Trụ hạng là tất cả
Mùa trước, Hải Phòng đã tung ra cú kích cầu tiền thưởng 10 tỷ đồng chỉ để trụ hạng trong 4 trận cuối. Bầu Hiển, người được coi hào phóng, cũng chỉ thưởng cho ngôi vô địch của Hà Nội.T&T bằng nửa số tiền đó mà thôi.
Không ít đội bóng khi lâm vào đường cùng sẽ sẵn sàng tung ra số tiền cực “khủng”, dù có thể không sánh bằng Hải Phòng, chỉ để trụ hạng. Tuy nhiên, qua một số thông tin từ Hải Phòng, thực tế tiền thưởng cuối mùa mà cầu thủ được nhận lại chẳng bao nhiêu! Nên nhớ 4 trận đó Hải Phòng chỉ thua 1, còn thắng 2, hòa 1, có nghĩa nếu đúng như lời hứa thì quân sĩ đất cảng năm nay sẽ đón cái Tết rất “ấm”. Vậy thì thử hỏi, 10 tỷ đó đã trôi về đâu?
Đến đây, dư luận có quyền nghi ngờ số tiền đó đã được lãnh đạo đội bóng đất cảng giải giáp vào những chuyện “bên lề”, trong đó biểu hiện bất thường của trọng tài Công Trọng, Văn Quyết xứng đáng bị chĩa mũi dùi.
Bầu Kiên thản nhiên nhìn Hà Nội.ACB rớt hạng
Ở những vòng cuối V-League 2011, cuộc đua trụ hạng gay cấn, khốc liệt hơn hẳn đường đến ngôi vua. Có đến hơn nửa đội bóng bám víu nhau. Cũng thời điểm này, biểu hiện tiêu cực bộc lộ rõ ràng, trắng trợn nhất, các đội sẵn sàng làm tất cả nếu trụ hạng thành công.
Với bóng đá Việt Nam, trụ hạng mới là tất cả. Mỗi đội bóng tiêu tốn trung bình 70 tỷ đồng một mùa giải. Trong tình hình bão giá, lạm phát cao thì số tiền đó quá lớn, thừa sức nuôi một lực lượng ăn sung, mặc sướng. Lợi ích vật chất mang lại quá lớn từ bóng đá đã tạo nên một tâm lý bám trụ cái ghế của mình. Chỉ cần trụ hạng, nằm trong Top 5 thì quá tuyệt vời, coi như cái ghế của Ban huấn luyện lẫn lãnh đạo đội bóng vững chắc.
Mấy ai không chịu sống chung với lũ
Kết thúc mùa giải 2011, người ta thấy bầu Thắng và bầu Kiên đón nhận tin đội nhà rớt hạng hết sức bình thường. Không phải ông bầu nào cũng giữ được thần khí đó. Tiếc rằng, cái sự bình thường của hai ông bầu này lại tạo nên sự khách biệt quá lớn với những ông chủ đội bóng khác.
Bóng đá là trò chơi đối kháng, một mùa giải trải qua 26 vòng đấu khốc liệt, cần phải có sự công bằng tương đối giữa mạnh và yếu về thứ hạng. Vậy nhưng, đội rớt hạng chưa hẳn là do yếu nhất, đôi khi lại do quan hệ kém nhất, từ thiếu đồng minh hay bị trọng tài, “quan trên” “cười nhạt, bắt tay lỏng”. Thực tế, Đồng Tâm Long An của bầu Thắng hay Hà Nội ACB của bầu Kiên cứ như những kẻ lạc lõng trên chính ở sân chơi nhà. Bầu Đức cũng đã quyết tâm hướng tới thứ bóng đá tử tế trong 3 năm qua. Vậy nhưng, khi ông thay đổi chủ trương làm bóng đá tích cực thì lại chịu cảnh thiệt thòi.
