Chương trình sẽ diễn ra trong 45 phút với sự tham gia của 200 người mẫu, hoa hậu trên một sân khấu thời trang có sàn catwalk dài nhất Việt Nam từ trước tới nay.
- Lễ hội áo dài ba miền là một điểm nhấn của Đại lễ, anh sẽ tô điểm cho chương trình này như thế nào?
- Chủ đề của bộ sưu tập (BST) là Đất rồng thiêng gồm 500 bộ, trong đó hội tụ đầy đủ bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông với nhiều chất liệu khác nhau. Điều đặc biệt của BST này, đó là sẽ có 100 bộ lấy ý tưởng từ tấm áo tứ thân, mớ ba mớ bảy của quan họ Bắc Ninh tạo nên một cái gì đó vừa lạ vừa quen, còn lại là bằng nhung the đỏ, đen theo đúng phong cách của ca trù. Ngoài ra, với ý nghĩa mừng Đại lễ nên tôi đã đưa chất lễ hội vào nhiều hơn bằng những gam màu mạnh.
Nhà thiết kế Đức Hùng
- Ý tưởng của Đất rồng thiêng xuất phát từ đâu, thưa anh?
- Khi làm Đất rồng thiêng, tôi làm theo tình yêu với Hà Nội. Tháng 9/2009, tôi được mời đi Nhật Bản biểu diễn và bộ áo dài của tôi đã được các bạn Nhật Bản và bạn bè quốc tế đón nhận. Không những thế, họ còn rất quan tâm đến Đại lễ 1.000 năm. Khi có điều kiện đi nhiều nơi trên thế giới tôi mới thấy tà áo dài Việt quả thực rất đẹp và ý nghĩa. Càng thiết kế, tôi càng cảm thấy say sưa và dành thời gian, cảm xúc cho nó nhiều hơn. Tôi gửi gắm vào tà áo dài bằng tất cả tình yêu của mình.
- Con số 1000 gắn với rất nhiều sự kiện, tại sao BST của anh không phải là 1.000 bộ mà chỉ có 500 bộ?
- Tôi có quan niệm khác. Nghệ thuật là gì? Tôi không thích nghệ thuật phải gánh một trọng trách quá lớn. Đừng bắt tác một tác phẩm nghệ thuật gánh trên mình tính nhân văn, tính sự kiện. Với tôi, nghệ thuật là cái gì đó rất đời và rất tự nhiên.
- Là một Nhà thiết kế Hà Nội, anh sẽ thể hiện tà áo dài ba miền như thế nào?
- Để thể hiện bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, tôi đã sử dụng chất liệu và màu sắc của từng mùa rất rõ ràng. Ví dụ như mùa xuân thì dùng gấm, mùa hè dùng tơ tằm, mùa thu là voan, mùa đông là nhung the. Đặc biệt, 500 bộ áo dài sẽ mang màu sắc lễ hội của văn hóa ba miền: miền Bắc màu hồng đào (hoa đào ngày tết), miền Nam (hoa mai), miền Trung là tím Huế.
Lê Khanh trong trang phục của NTK Đức Hùng.
Điều làm tôi hài lòng nhất là chất liệu cho 500 tà áo dài này hoàn toàn là chất liệu của Việt Nam. Tôi muốn 500 tà áo dài này đúng thực là những áo dài Việt, mang đậm hồn Việt và hơi thở 1.000 năm Thăng Long.
- Cảm xúc của anh khi được chọn là NTK tham gia chương trình đặc biệt này?
- Tôi rất vinh dự và tự hào. Nhất là sau đêm khai hội 1/10, BST của tôi sẽ tiếp tục tham gia chương trình mang tên Thăng Long thành phố Rồng bay tai sân vận động Mỹ Đình vào ngày 10/10. Tại đêm hội này, tất cả người Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng và các bạn bè quốc tế sẽ được chứng kiến thời khắc giao điểm khi Hà Nội yêu dấu của chúng ta, trái tim của cả nước tròn 1.000 tuổi.
Sân khấu của Lễ hội áo dài ba miền sẽ được bố trí từ đền Ngọc Sơn qua cầu Thê Húc ra tới đường Đinh Tiên Hoàng. Hai bên đường diễn có trang trí bằng nghệ thuật sắp đặt là những chiếc nón lá. Không gian bao quanh lễ hộ là hình ảnh trẻ đồng dao chạy nhảy, vui chơi. Các gánh hàng rong bán hoa và hương. Một số xe kéo tay chờ các bà, các mợ trong trang phục áo dài cổ đi lễ dừng lại mua hoa, hương vào lễ đền… Bên cạnh đó là những hoạt động truyền thống như: Thầy Đồ viết chữ, nặn tò he… Màn trình diễn thời trang sẽ được hỗ trợ ánh sáng, pháo bông nghệ thuật… |
Đất Việt