Tôi không nghĩ là một ngày nào đó những suy nghĩ về việc ly dị lại thường xuyên hiện hữu trong đầu tôi đến vậy. Vợ tôi là người cũng khá biết điều, cô ấy cũng giỏi đối nội đối ngoại. Nói chung, có vợ tôi thì tôi hầu như không phải lo bất cứ việc gì trong nhà mà yên tâm ra ngoài xã hội kiếm tiền. Tôi làm nhân viên kinh doanh của một hãng dược phẩm, nói chung về lương cộng với doanh số khá cao, đủ để nuôi cả gia đình. Còn vợ tôi ở nhà có một cửa hàng rau nhỏ, lợi nhuận hằng ngày chả đáng là bao nhiêu. Mỗi buổi sáng tôi quần là áo lượt xách cặp đi làm thì vợ tôi bắt đầu dọn hàng với những mớ rau vại cà. Xuất phát từ buổi sáng của chúng tôi hoàn toàn trái ngược nhau như vậy.
Công việc của tôi phải tiếp xúc nhiều với những khách hàng thành đạt giỏi giang, trong đó có nhiều phụ nữ, lúc nào tôi gặp họ nhìn cũng mát mắt với váy áo là lượt, khuôn mặt trang điểm kỹ càng, giọng nói dịu dàng. Còn vợ tôi, cô ấy suốt ngày với mấy bộ đồ ngủ rẻ tiền của Trung Quốc, tôi bảo cô ấy ăn mặc cho lịch sự thì cô ấy bĩu môi bảo tôi: “Anh vẽ chuyện vừa thôi, ở nhà bán rau mà cũng ăn mặc lịch sự làm gì, cứ quần áo ngủ cho thoải mái”. Cứ mỗi cuối ngày trở về nhà, nhìn cô ấy đầu bù tóc rối, bụng thì toàn mỡ ngồi giữa đống dưa cà, tôi cảm thấy thật ngán ngẩm. Tôi muốn xin cho vợ tôi chỗ làm khác cho tử tế thì cô ấy từ chối luôn với lý do giờ thích bán hàng đỡ phải suy nghĩ đầu óc cho mệt người.
Tiếp xúc với những khách hàng của tôi, tôi thấy họ càng ngày càng cách xa vợ tôi. Nói chuyện với họ chỉ là công việc, nghệ thuật hay triết lý sống. Họ cũng giúp tôi nhiều trong suy nghĩ cá nhân để làm thay đổi bản thân. Những câu chuyện của họ thường chứa đựng những hiểu biết về xã hội thật sâu sắc. Còn về nhà với vợ, vợ tôi chỉ quanh quẩn quanh chuyện giá cả rau tăng lên giảm xuống, rồi thì hàng xóm có chuyện gì hay chuyện cãi nhau với người mua hàng… Nhiều khi tôi chán chẳng muốn nói chuyện, để mình cô ấy luyên thuyên với mớ giá cả thịt, ga, điện, nước…
Có lần cơ quan tôi tổ chức hội nghị tri ân nhân viên. Trong đó các thành viên trong gia đình đều được mời, sếp tôi bảo tôi phải đưa vợ đến vì mấy lần tôi chỉ cho con đi mà không thấy vợ đâu. Bắt buộc tôi phải đưa đi, nhưng đưa cô ấy đi mà tôi phát ngại. Trong khi vợ/chồng của đồng nghiệp quần là áo lượt váy vóc tha thướt thì vợ tôi ăn mặc nhìn nhếch nhác quê mùa, nói chuyện chả ra đầu ra đũa, ăn uống thì nhồm nhoàm, lại còn lấy phần bỏ vào túi bóng để mang về tối ăn. Thật, nhìn ánh mắt của đồng nghiệp tôi không còn nỗ lẻ nào mà chui xuống nữa. Tiếp xúc nhiều với những người phụ nữ thơm mát dịu dàng, về nhà phải ôm người vợ lúc nào cũng đầy mùi rau cỏ dầu mỡ mà tôi chán nản. Hai vợ chồng tôi cứ ngày một xa nhau hơn.
Gần đây tôi thường gặp một khách hàng nữ, cô ấy và tôi nói chuyện rất hợp nhau, tôi biết rằng mình không nên đi quá giới hạn nhưng thật sự ở nhà lúc nào tôi cũng nghĩ về cô ấy, đặc biệt là mỗi khi hai vợ chồng tôi cãi vã nhau. Cô ấy chưa có chồng và sẵn sàng đến với tôi, kể cả biết tôi đã có vợ. Cô ấy bảo luôn sẵn sàng chờ đợi tôi. Nếu đến với cô ấy, cuộc sống của tôi sẽ thêm phần thi vị, vì cô ấy là người phụ nữ khá thành công trong công việc, không bị phụ thuộc vào kinh tế và có nhan sắc khá ổn, khác hẳn với vợ tôi ở hiện tại. Tôi không biết nếu ly dị thì có quá đáng lắm không bởi xét cho cùng, mâu thuẫn của vợ chồng tôi cũng chưa phải lớn đến mức nghĩ đến chuyện ly dị. Nhưng tiếp tục thế này thì tôi thấy mệt mỏi quá. Vợ tôi có thể hài lòng với cuộc sống như thế, nhưng tôi thì không.
Mấy đêm nay tôi mất ngủ, không biết nên làm thế nào cho trọn vẹn. Tôi có phải là người tham lam và ích kỷ quá hay không? Và liệu đó có phải là một quyết định đúng đắn?
Ánh Tuyết (Theo Giadinhvietnam.com)