Rất hoan nghênh ý tưởng phấn đấu của thể thao Việt Nam. Nhưng nên nhớ rằng, đây không phải lần đầu chúng ta mới hướng đến cái chỉ tiêu lớn như thế. Khoảng 10 năm trước, sau Olympic Sydney 2000, vài vị lãnh đạo thể thao Việt Nam từng hô lớn khẩu hiệu như thế, rồi rốt cuộc qua 2 kỳ Olympic 2004 và 2008, thể thao Việt Nam chỉ kiếm được vài suất chính thức, còn lại tiếp tục trông đợi vào sự hào sảng của IOC dành cho ít suất ưu tiên qua cửa “hỗ trợ quốc gia kém phát triển”.
Thể thao Việt Nam lắm người tài, chỉ có điều để thịnh vượng thực sự, ngành TDTT phải đầu tư mạnh mẽ hơn nữa. Ảnh: Dũng Phương
Động lực phát triển thì đúng là rất cần, tuy nhiên, nó còn tùy vào năng lực thực sự cũng như nhân lực của thể thao Việt Nam có đáp ứng cho mục tiêu lớn ấy hay không. Về điểm này, cần phải suy xét lại. Thể thao Việt Nam không ít nhân tài, cũng có một số VĐV đã vươn đến tầm châu Á, thế giới như ở các môn cầu lông, cử tạ, taekwondo, bóng bàn… Chỉ tiếc rằng sự chăm sóc của cả một nền thể thao cho những VĐV tài năng kể trên vẫn chưa đến nơi, đến chốn, vẫn “đầu thừa, đuôi thẹo” và quá dàn trải.
Đơn cử một chuyện thôi để thấy: chế độ ăn dành cho VĐV trọng điểm trong năm 2011 chuẩn bị tranh tài ở nhiều sự kiện quan trọng như SEA Games, vòng loại Olympic London 2012 đến nay vẫn còn nằm trên… giấy! Thậm chí, mới đây, lãnh đạo Tổng cục TDTT mới đề xuất lên Bộ VH-TT-DL xét duyệt bổ sung thêm kinh phí lớn nhằm nâng cao chế độ dinh dưỡng, thuốc bổ và chế độ ưu đãi cho một số VĐV xuất sắc.
Kế hoạch là tháng 4, các VĐV trong diện chuẩn bị SEA Games, đặc biệt là chuẩn bị tranh suất dự vòng loại Olympic London 2012 sẽ được nâng mức ăn lên đáng kể trước sự trượt giá ngày càng lớn. Thế nhưng, sắp hết tháng 5, nghĩa là trễ 1 tháng rồi nhưng chế độ vẫn chẳng thấy được cải thiện chút nào. Báo hại lãnh đạo các Trung tâm HLTTQG Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng phải xoay sở, phải khất lần lữa với VĐV vì sự chậm trễ không thể hiểu nổi của ngành TDTT.
“Có thực mới vực được đạo”, phải được ăn no, ăn đủ chất và nhìn thấy một sự quan tâm thực sự của ngành TDTT, các VĐV tài năng mới vững tâm lao vào tập luyện vì sự thịnh vượng của thể thao nước nhà trên trường quốc tế. Còn nếu tập trong những cơn đói triền miên, lấy gì đảm bảo VĐV Việt Nam đủ sức lực ra tranh tài cùng bạn bè. Đấy là chưa tính đến chuyện chuẩn bị chuyên môn, liệu có đủ chiều sâu để giúp VĐV Việt Nam “tính cuộc vuông tròn” ở các đấu trường lớn hay không, khi mà cứ hễ đụng vào lại nghe những lời phàn nàn, rằng thiếu từ điều kiện tập luyện cho đến những chuyến tập huấn cần thiết và cả đối tượng để thử sức.
Nhiều vị lãnh đạo thể thao Việt Nam có tật rất thích hô khẩu hiệu, nói quá khả năng có thể làm được của mình, mà không biết hậu quả của nó sẽ ra sao, giống như một người nông dân đi bắt cua ngoài đồng, thọc tay vào lỗ cua mà tưởng tượng có 1, 2… 10 con cua ở trong hang, dù kỳ thực, cua đã bỏ tổ đi từ hồi nào rồi!
SGGP Online