Những khi rảnh rỗi tôi lại lấy ảnh em ra ngắm, thỉnh thoảng mở tủ quần áo của em ra nhìn. Hai năm qua, tôi vẫn tự lừa dối mình rằng em và con đang bên cạnh, gia đình mình vẫn đang hạnh phúc.
Mọi vật dụng trong gia đình vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Ngay cả giày dép, áo quần hay cái lược em thường chải đầu cũng nằm nguyên chỗ cũ. Tôi sợ mất dấu và tôi muốn níu kéo…
Kể từ ngày em ra đi, tôi chưa bao giờ tha thứ cho một thằng đàn ông đốn mạt là mình. Giá như ngày ấy tôi đừng ham vui, đừng sĩ diện với bạn bè, đừng quá ích kỷ thì em đã không phải chết đau đớn như vậy và có lẽ giờ này chúng ta vẫn nắm tay nhau đi trên con đường hạnh phúc.
Ảnh minh họa: Internet
Vậy mà cũng đã 6 năm rồi em nhỉ? Nhớ hồi đó, mình là sinh viên năm hai. Em hồn nhiên, không nhận ra tôi hãnh diện đến thế nào vì biết mình là tình đầu của em. Còn tôi, chỉ hơn em 3 tuổi nhưng đã qua vài mối tình. Trải qua nhiều cảm xúc ngọt ngào, yêu thương rồi hờn giận tôi cảm nhận rất rõ một điều em thực sự là tình yêu của đời tôi.
Em biết không? Mẹ đã từng phản đối mọi quan hệ yêu đương của tôi cho tới khi tôi đưa em về ra mắt vì bà là người rất kỹ tính. Thương và cảm thông với hoàn cảnh của em, mẹ luôn nhắc nhở tôi “con phải biết quan tâm và chia sẻ với con bé vì nó là đứa nhạy cảm, lại thiếu thốn tình cảm từ nhỏ”.
Biết em tự trọng và cá tính, không đồng ý cưới khi chưa xin được việc, mẹ đã hết lời động viên em cưới và sinh con trước cho đẹp tuổi trong lúc chờ việc. Và vì vậy em mới sớm trở thành vợ tôi.
Tháng trăng mật của chúng mình thật ngọt ngào em nhỉ? Tôi đi làm về đã có cơm canh em bày sẵn, ăn tối xong mình cùng đi dạo phố, uống cà phê. Ngày nghỉ, tôi đưa em đi xem phim, đi chơi cùng bè bạn. Rồi cái tin em có thai ngay trong tháng đầu ấy khiến niềm hạnh phúc của tôi tăng lên gấp bội. Nhưng rồi… cuộc sống bắt đầu nhiều phiền toái.
Có lẽ sự thay đổi của cơ thể khi làm mẹ cùng với những công việc nội trợ nhàm chán, không tên quanh bốn bức tường khiến em dễ cáu kỉnh. Cả ngày em chỉ có một thú vui là đợi tôi về và tôi trở thành mối quan tâm duy nhất của em. Nhưng em lại không phải là mối quan tâm duy nhất của tôi bởi ngoài em ra tôi còn công việc, còn bạn bè. Vậy nên, tôi không thể ngày nào cũng về nhà đúng giờ, không thể ngày nào cũng ăn cơm em nấu bởi còn phải ngoại giao với khách hàng, nhậu nhẹt giao lưu cùng anh em đồng nghiệp, ăn uống liên hoan…
Em dường như không hiểu điều ấy hay em hiểu nhưng không thông cảm cho tôi và luôn cằn nhằn mỗi khi tôi đi nhậu về khuya. Em kêu ca rằng “cả ngày anh ở cùng đồng nghiệp còn chưa đủ sao? Tối không về với vợ con còn lu bu rượu chè đến khuya?”. “Ừ! Thì gặp đồng nghiệp cả ngày nhưng là làm việc. Hết giờ mới có dịp tán gẫu, bàn luận chuyện công ty. Em ở nhà, làm sao hiểu được”. Chỉ nói thế thôi mà em nước mắt ngắn dài, tấm tức. Tôi thật không hiểu nổi!
Vẫn biết em lo lắng cho tôi, sợ tôi bia rượu nhiều sẽ ảnh hưởng sức khỏe, sợ tôi lái xe gặp nguy hiểm… nên em thường gọi điện, nhắn tin nhắc tôi uống ít rồi về sớm. Tôi bắt đầu thấy khó chịu với em. Tôi là đàn ông trưởng thành, lại sắp làm bố, chẳng lẽ không hiểu được những điều đó hay sao? Tôi biết mình đang làm gì và khi nào cần phải dừng chứ?! Tôi đã bao giờ về nhà trong trạng thái say rượu đâu? Khi ấy, tôi luôn có lý do chính đáng. Tôi đâu biết, dù bụng mang dạ chửa em vẫn thức, lo lắng, sốt ruột đợi tôi về nhà an toàn mới dám đi ngủ.
