Riêng đối với sân chơi Olympic, trong kế hoạch của ngành thể thao đã đề ra nhiệm vụ rất cụ thể là phấn đấu có từ 20 đến 30 suất tham dự ngày hội lớn ở nước Anh vào năm sau.
Thế nhưng, có thực tế thế này: đa số những gương mặt được kỳ vọng sẽ góp mặt ở London hầu hết đều trông chờ vào những suất đặc cách, vốn thường được Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và các Liên đoàn phân bổ theo diện hỗ trợ cho những nền thể thao kém phát triển. Suất chính thức dường như chỉ trông mong vào Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương, Vũ Văn Huyện (điền kinh), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông)… hay VĐV các môn võ.
Dông dài một chút để thấy việc kình ngư trẻ Hoàng Quý Phước giành suất tham dự Olympic London 2012 bằng “cửa chính” với thành tích ấn tượng tại giải bơi Malaysia mở rộng mới đây quả là kỳ tích. Nói không ngoa, đó là điểm sáng hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất, của thể thao Việt Nam kể từ đầu năm 2011 đến nay. Bởi vậy, trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày qua đều tràn ngập thông tin về sự kiện đáng mừng này. Thế nhưng, dường như đó là chuyện của giới truyền thông, của người hâm mộ còn với những người có trách nhiệm ở ngành thể thao, mọi chuyện hình như chẳng đáng quan tâm.
Chiều 17-5, Hoàng Quý Phước về đến Việt Nam sau khi làm nên kỳ tích trên đất Malaysia, nhưng đón anh ở sân bay Tân Sơn Nhất chẳng hề có bóng dáng một vị chức sắc thể thao nào, trừ giới truyền thông. Đáng nói là tại TPHCM vẫn tồn tại cơ quan đại diện của Bộ VH-TT-DL, của Tổng cục TDTT với đầy đủ ban bệ. Đấy là chưa kể tại thành phố này cũng có không ít vị chức sắc của Hiệp hội thể thao dưới nước. Thế nhưng, chẳng ai quan tâm đến việc đón tiếp VĐV vừa giành suất chính thức tham dự Olympic, điều mà bơi lội Việt Nam từ xưa đến nay chưa từng làm được.
Về đến Đà Nẵng, mọi thứ còn “tiêu điều” hơn. Do HLV Nguyễn Đông Hải bận việc phải ở lại TPHCM, nên chỉ còn mỗi Hoàng Quý Phước cùng kình ngư Dương Thị Thơm (Quảng Ninh) đáp chuyến bay VN 1322 về Đà Nẵng. Xuống sân bay, Phước đứng trơ trọi bởi chẳng có quan chức nào của Sở VH-TT-DL hay Trung tâm Huấn luyện và đào tạo VĐV Đà Nẵng - những đơn vị chủ quản của VĐV này - ra đón. Chỉ có 2 phóng viên và HLV Nguyễn Tấn Quảng, người trực tiếp huấn luyện Phước ở đội tuyển bơi lặn thành phố có mặt. Mà HLV Nguyễn Tấn Quảng ra đón là do trách nhiệm cá nhân chứ cũng chẳng được ai cắt cử. Thế nên, đứng trò chuyện và nhận lời chúc mừng của các phóng viên một lúc, rồi Phước lẳng lặng xách đồ ra xe để thầy Quảng chở về nơi tập trung…
Đem sự việc này hỏi 1 lãnh đạo của Trung tâm HLĐT VĐV Đà Nẵng thì ông cho rằng, sở dĩ lãnh đạo ngành không tổ chức đón Phước là bởi lo ngại sự trọng thị của lãnh đạo dễ khiến VĐV sinh hư (!?). Điều đó không hẳn đã sai, nhưng Hoàng Quý Phước đã không còn là 1 cậu bé. Hơn nữa trong quá khứ, Đà Nẵng cũng đã không ít lần tổ chức đón rước trọng thị, tuyên dương rầm rộ khi Phước giành thành tích cao ở các giải bơi trẻ, hay mới đây là tại ĐH TDTT toàn quốc 2010. Thế nhưng, Phước vẫn không hề thay đổi bản chất của một chàng trai mới lớn, vẫn chân chất, thật thà và ngoan ngoãn trong mắt mọi người.
Thế thì, lời giải thích của vị lãnh đạo kia chẳng khác nào ngụy biện cho sự vô trách nhiệm hay với họ, những gì Phước làm được chưa đáng để nhận được sự trân trọng? Càng đáng nói hơn là ngay sau khi Phước vượt qua chuẩn B để giành suất chính thức tham dự Olympic London 2012 trên đất Malaysia, lãnh đạo Sở VH-TT-DL Đà Nẵng đã gấp rút làm báo cáo gửi lên cho Thành ủy, UBND thành phố để lấy thành tích. Thử hỏi như thế, thành tích của Phước có đáng được trân trọng hay không?
Vẫn biết, Hoàng Quý Phước đã được Đà Nẵng tập trung đầu tư rất nhiều tiền của trong thời gian qua, và trên thực tế, những gì mà Phước làm được vẫn chưa thể hiện hết tài năng của anh. Thế nên, việc lãnh đạo ngành thể thao Đà Nẵng muốn giữ Phước tiếp tục phấn đấu thay vì quá bay bổng sau những thành tích ban đầu là điều cần thiết. Tuy nhiên, sẽ trọn vẹn hơn nếu có sự xuất hiện của các lãnh đạo cùng những đóa hoa và những lời động viên, khích lệ sau kỳ tích của Phước. Điều đó chắc chắn sẽ mang lại động lực không nhỏ cho kình ngư trẻ này phấn đấu cho những mục tiêu cao hơn trong tương lai.
Đón Phước tại sân bay Đà Nẵng, người viết không dám hỏi anh có buồn không trước cảnh lẻ loi trong ngày trở về, bởi như thế chẳng khác nào đặt Phước vào tình thế khó xử. Thôi thì đành tự hỏi lòng mình có buồn không vậy!
SGGP Online