Ngược lại, nhà vô địch không hẳn là kẻ mạnh nhất, nhưng là đội tranh thủ được sự ủng hộ của các thế lực mạnh (như Hà Nội T&T năm 2010), hoặc do các đối thủ chính tự bắn vào chân mình nên đắc lợi, như Sông Lam Nghệ An năm 2011. Nhìn chung, vẫn có quá ít đội bóng dám chấp nhận thiệt thòi, không “đốt tiền” chạy theo những giá trị thiếu chuyên nghiệp.
Bóng đá sạch cần sự tiên phong của các ông bầu
Còn nhớ đầu mùa bóng năm 2005, bầu Tuân của Mitsustar Haier Hải Phòng tuyên bố tuyên chiến với đá “bẩn”. Ông này đã chủ động gặp gỡ và đề nghị 2 câu lạc bộ ký một cam kết “đá sạch, trung thực”. Họ phát động một chiến dịch sạch và kêu gọi các câu lạc bộ khác cùng bắt tay nhau chơi sạch. Đến khi “lôi kéo” đại diện LG Hà Nội ACB, đã được bầu Kiên đáp lại: “Làm bóng đá không phải trò đùa, nếu tuyên bố mà không làm được thì tác hại sẽ khôn lường. Nếu đá sạch thì phải thực sự trung thực và tự mình sạch là được...”. Thực tế là sau đó, Hải Phòng đá lem nhem, bị dư luận kêu quá trời.
Nói thế để thấy, để các ông bầu ngồi lại với nhau thành lập VPF và cùng nhau “thề’ chơi bóng đá sạch đã khó, họ thực sự khiến đội bóng mình chơi sạch hơn càng nan giải. Bởi, khi động đến quyền lợi đội mình, nhất là trước hoàn cảnh hiểm nghèo, thì để giữ được mình không phải là dễ.
VFF cũng từng tổ chức nhiều cuộc Hội thảo, thậm chí ký kết với các ngành chức năng để giúp cho sân cỏ nước nhà trong lành hơn. Chẳng hạn trong tháng 1/2010 là Hội nghị chuyên đề bảo đảm an ninh, an toàn các giải bóng đá quốc gia và quốc tế năm 2010. Hội nghị với sự tham dự của đại diện Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, đại diện Tổng cục An ninh (A25) Bộ Công an và đại diện Công an Hà Nội nhằm siết chặt các biện pháp phòng ngừa vấn nạn bạo lực trên khán đài, trước, trong và sau trận đấu...
Trong tháng 4/2010, VFF và Cục Cảnh sát cơ động tội phạm về trật tự xã hội (C14) đã cùng ký kết Quy chế phòng chống tiêu cực trong hoạt động bóng đá. C14 cam kết vào cuộc hỗ trợ VFF đảm bảo tính trung thực ở các trận đấu của đội tuyển, lẫn CLB...
Ngay khi kết thúc Đại hội Cổ đông VPF lần 1, văn bản đầu tiên mà Tổng Giám đốc Phạm Ngọc Viễn ban hành là mời nguyên Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Hưởng làm cố vấn an ninh cho VPF. Ông Viễn cũng gửi công văn đề nghị Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an vào cuộc giúp đỡ VPF làm tốt công tác an ninh kể từ mùa giải 2012. Cán bộ an ninh đã làm nhiệm vụ giám sát công tác trọng tài ở các giải đấu thuộc sự quản lý của VPF.
Tóm lại, tất cả những thủ tục về mặt hình thức để thể hiện quyết tâm trả lại sự trong sạch cho bóng đá nước nhà, đã được thi triển. Có nghĩa, chủ trương chơi bóng đá sạch không còn mới, ngoài những hành động cụ thể của các thành phần tham gia chơi bóng chuyên nghiệp.
Vậy thì, các ông bầu, trước hết trong nhóm “G7”, họ hãy làm tấm gương để thiên hạ noi theo đi!
nguoiduatin