Em chăm lo, nhắn tin, gọi điện khiến tôi thấy bị làm phiền và xấu hổ với bạn bè vì mang tiếng bị vợ quản. Mỗi khi nhậu về, em hoặc sẽ chào đón tôi bằng vẻ mặt lạnh tanh, hoặc cau có cùng những lời trách móc, hoặc khóc lóc rằng tôi không yêu thương vợ con... Thái độ của em làm tôi thấy cuộc sống của chúng mình thật nặng nề, vì vậy những bữa nhậu, những lần “ngoại giao” của tôi cứ dầy thêm. Rồi cãi cọ, rồi chiến tranh lạnh tiếp diễn. Tôi ngày càng mải miết hơn với thú vui ấy dù nhận thấy nhiều cuộc nhậu thực sự không cần thiết.
Khi đó, tôi không hiểu em và nghĩ rằng em không hiểu tôi. Tôi mặc định việc đi làm, đi ngoại giao là vì gia đình, vì đứa con sắp chào đời của chúng mình; bây giờ là lúc kiếm tiền, sau này có kinh tế vợ chồng sẽ có điều kiện dành thời gian cho nhau nhiều hơn. Còn em, em chưa đi làm, thiếu thực tế và luôn nói một câu “em muốn sống cho ngày mai nhưng trước tiên phải cho hôm nay đã”. Em chỉ muốn tôi về nhà khi hết giờ làm để ăn cơm em nấu, để xem tivi,… để quản lý tôi.
Cả hai đứa mình đều âm thầm bực bội và khổ đau. Khoảng cách vợ chồng cứ lớn dần lên, giãn rộng ra và không ai chịu nói với ai câu nào cho dù trong lòng tình yêu vẫn sâu đậm.
Rồi cái đêm định mệnh ấy đã cướp em khỏi tôi, cướp đi cả đứa con sắp chào đời của chúng mình.
Hôm đó, đã sắp bước sang ngày mới nhưng mấy anh em đồng nghiệp vẫn rôm rả, chưa ai có ý định ra về. Chuông điện thoại reo - kiểu chuông đặt riêng cho em, tôi chuyển chế độ im lặng để khỏi phiền. Nếu nhấc máy, tôi sẽ lại nghe em nhắc nhở tôi về nhà vì đã khuya như bao lần trước. Điện thoại vẫn rung bần bật, câu chuyện còn đang dở, tôi bực mình khi nghĩ lấy phải cô vợ lắm điều. Tôi tắt máy. Thế là yên chuyện! Tôi thầm nhủ, ngồi một lúc nữa thôi rồi về vì ngày mai vẫn còn phải đi làm, phải đi kiếm tiền để chăm lo cho gia đình bé nhỏ. Cuộc nhậu của tôi kết thúc vui vẻ sau đó hơn hai tiếng.
Tôi không biết rằng đầu dây bên kia em và con đang trong cơn nguy khốn. Em đang cố nén đau, gắng chút sức lực cuối cùng để gọi cho tôi khi em bị ngã cầu thang. Có lẽ, em ngã trong lúc xuống mở cửa vì ngỡ tôi về. Đáp lại nỗi đau ấy là tiếng tút tút… dài vô tận. Và em đã đối diện với cái chết trong sự cô đơn cùng cực.
Cho tới bây giờ, hình ảnh em với khuôn mặt in hằn sự tuyệt vọng, một tay ôm bụng, một tay víu vào cánh cửa, vệt máu loang dài từ chân cầu thang do em lết người ra cửa vẫn nguyên trong đầu tôi. Em biết không, khi đó tôi chẳng hiểu chuyện gì, cũng chẳng nhớ tâm trạng ra sao, chỉ biết rằng trong sự hoảng loạn tôi đã kịp gọi cấp cứu và gọi mẹ. Hai mươi phút sau, bác sỹ có mặt và kết luận em đã tắt thở trước khi gọi cấp cứu do mất máu quá nhiều. Đất dưới chân tôi như sụp xuống. Cho đến khi xong tang lễ, tôi vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra với mình. Tại sao trong chốc lát tôi lại mất em và con?
Tôi nhận được lời chia buồn của tất cả mọi người, trừ mẹ.
Tôi nằm lỳ trên giường mấy ngày, không thiết gì và cũng hầu như không nghĩ gì. Cho tới ngày thứ năm, mẹ vào phòng và chìa điện thoại của em cho tôi. Mẹ nói, “con xem đi”. Tôi mệt mỏi cầm máy. Trên máy còn lưu 8 cuộc gọi cho tôi và một tin nhắn dở dang chưa kịp gửi: “E v à co n cần a! A m au v ề…”.
Tôi lặng người. Không gian xung quanh như đặc lại, cổ tôi nghẹt thở như bị ai xiết chặt. Thì ra trong lúc cùng cực, cận kề với cái chết em vẫn nghĩ về tôi đầu tiên. Em ra đi trong cô đơn, tủi hờn, đau đớn cả tinh thần lẫn thể xác.
Tôi bắt đầu nếm trải cảm giác cô đơn, cảm giác bị bỏ rơi như em đã từng trải qua. Chỉ có điều, tôi cô đơn trong ân hận, dằn vặt còn em cô đơn trong chờ đợi và tủi hờn. Những ngày hạnh phúc nhất của chúng mình quá ngắn. Con của chúng mình còn chưa kịp chào đời.
Tôi sẽ không bao giờ tha thứ được cho mình!!!
vietnamnet.vn