Thực tế đáng buồn
Trong bảng xếp hạng mới nhất của Liên đoàn Bóng bàn thế giới (ITTF), Kiến Quốc vẫn là tay vợt có xếp hạng cao nhất của bóng bàn Việt Nam (233). Xếp sau anh cũng là một VĐV rất kỳ cựu, Trần Tuấn Quỳnh (261). Sau thế hệ của Mạnh Cường, nhiều năm nay, Kiến Quốc chính là tay vợt nam thi đấu ổn định nhất của bóng bàn Việt Nam với nhiều thành tích nổi bật như HCV đôi nam SEA Games 25 hay 2 lần được dự Olympic (2004, 2008).
Tài năng trẻ Việt Linh.
Chỉ có điều, ở cái tuổi ngoài 30, tay vợt đang kỳ cựu này khó đáp ứng được khả năng duy trì thi đấu ở cường độ cao tại các giải đấu trong nước và quốc tế. Sự xuống dốc và chia tay của Kiến Quốc là điều đã được nhìn thấy trước, nhưng quả thực, để tìm ra một gương mặt đủ sức gánh vác trọng trách thay Quốc là điều rất khó khăn.
Phía dưới Kiến Quốc có Tuấn Quỳnh, Quang Linh, nhưng cả 2 tay vợt này đã 28, không còn trẻ để kỳ vọng vào sự tiến bộ về trình độ. Thấp hơn một chút là những Tô Đức Hoàng, Ngọc Trình, Hoàng Chung hay Nguyễn Thành Luân. Song, ở một môi trường không có tính cạnh tranh cao như giải VĐQG, việc đầu tư cũng chỉ ở mức vừa phải, rất khó tạo nên bàn đạp để những tay vợt trẻ này tiến nhanh, tiến xa.
Về phía nữ sau khi tay vợt kỳ cựu Ngô Thu Thủy giải nghệ, bóng bàn nữ vẫn chưa tìm đủ sức gánh vác trọng trách tìm kiếm thành tích tại đấu trường khu vực. Từ Mai Hoàng Mỹ Trang, Mai Xuân Hằng hay Lương Thị Tám. Hiện tại tay vợt trẻ được nhiều người kỳ vọng nhất chính là Nguyễn Thị Việt Linh của Quân đội nhưng bản thân lại không quá mặn mà với đội tuyển quốc gia (mới từ chối tập trung).
Tạo cơ hội cho người trẻ
Tại giải bóng bàn Cây vợt vàng lần thứ 25 đang diễn ra tại TPHCM, điều đáng mừng là đội tuyển bóng bàn Việt Nam tạo nhiều cơ hội cho những tay vợt trẻ. Về nam là những Thành Luân, Văn Nam, Hoàng Chung, Ngọc Tú… còn ở đội nữ là Dương Thị Mai, Phương Dung và cả Việt Linh. Hy vọng điều này sẽ được làm một cách thường xuyên chứ không bó buộc ở một giải đấu. Muốn có VĐV kế thừa thì đội tuyển bóng bàn quốc gia cần phải có sự đào thải mạnh mẽ, chứ không thể mãi theo đuổi thành tích trước mắt với những gương mặt quá đỗi quen thuộc từ vài năm qua như Kiến Quốc, Quang Linh, Tuấn Quỳnh, Mỹ Trang…
Hiện tại, bóng bàn Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ với việc chuyển qua mô hình chuyên nghiệp của hàng loạt đội bóng, bằng kinh phí xã hội hoá chứ không phụ thuộc vào kinh phí Nhà nước như trước đây như CLB Hà Nội T&T, Petro Việt Nam, Ngân hàng Công thương, Vietsov Petro đã hoạt động hoàn toàn độc lập theo hình thức xã hội hoá. Nhiều đội bóng của các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đã gắn tên của các nhà tài trợ lớn như Viễn thông TPHCM, Xi-măng Hoàng Thạch Hải Dương, Hồng Quang Tiền Giang... cũng là một hình thức chuyển đổi tích cực. Hầu hết các đội này đều rất chú trọng đến khâu đào tạo trẻ và đã làm rất tốt như Hà Nội T&T. Đó là những tín hiệu đáng mừng để bóng bàn Việt Nam gặt hái những thành công trong tương lai.
Lao động