Quý hồ tinh hay quý hồ đa
Theo nhà bác học Darwin, trong thế giới sinh học, bản năng sống là bản năng gốc. Một cơ thể sống thì không thể bất tử, vì thế bản năng sống được biểu hiện cụ thể ở chức năng sinh sản ra con. Để đảm bảo cho chức năng này thì cơ thể sống hoặc là phải có thật nhiều con, hoặc là chất lượng thế hệ con thật tốt.
Do đặc tính giống loài, giống cái phải thực hiện chức năng sinh sản, chăm sóc con cái nên khó có thể có nhiều con. Vì thế để tăng khả năng sinh tồn của chúng, ngay từ trong xã hội nguyên thủy, phụ nữ đã có xu hướng chọn bạn tình có địa vị cao hơn, khỏe mạnh hơn, có khả năng săn thú tốt hơn. Cái này gọi là “quý hồ tinh”.
Sự truyền bá tư tưởng đa thê ăn sâu trong tâm thức cũng làm nên
một dạng bản năng khiến người đàn ông dễ dàng
ngoại tình hơn đàn bà
Ngược lại, đàn ông không thể khiến một phụ nữ sinh được nhiều con trong một khoảng thời gian giới hạn.
Họ càng không thể tự mình chọn lọc để chất lượng thế hệ con tốt hơn. Thêm vào đó, Hormone testosterone (chất hóa học chính quyết định sự ham muốn về mặt tình dục) ở họ cao gấp 20 lần so với phụ nữ khiến cho đàn ông có ham muốn mạnh hơn và nhiều hơn. Chế độ đa thê thời phong kiến có lẽ bắt nguồn từ tư tưởng chọn “quý hồ đa” này.
Tuy nhiên, kể cả khi những quy định xã hội cho phép, không phải người đàn ông nào cũng may mắn có điều kiện lấy nhiều vợ. Và chung chạ với người phụ nữ chấp nhận mình mà không cần danh phận là lựa chọn thứ hai. Khi xã hội dần phát triển với những ràng buộc về pháp luật, ta gọi hành động đó là ngoại tình.
Từ Học thuyết tiến hóa có thể thấy, do cấu trúc sinh học và chức năng sinh lý khác nhau, đàn ông và phụ nữ có hành vi tính dục trái ngược nhau. Đó là biểu hiện của bản năng sống. Đàn ông dễ ngoại tình hơn, còn phụ nữ chung tình hơn. Nhưng phụ nữ thì lựa chọn bạn tình lại kĩ càng hơn đàn ông.
Đừng để bản năng đánh băng lí trí
Học thuyết tiến hóa đúng với đối tượng động vật nói chung. Tuy nhiên, con người là một lớp động vật đặc biệt, có tư duy và điều khiển được hành động của mình. Bản năng ở con người là có thể điều chỉnh được.
Luật pháp ra đời khi xã hội nguyên thủy phát triển dần lên thành xã hội phong kiến. Chế độ đa thê khuyến khích một người đàn ông có nhiều phụ nữ, trong khi đó phụ nữ “chính chuyên” chỉ có 1 chồng. Tư tưởng này trải hàng ngàn năm đã ngấm sâu vào suy nghĩ của mỗi cá thể.
Có thể nói, sau bản năng sinh học được di truyền trong quá trình tiến hóa từ động vật bậc thấp thành con người, sự truyền bá tư tưởng đa thê ăn sâu trong tâm thức cũng làm nên một dạng bản năng khiến người đàn ông dễ dàng ngoại tình hơn đàn bà, nhất là khi luật pháp bó chặt họ trong khuôn khổ một vợ một chồng.
Không nói đến các trường hợp bất khả kháng, Chị Hương, từng là cán bộ phụ nữ lâu năm của Hội Liên hiệp phụ nữ quận Hoàn Kiếm chia sẻ:“Không chỉ do bản năng hay tư tưởng lâu đời, mọi trục trặc trong mỗi cặp vợ chồng đều có thể là nguyên nhân dẫn đến ngoại tình. Nhưng người phụ nữ với thiên chức làm mẹ, trách nhiệm và thời gian chăm sóc con cái quá nhiều nên ít khả năng hơn. Trái lại, người đàn ông luôn được tạo điều kiện cả về mặt xã hội và gia đình để phát triển nhiều mối quan hệ. Họ cũng có nhiều thời gian, sức khỏe. Tuổi mãn dục của họ cao hơn chị em rất nhiều. Vì thế mà tỉ lệ đàn ông ngoại tình cao hơn”.
Cũng theo chị, chia sẻ tất cả những điều trên không phải để cổ vũ cho hành vi ngoại tình của người đàn ông, cũng không phải thiên vị quá cho người phụ nữ. Dù ở đàn ông hay đàn bà, dù là bản năng hay lí trí, dù có lí do gì, hành vi ấy cũng là sai, vừa vi phạm pháp luật, vừa là mối nguy lớn cho hạnh phúc mỗi gia đình.
Nhìn nhận công bằng từ mọi góc độ, là để luôn luôn tìm ra một con đường ít có những lỗi lầm nhất; để người đàn bà biết giữ chồng không nghiêng về phía ấy và người đàn ông biết điểm yếu mà tự khắc chế mình.
Theo VietQ