Trước hết, Pirelli đã phát triển tổng cộng 4 loại lốp khác nhau dành cho đường khô. Tuy nhiên, trong mỗi chặng đua, họ chỉ mang đến 2 loại trong số đó, được lựa chọn tùy theo đặc điểm tiêu chuẩn của từng đường đua như bề mặt, nhiệt độ, tốc độ, loại khúc cua...
Chiến thuật lốp xuất sắc đã mang lại cho Lewis Hamilton chiến thắng tại Thượng Hải
Luật
Bên cạnh đó, các đội đua không được phép dùng lốp “xả láng”. Mỗi tay đua chỉ được nhận tổng cộng 11 bộ lốp khô cho mỗi 3 ngày cuối tuần (so với 14 bộ của mùa giải 2010). Họ sẽ phải sử dụng chúng sao cho có hiệu quả nhất trong 4 đợt chạy thử, một cuộc đua phân hạng và cuối cùng là cuộc đua chính thức.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất và khiến chiến thuật sử dụng lốp trở nên quan trọng là lốp xe Pirelli bị mài mòn rất nhanh. Điều đó khiến các đội đua phải giám sát rất chặt chẽ và tính toán chi li việc sử dụng lốp trong 3 ngày cuối tuần một cách hiệu quả nhất.
Theo quy định, tay đua sẽ được dùng 3 bộ lốp trong ngày thứ Sáu và phải trả lại cho Pirelli 2 bộ để hãng này nghiên cứu. Tám bộ còn lại sẽ được cung cấp trong ngày thứ Bảy, nhưng 2 trong số đó cũng phải trả lại trước cuộc đua phân hạng. Với riêng 10 tay đua xuất phát đầu tiên trong cuộc đua, họ sẽ phải dùng chính bộ lốp mà mình đã sử dụng trong Q3 để xuất phát.
Chiến thuật đua phân hạng
Thông thường, các đội đua thường cố gắng giữ lại 6 bộ lốp mới (mỗi loại 3 bộ) để dùng cho cuộc đua phân hạng và thường thực hiện 2 đợt chạy trong mỗi đợt đua phân hạng (gồm 1 vòng sau khi ra khỏi pit, 1 hoặc 2 vòng để tính giờ, và 1 vòng nữa để vào pit).
Lốp mới mang lại lực bám tốt hơn nhiều so với lốp cũ, ngay cả khi lốp cũ mới chỉ chạy được vài vòng. Đây chính là nơi các đội đua phải tính toán hết sức kỹ lưỡng.
Nếu tay đua “dè sẻn” được ít nhất 1 bộ lốp trong cuộc đua phân hạng - bằng cách chỉ chạy tính giờ đúng 1 lần ở Q1 và Q2, hoặc đủ nhanh để giành pole mà không cần chạy thêm một đợt ở Q3 - anh ta sẽ có thêm 1 bộ lốp mới để dùng trong cuộc đua. Điều này có thể mang lại ưu thế rất lớn về chiến thuật.
Trường hợp của Lewis Hamilton là ví dụ điển hình. Tại Malaysia, anh chỉ còn lại 5 bộ lốp cho cuộc đua, trong khi ở Thượng Hải anh có tới 6 bộ. Mặc dù Hamilton chưa cần đến bộ lốp dư ra này nhưng sự khác biệt về tâm lý thi đấu và cách lựa chọn chiến thuật đã được thể hiện rõ: cả Hamilton lẫn McLaren thi đấu tự tin hơn hẳn tại Thượng Hải để giành chiến thắng.
Sự mài mòn
Những chiếc xe khác nhau với phong cách lái khác nhau của tay đua sẽ khiến lốp xe bị mài mòn với tốc độ khác nhau. Điều đó luôn đúng từ trước tới nay. Sự khác biệt là ở chỗ lốp Pirelli hoàn toàn khác với lốp Bridgestone nên người ta chưa có đủ dữ liệu để biết lốp xe sẽ mài mòn ra sao trên từng đường đua cụ thể.
Không chỉ thế. Các điều kiện khác cũng luôn thay đổi trong suốt cuộc đua: nhiệt độ đường đua, gió, áp suất lốp... đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính cân bằng của chiếc xe. Để thích nghi với điều này, các đội đua sẽ phải điều chỉnh cánh gió trước trong các cú vào pit, hoặc tay đua tự thay đổi giá trị nhiều thông số khác thông qua các nút điều khiển trên tay lái. Ở tốc độ cao như F1, lốp xe rất nhạy cảm với mọi thay đổi dù nhỏ nhất. Một điều chỉnh nhỏ cũng có thể ảnh hưởng lớn đến độ mài mòn.
Cuối cùng, sự mài mòn lốp đạt tới giới hạn đỉnh, khi mà chỉ cần mòn thêm một chút thôi, tốc độ sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng. Các đội đua cần phải biết rõ giới hạn đó để đưa ra chiến thuật. Nếu vào pit ngay trước điểm giới hạn, họ sẽ được lợi tối đa về lốp. Thế nhưng, nếu để lốp đạt tới giới hạn mòn, họ sẽ gặp rắc rối lớn.
Phản ứng nhanh
Chiến thuật mềm dẻo sẽ giúp đội đua thích ứng tốt hơn với mọi điều kiện thi đấu nhưng nó đòi hỏi khả năng đưa ra quyết định nhanh nhạy và quan trọng nhất là phải đúng thời điểm.
Các đội đua luôn nhận được một bản đồ đánh dấu vị trí chính xác của từng chiếc xe trên đường đua theo thời gian thật, qua đó giúp họ tính toán thời điểm vào và ra khỏi pit sao cho tay đua không bị rơi vào một đám “kẹt xe” nào đó. Trong cuộc đua căng thẳng như F1, không có chỗ cho sai lầm. Thế nhưng, vì lốp có ảnh hưởng quá lớn đến tốc độ nên khi lốp xe đã gần đạt tới giới hạn mài mòn, các đội đua sẽ phải bỏ qua yếu tố nói trên mà tập trung vào việc thay lốp đúng lúc cần thiết nhất.
Ngoài ra còn là chiến thuật quyết định số lần vào pit. Tay đua với 3 lần vào pit đương nhiên sẽ có lốp mới hơn, nhưng với việc mỗi cú pit tốn mất khoảng 25” quý giá, các đội đua cũng buộc phải tính toán kỹ càng, thậm chí là phải thay đổi chiến thuật này ngay giữa cuộc đua.
Vì thế, với lốp Pirelli, chiến thuật sẽ không còn là chuyện chỉ diễn ra trong cuộc đua nữa. Nó diễn ra liên tục trong cả 3 ngày cuối tuần.
Báo TT TPHCM