Tôi lấy vợ năm 32 tuổi, khi ấy tôi đã qua một ‘chuyến đò’ và có một cô con gái học mẫu giáo. Sau một cuộc tình tan vỡ, tôi chưa lấy lại được thăng bằng và dường như lần kết hôn thứ hai chỉ là khỏa lấp đi chỗ trống, cũng như tìm cho con gái tôi một người chăm sóc. Bởi người vợ đầu đã bỏ lại đứa con gái bé bỏng và đi đến đất nước Nga xa xôi với ước vọng giàu sang của riêng cô ấy.
Tôi lấy em, người vợ thứ hai, năm em 29 tuổi. Ở vùng quê này, lứa tuổi ấy người trong làng đã gọi là ‘gái ế’. Có lẽ vì thế mà em đồng ý lấy tôi rất dễ dàng. Đám cưới của tôi diễn ra đơn giản, cũng có thể gọi là bữa cơm đơn sơ của hai gia đình cũng được. Không lễ ăn hỏi, không rình rang nhạc nhẽo. Chỉ đơn giản vài mâm cơm và tờ giấy đăng kí kết hôn. Với một cán bộ thuế của huyện như tôi, chưa bao giờ tôi nghĩ mình lại có ngày cưới ‘nhạt nhẽo’ đến thế. Một phần của sự đơn giản ấy là vì tôi ngại phải giới thiệu em với mọi người, bởi tôi không muốn nghe tiếng xì xèo “vợ xấu thế”. Mỗi lần nhìn em, tôi lại nhớ đến dáng người thon thả, làn da trắng hồng, cái mũi cao và đôi môi xinh xinh của vợ cũ. Tôi biết mình không yêu em, chỉ đơn giản tôi cần em như cần một cánh tay đỡ đần việc nhà cửa và đêm nằm cần một 'cái gối'.
Tôi từng không dám đưa vợ đi gặp bất kì ai vì em quá xấu (Ảnh minh họa).
Em còn chưa chạm ngõ tuổi 30, nhưng dường như ánh nắng gay gắt của miền quê, cái lấm lem bùn đất của đồng ruộng khiến em già hơn tuổi rất nhiều. Có lần cầm vào đôi tay vợ, tôi giật mình vì nứt nẻ và thô ráp. Đêm nằm ôm em mà vòng bụng nhão như người đã chửa đẻ nhiều lần khiến tôi khá chạnh lòng. Rồi cuộc sống cứ diễn ra, đã hai cái tết trôi qua mà tôi chẳng một lần đưa em đi giới thiệu với bất kì nhà bạn bè, đồng nghiệp nào.
Thế rồi, bất ngờ mẹ tôi bị đột quỵ, bà liệt nửa người và nằm đâu nằm đấy. Tôi là con thứ nhưng vẫn đón mẹ về nhà nuôi vì anh cả của tôi đang ở tận Tây Nguyên. Thương mẹ, thương mình…cuộc sống dường như cứ đầy rẫy những khó khăn chồng chất. Hàng ngày vợ tôi phải xúc cơm cho mẹ 3 bữa, đổ chậu 2 lần và cứ cách ngày lại tắm giặt, gội đầu cho bà. Em vẫn chăm sóc con gái tôi chu đáo, từ việc thay quần áo cho cháu, nấu ăn, dạy cháu học, đưa đón cháu đến lớp ngày 4 lần, vừa chăm lo việc đồng áng. Tôi bắt đầu thấy thương vợ hơn, giờ em đã 32 tuổi nhưng tôi vẫn chưa có ý định sinh với em một đứa con. Em ở nhà tôi, làm vợ tôi nhưng lại không nhận được nhiều tình cảm từ người mà em gọi là chồng. Thế mà em vẫn hết lòng vun vén cho gia đình bé nhỏ này…
Dù em không đẹp để xứng với tôi như những hình ảnh tôi thường nghĩ ra
về một cặp vợ chồng hạnh phúc, nhưng tôi bắt đầu thấy thương yêu
em nhiều hơn (Ảnh minh hoa).
Cho đến một ngày, khi tôi đi làm về, tôi thấy mẹ đang ngồi ở ghế trong sân nhà, em đứng sau vừa chải tóc cho mẹ, vừa nói chuyện rôm rả. Ánh nắng chiếu nhẹ sau lưng em, bỗng dưng thấy em đẹp mềm mại quá. Rồi em cười, nụ cười ấy hình như từ ngày lấy tôi, em chưa có. Tôi không biết rằng, khi cười em lại đẹp thế. Như có luồng điện chạy từ đầu đến chân mình, tim tôi run lên, cảm giác ấy giống hệt lần đầu tiên cầm tay bạn gái. Hóa ra vợ tôi cũng đẹp mà tôi không hề biết.
Giờ thì tôi đã hiểu câu nói: “Vẻ đẹp của người phụ nữ không phải từ đôi má hồng mà từ ánh mắt của kẻ si tình”. Có lẽ, người đàn ông trong tôi đã rung cảm trước em, nên hình bóng em cũng trở nên quyến rũ, đẹp đẽ hơn.
Tôi từng xấu hổ vì lấy vợ xấu, giờ thì tôi thấy xấu hổ cho chính bản thân mình. Có lẽ tôi sẽ bù đắp cho em nhiều hơn nữa, những gì em đã vì tôi mà hi sinh. Và tôi biết mình yêu em rồi, từ khi thấy em cười, đẹp vẹn nguyên trong nắng.
Trên đây là tâm sự của một người chồng gửi đến vợ mình nằm trong khuôn khổ cuộc thi “Hành trình tìm kiếm sắc đẹp không tuổi”. Tuy là một bài dự thi không đúng qui định, nhưng đây chính là một trong những tâm sự rung động nhất khi nói về vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Theo Eva.vn