Một số người không thích hai chữ “tình dục” vì coi đó là điều cấm kỵ, là chuyện riêng của 2 người trong phòng mà cứ lôi ra bàn. Có người còn coi đó là tục tĩu, là không phù hợp với thuần phong mỹ tục của ta. Thậm chí có người còn gọi đó là “trụy lạc”.
Ấy vậy mà dân số nước ta mỗi năm đều “phình ra” bằng một tỉnh, đâu đâu cũng có vụ ông ăn “chả”, bà ăn “nem”, nơi nào chả có những vụ đánh ghen tưng bừng từ chửi bới đến đấm đá, thậm chí tạt acid. Những năm gần đây, các bà học tập bên Thái Lan mua dao cắt “súng” để ông xã khỏi mang “súng” đi mà bắn loạn xạ.
Đàn ông thời xưa đã từng có câu “một trà một rượu một đàn bà, ba cái lăng nhăng nó quấy ta”. Đàn bà mà bị xếp vào một trong ba thứ “lăng nhăng” thì đàn ông thời nay đáng… ăn đòn là cái chắc!
Tình yêu có vĩnh cửu?
Phụ nữ nhẹ dạ, cả tin nên khi chàng hứa “yêu em suốt đời” là tin sái cổ và gật đầu làm đám cưới. Khi trải nghiệm cuộc sống hôn nhân mới thấy tình yêu có nhiều biến động. Trước đây chàng chăm chút nàng, chia tay còn dặn dò, chúc ngủ ngon, mua cho em từ cái áo lót. Nàng cũng vậy, nào tạp chí dành cho đàn ông, nào dao cạo râu đến cái cà vạt anh đeo cho tiệp với màu áo….
Bây giờ “hồn ai nấy giữ”, hai bên cùng hụt hẫng. Chàng khoái được nghe vợ khen một câu, hôn cái “chụt” trước khi đi làm mà không có. Nàng mua bộ đầm mới, mặc vào và hỏi “anh thấy đẹp không?”, chồng nhìn qua rồi trả lời “cũng được”. Chàng đến cơ quan, mấy “em nhỏ xinh” hồi nào khen lấy khen để “hồi này được vợ chăm trông anh đẹp hẳn ra”.
Lời khen chả khác gì luồng gió mát thổi vào tâm hồn người đàn ông đang hụt hẫng. Anh bắt đầu để ý đến em, thấy em dễ thương, lại biết đưa ra “lời hay ý đẹp” khiến tâm hồn mình bỗng lâng lâng thì tội gì không buông vài câu “nửa nạc nửa mỡ”. Em mà cắn câu thì anh bèn so sánh “hình như tình yêu với bà xã là tình yêu vụng dại”, còn bây giờ mới là “tình yêu đích thực”.
Và thế là điều gì đến sẽ phải đến, huống hồ cùng cơ quan có khác gì “lửa - rơm”. Ban đầu chỉ là thích nói chuyện, tiếp đến thấy hợp ơi là hợp. Ngọn lửa tình yêu khi đã “bùng” lên thì khó mà dập tắt. 40% đàn ông đã “ăn vụng phở” nơi công sở.
Nhà trọ thuê theo giờ, chả cần trình chứng minh nhân dân, các cặp xin cứ tự nhiên, đóng cửa, thoát y và “mần” nhau thoải mái. Ông chồng vẫn về nhà đúng giờ, cô vợ trẻ chỉ cảm thấy có gì đó hơi nhạt nhẽo trên giường nhưng lại tự nhủ “cả hai cùng no rồi nên vậy”. Cái kim trong bọc có ngày cũng thò ra.
Khi cô vợ biết chuyện thì “lửa” tắt ngúm, còn “rơm” đã cháy thành than. Rốt cuộc cô gái chịu thiệt, còn anh lại về với vợ và bà vợ rút kinh nghiệm xương máu sẽ đóng vai “nhà quản lý” nghiêm khắc hơn. Bà vợ chỉ trích người con gái nọ đã “quyến rũ chồng bà” chứ không bao giờ chịu nhìn thẳng vào sự thật “tại anh, tại ả”, bởi cái món tình dục càng lạ càng thấy ngon.
Trường hợp thứ hai là khi vợ mang bầu. Bà vợ nghe bạn bè rỉ tai “có bầu mà “ấy” nhau là sinh con đần độn!”. Đang khoái có con, trong người mệt mỏi lại thêm câu này thì lệnh “cấm vận” được ban ra là cái chắc. Anh chồng nhịn một tuần, hai tuần, máy muốn vận hành cứ nóng rừng rực mong được đóng cầu dao, năn nỉ vợ không được thì tặc lưỡi tốn chút tiền ra đường “ăn bánh”.
Sau 3 tháng lệnh cấm được dỡ bỏ, bà vợ vui vẻ bằng lòng thì được nhận luôn đủ thứ bệnh, từ sùi mào gà đến nấm candida. Có chị không biết tưởng tại bầu hành, chị đi khám bác sĩ chỉ chữa chứ không nói rõ nguồn lây vì sợ “đổ vỡ hạnh phúc”. Thống kê của Neuman (Mỹ) cho thấy 68% đàn ông “ăn vụng” có mặc cảm tội lỗi, ông nói khôi hài rằng “biết trái cây ăn cắp là xấu mà vẫn cứ… thò tay hái”.
