển nhượng chỉ khoảng 10 triệu bảng mỗi năm nhưng luôn hướng đến phong cách chơi bóng đẹp mắt cùng những danh hiệu cao quý nhất. Từ những chiêm nghiệm về phong cách chơi bóng trong một quán rượu, Wenger sáng tạo ra một lối đá riêng trong những năm tháng ở Nancy, Monaco và phát triển thành một trường phái ở Arsenal.
Wenger luôn cô độc trong thế giới của riêng mình.
Wenger tưởng như đã có lúc chạm vào đỉnh thế giới với mùa giải bất bại phi thường 2003-04, Henry, Pires, Bergy, Vieira… tạo thành một cỗ máy chiến thắng. Ngay cả Man United thời đỉnh cao cũng không có được lối chơi bóng hào hoa, duy mỹ ấy. Nhưng, thật trùng hợp, đó cũng là mùa giải cuối cùng Arsenal có được một danh hiệu lớn. Từng tháng từng năm, những chiếc cúp cứ dần từ bỏ họ và những ngôi sao như đàn chim thiên di lũ lượt kéo nhau đi.
Thời gian có thể tàn phá những kỳ quan kỳ vĩ nhất của tạo hóa. Thời gian cộng với lòng kiên định mù quáng cũng có thể tàn phá cả một đời người.
Arsene Wenger - Người đàn ông cô độc không vướng bụi trần, giống như là Le Penseur của Rodin.
GDVN