Dù Hiệp hội Dệt May, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã nỗ lực thực hiện những tuần thời trang hơn 10 năm nay, song phong cách thời trang Việt vẫn chưa định hình. Nhà thiết kế Minh Hạnh đã chia sẻ với chúng tôi bên thềm Tuần lễ thời trang Thu đông vừa diễn ra tại Hà Nội.
+ Thưa NTK Minh Hạnh, chúng ta đã thực hiện được khá nhiều tuần lễ thời trang, song dường như dấu ấn của các tuần lễ này chưa thực sự có ảnh hưởng đến đời sống thời trang? Có cảm giác, các thiết kế của chúng ta vẫn còn hao hao giống các nước khác?
- Những tuần lễ thời trang cho người tiêu dùng cảm xúc trước từng mùa. Thường thường, tuần thời trang phải được tổ chức trước mỗi mùa 6 tháng. Các quốc gia có ngành thời trang mang tính chuyên nghiệp đều thế nhưng Việt Nam thường chậm hơn thế giới 1- 2 tháng. Điều đó cũng thể hiện mình phát triển chậm hơn họ. Ở Pháp, người ta còn dự đoán trước xu hướng thời trang mặc như thế nào, hình khối ra sao khoảng hai năm. Khuynh hướng đó cũng có ảnh hưởng đến Việt Nam và bắt buộc nhà thiết kế đưa vào nhưng chúng ta phải sàng lọc ra cái gì người Việt Nam cần. Giờ người Việt Nam đa số là đi xe gắn máy, nên phải thiết kế một bộ váy phải làm sao cho phù hợp. Đời sống quyết định cho các mẫu mã thuyết phục được người tiêu dùng, như vậy thì họ mới mua. Như vậy, mỗi năm có hai luồng gió mới là Xuân hạ và Thu đông, giúp cho người tiêu dùng có thông tin, nhận dạng được phong cách hiện nay của thế giới về chất liệu, màu sắc.
NTK Minh Hạnh: “Phong cách là sự văn minh
chứ không phải chuyện đẹp xấu”
Sự ảnh hưởng của thế giới là điều đương nhiên. Các chất liệu, màu sắc, hình khối cũng phải đi cùng xu hướng thế giới. Đó là điều bắt buộc trong thời trang.
+ Có ý kiến cho rằng, không thể mặc những sản phẩm thời trang được trình diễn. Chị có đồng tình với ý kiến này?
- Hầu như những bộ mẫu trong tuần lễ thời trang được bán rất nhanh với giá đắt bởi nó là sản phẩm độc nhất vô nhị. Điều đó cũng chứng minh tính ứng dụng của các mẫu thiết kế được trình diễn.
Những bộ sưu tập của tuần lễ bán hết, bán nhanh tuy nhiên thị phần còn ít. Nhiều nhà thiết kế quá chăm sóc phụ nữ mà bỏ quên thị trường dành cho nam. Và sự thuyết phục của các nhà thiết kế còn quá ít so với nhu cầu người dân. Một số nhà thiết kế hiện nay đã chiếm lĩnh thị trường, tuy nhiên vấn đề tổ chức sản xuất, chất liệu, đánh giá, chọn lựa thị phần thì các nhà thiết kế chưa có khả năng làm được. Họ chỉ mới có ý tưởng, mới sản xuất nên cung cho nhu cầu còn quá ít. Rõ ràng không đặt ra tính ứng dụng hay không vì nó ứng dụng rồi. Chỉ có điều, cần một sự phát triển mạnh hơn.
+ Ngành may mặc Việt Nam đã xác định lấy nội địa làm trọng tâm phát triển tuy nhiên, chúng ta vẫn đang bỏ quên thị trường nông thôn và người bình dân?
- Không phải bỏ quên nhưng xét về quy luật phát triển thì sản phẩm có thiết kế luôn luôn có giá trị hơn sản phẩm không thiết kế, như vậy đặt ra ở đây không phải thị trường nông thôn hay thị trường nào mà là khâu phân phối, định dạng. Thường thường họ phải có chính sách cho vùng nông thôn, mà thực tế người nông thôn không có nhu cầu dùng đồ thiết kế, họ chỉ cần áo phông, quần sọc... Đúng là hiện nay, người bình dân, người nông thôn vẫn dùng hàng Trung Quốc, chúng ta chưa chiếm lĩnh được ngay ở sân nhà. Ở đây, vấn đề là cung và cầu phải gặp nhau, làm sao để hàng hoá phải đi len lỏi vào ngõ ngách của thị trường thì mới là thành công. Năm nay, ngành dệt may đã xác định thị trường nội địa là vấn đề cốt lõi. Chúng ta có hơn 80 triệu dân, ai cũng tính được nếu một ngày bán ra khoảng vài chục triệu sản phẩm dệt may là lớn như thế nào nếu chúng ta chiếm lĩnh được thị trường nội địa. Rõ ràng để đi tìm giải pháp đưa sản phẩm dệt may Việt Nam đến với đại bộ phận người dân là khó. Nhưng cũng đòi hỏi các nhà quản lý có các giải pháp, bởi thị trường nội địa chính là căn bản để phát triển ngành nghề.
+ Chị từng nói người Việt Nam ăn mặc chưa có phong cách. Theo chị, nguyên nhân do đâu?
- Đúng. Phong cách là sự văn minh chứ không phải là chuyện đẹp xấu. Văn minh thì không phải một ngày, một năm là có được mà cần thời gian dài. Cốt lõi mà chúng ta cần là vấn đề về văn hoá ăn mặc.
Các nhà thiết kế Việt Nam vẫn bỏ quên thời trang Nam giới
+ Được biết tới đây, nguyên Lãnh sự Pháp tại Việt Nam sẽ tổ chức một tuần thời trang Việt Nam tại Pháp. Điều này chứng tỏ, thế giới cũng rất quan tâm đến trang phục của Việt Nam?
- Tuần thời trang này được gọi là Festival thời trang áo dài. Đây là lần đầu tiên, chúng ta được người Pháp tổ chức cho chứ không phải là chúng ta tổ chức tại Pháp. Ông bà Gerald Boivineau- Nguyên lãnh sự Pháp tại TP Hồ Chí Minh với thiện ý và tình yêu đối với áo dài Việt Nam đã có sáng kiến này. Ngoài một số chương trình âm nhạc Việt Nam, triển lãm ảnh… thì Festival áo dài sẽ góp phần giúp người dân Pháp cảm nhận được văn hoá Việt Nam.
Lần này, chúng ta sẽ “biểu dương lực lượng” thiết kế áo dài với 120 mẫu phù hợp với mọi lứa tuổi. Ba nhà thiết kế đại diện cho 3 thế hệ, của NTK Trọng Nguyên là đại diện cho áo dài của giới trẻ, của NTK Việt Liên là thế hệ trung niên, còn tôi là thế hệ già. Đây cũng là thông điệp thể hiện rằng, áo dài luôn luôn là cảm xúc được các thế hệ nối tiếp nhau sáng tạo.
+ Gần đây, Bộ VHTTDL đang lấy ý kiến về quốc phục? Với tư cách là nhà thiết kế chị có góp ý gì cho vấn đề này không?
- Có Quốc phục là cần thiết. Tuy nhiên, điều này cũng rất khó. Cần sự tham gia của nhiều ngành nghề, từ khoa học, lịch sử tới văn hóa chứ không chỉ là nhà thiết kế như tôi.
+ Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện!
Toquoc