Khi đã có căn nhà, 2 đứa con ngoan, công việc của hai vợ chồng ổn định tưởng như mô hình mẫu về cuộc sống hạnh phúc thì một số ông chồng lại thấy tiếc nuối thời trai trẻ. Kho “tán” thời xưa được đem ra áp dụng khiến các em trên dưới 30 em này xiêu, em kia đổ.
Người đàn ông tứ tuần thấy mình “còn ngon”, muốn lấy lại những gì đã bị bào mòn theo những năm xây dựng gia đình. Ban đầu chàng chỉ định “trêu hoa ghẹo nguyệt” nhưng thấy các em thích uống nước đường thì tội gì không “vợ một bên và…em một bên”.
Khổ nỗi món mới bao giờ chả ngon nên niềm đam mê cứ thế mà nhân lên. Đã vậy ăn vụng bao giờ chả khoái hơn là ngồi trong bàn ăn dọn sẵn. Có gia đình đang yên ấm đã bị xáo trộn, thậm chí đổ vỡ chỉ vì như lời thanh minh của ông chồng “anh chỉ định đùa một tý nhưng cô ấy cứ bám riết lấy.
Em từ từ để anh gỡ dần…”. Tôi đã gặp không ít bà vợ tin vào lời hứa, nén cơn ghen rồi chờ cả năm cái “ít bữa” ấy vẫn không sao có hồi kết được. Thì ra phở với “tái, nạm, gầu” cũng khó cai còn hơn cả thuốc lá! Chẳng phải các ông tứ tuần đâu mà ngũ tuần, lục tuần cho đến bát tuần còn một ngày là còn “quyết tâm chiến đấu” trên tình trường.
Tác giả gặp một chị khóc trên điện thoại “ông xã tôi đã 72 rồi, con cháu đầy nhà mà sao giờ ổng trở chứng mua nhà, sắm đồ cho con nhỏ cave 30 tuổi. Tôi đến tận nơi lôi ông về hỏi cho ra lẽ thì ông bảo “tôi và bà chỉ còn cái nghĩa. Cô ấy cho tôi cái tình. Bà làm dữ tôi… đi luôn”. Bà hỏi “chả lẽ ổng mê cái món tình dục đến vậy sao?”. Câu hỏi thật ngộ nghĩnh, vì từng ấy năm chung sống bà vẫn chưa hiểu ông chồng và chưa biết đàn ông coi tình dục như cơm ăn, nước uống, họ khó lòng nhịn đói nhịn khát được.
Làm sao bây giờ?
Thời xưa, các cụ chả đúc kết “đàn ông năm bảy lá gan, lá thời cùng vợ, lá toan cùng người” phải chăng đó là đặc thù về giới tính của phe họ. Mấy chị đừng thắc mắc “con nhỏ đó có gì hơn tui, không xinh, không học thức bằng tui, tưởng ông kiếm thứ nào để cho tui nể chứ…”. Sai bét. Cô ấy là… đàn bà và các ông cho rằng “bồ là người bổ sung những gì mà bà xã còn thiếu”. Biết đâu bà chị chỉ thiếu ngón nghề…trên giường, dù chị “có công” sinh cho anh hai bản sao giống anh như đúc.
Vì thế phương châm chung là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Nếu thấy các dấu hiệu như vắng nhà hơi nhiều, chui vào toilet nghe điện thoại, tin nhắn “địa điểm cũ” rồi đi đến khuya mới về, lăn ra ngủ. Chuyện chăn gối lạnh lùng hơn nếu bà xã “mời” thì cáo mệt hoặc “trả bài” cho qua chuyện. Hàng ngày hay gây gổ với vợ, ít quan tâm đến chuyện học của con… thì đó là dấu hiệu “áp thấp nhiệt đới” chuẩn bị thành… “bão”.
Muốn phòng tránh “bão” thì các bạn cứ áp dụng tuyệt chiêu của “địch”. Cứ vờ đi và tỏ ra chiều chuộng nhiều hơn. Đi spa chăm sóc da , giả bộ kể ở cơ quan thằng chả kia cứ loanh quanh gặp em mà tán “gái hai con trông tròn con mắt”, nấu những món ngon mà chồng khoái… Khi thấy ở nhà “ấm” hơn lại không bị vòi vĩnh tiền bạc thì “ngựa” sẽ về nằm yên trong máng cỏ.
Tuy nhiên, tôi cũng vẫn nói rằng: khi các bạn bước vào hôn nhân là cùng bước lên cầu thăng bằng, chỉ cần ho hoặc hắt hơi là cầu chòng chành. Vì thế luôn cảnh giác và điều chỉnh, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” thì làm gì còn bò mà nhốt.
Theo Sức khỏe Đời sống