Sân chơi vừa sức
Nguyễn Thị Việt Linh (Bộ Công an) - niềm hy vọng mới của bóng bàn Việt Nam.
Cũng dễ hiểu nỗi sốt ruột kia. Dù sao đấy cũng là giải đấu trên sân nhà và không quá tầm với các tay vợt Việt Nam. Hai kỳ giải gần đây, khi sân chơi trẻ này ít có sự hiện diện của các tay vợt Singapore gốc Trung Quốc thì sức cạnh tranh đã tăng lên rất nhiều. Các tay vợt Việt Nam cũng dễ vươn cao, gặt hái chức vô địch hơn. Năm 2009, ở Thái Lan, đoàn Việt Nam thậm chí còn giành ngôi nhất toàn đoàn với 5 HCV, năm 2010 ở Campuchia giành 2 HCV.
Năm nay, lần đầu tiên làm chủ nhà Giải vô địch Đông Nam Á, bóng bàn Việt Nam cũng không chuẩn bị khác là bao so với các lần trước. Thế nhưng, kỳ vọng vào các tay vợt lại nhiều. Cũng may, trong ngày thi đấu cuối, sự xuất sắc của Lê Tiến Đạt (Quân đội) và Nguyễn Thị Việt Linh (Bộ Công an) đã giúp chủ nhà tránh khỏi một kết cục bẽ bàng, xếp thứ ba toàn đoàn, đạt yêu cầu đề ra trước giải.
Cần phải đầu tư mạnh mẽ, toàn diện
Nhưng đó là việc trước mắt. Việc lâu dài vẫn là bài toán đầu tư cho các tay vợt trẻ ra sao. Với riêng bóng bàn, không đơn giản để từ vô địch giải trẻ Đông Nam Á thành vô địch giải Đông Nam Á hay SEA Games, nơi hội tụ một số tay vợt đạt đẳng cấp thế giới. Ở đây cần sự đầu tư mạnh mẽ, toàn diện từ chính ngành thể thao, đơn vị chủ quản cũng như chính gia đình tay vợt đó.
Tất nhiên để trở thành nhà vô địch trẻ Đông Nam Á cũng là nỗ lực đáng ghi nhận. Như HCV đơn nam U18 Lê Tiến Đạt từ trước giải này rất lâu đã sang Hà Bắc (Trung Quốc) tập huấn với phần nhiều kinh phí của gia đình. Nhờ được tập luyện với những đối thủ Trung Quốc có trình độ hơn hẳn cũng như các tay vợt đàn anh ở đội Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam mà đến giải này Tiến Đạt đã trình diễn một lối đánh đầy hiệu quả. Nếu chỉ tập huấn trong nước như nhiều tay vợt khác, e rằng Tiến Đạt khó lên ngôi cao tại giải này. Đây cũng là bài học mà những người có trách nhiệm với bóng bàn Việt Nam cần chú ý bởi Tiến Đạt, Việt Linh và nhiều tay vợt trẻ tiềm năng khác đang ở lứa tuổi phát triển mạnh mẽ nhất. Nếu không đầu tư kịp thời thì 3-4 năm nữa có muốn cũng không được. Và lúc ấy, đội tuyển quốc gia muốn trẻ hóa cũng khó vì lớp sau không thể gánh vác ngay nhiệm vụ của lớp trước.
Cách đây không lâu, nhiều HLV khi nhìn lại các tay vợt trẻ Việt Nam có tiềm năng phát triển đều tiếc nuối cho bộ đôi Tô Đức Hoàng - Đào Duy Hoàng, những nhà vô địch giải trẻ Đông Nam Á. Sau khi lên ngôi vô địch, sự đầu tư cho cả hai vẫn không thay đổi, chỉ ở mức bình thường, khiến trình độ hầu như chững lại. Gần đây, khi cả hai về đầu quân cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, được hưởng chế độ tập luyện, tập huấn tốt hơn nên đã tiến bộ vượt bậc, khiến dân trong nghề đánh giá là "lột xác". Cả hai góp công giúp CLB giành HCB đồng đội, HCV đôi nam tại Giải vô địch quốc gia 2011. Thấy vậy, càng nhiều người tiếc rằng nếu hai tay vợt này được đầu tư quyết liệt sớm hơn thì trình độ sẽ không chỉ có vậy.
Và giờ đây, người ta đang chờ động thái quyết liệt, mạnh mẽ từ các nhà quản lý trong việc định hướng đầu tư cho những tay vợt Việt Nam đã bộc lộ tiềm năng tại Giải vô địch Đông Nam Á 2011.
Theo quyết định tập huấn đội tuyển bóng bàn quốc gia, từ đầu tuần tới đến ngày 31-8, của Tổng cục TDTT, đội tuyển bóng bàn có tới 11 tay vợt nam, 4 tay vợt nữ. Hai tay vợt hàng đầu Việt Nam hiện nay là Mỹ Trang (Viễn thông TP Hồ Chí Minh), Việt Linh (Bộ Công an) vắng mặt do trước đây đã gửi đơn xin miễn tập huấn. Trong danh sách nam (11 tay vợt) vẫn có những cái tên quen thuộc như Kiến Quốc (PetroVietnam), Tuấn Quỳnh, Huy Hoàng (Hà Nội T&T), Quang Linh, Thành Luân (Quân đội). Ngoài ra một số tay vợt trẻ như Tô Đức Hoàng, Đỗ Duy Hoàng (PetroVietnam), Nguyễn Hoàng Chung, Nguyễn Văn Ngọc (Xi măng Hoàng Thạch Hải Dương), Nguyễn Ngọc Tú (Hà Nội T&T)… cũng được tập trung để nhắm tới những mục tiêu xa hơn.
Hà Nội mới