Nước đường bị ứ đọng
Nước cốt bánh trung thu rất quan trọng, nó quyết định bánh trung thu của bạn có ngon và đẹp mắt hay không. Nấu nước đường làm bánh trung thu rất đơn giản nhưng một trong những vấn đề mà mọi người hay gặp phải là nước đường bị đọng hạt nhỏ li ti. Nguyên nhân là do bạn đã dùng thìa hoặc đũa khuấy. Một nguyên tắc quan trọng là không sử dụng bất cứ thứ gì khuấy nước đường trong quá trình nấu.
Cách khắc phục: Bạn có thể ngâm cả lọ đường vào nước nóng. Nếu không, bạn đổ nước đường vào nồi, thêm một chút nước lọc và nước cốt chanh vào đun tiếp.
Bánh nướng khô và cứng
Bánh trung thu sau khi nướng bị khô, cứng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.
- Bánh bị khô là do bạn nướng quá kỹ hoặc nướng ở nhiệt độ quá cao..
- Phần nước đường bánh nướng nấu quá đặc.
- Bên cạnh đó, còn có 1 nguyên nhân khác nếu là bánh nhân đậu thì phần nhân không đủ dầu, nhân bị khô dẫn đến dầu không thấm ra vỏ bánh làm bánh bị cứng.
Khắc phục:
- Tùy theo kích cỡ của bánh mà chọn nhiệt độ nướng thích hợp, thông thường dao động từ 190 - 200 độ C. Nếu lò nhà bạn nhiệt quá cao khi nướng có thể dùng giấy bạc che bên trên bánh.
- Kiểm tra lại phần nước đường xem có quá đặc hay không bằng cách nhỏ vào 1 chèn nước, nếu nước đường gom thành cục và không tan được nghĩa là đã quá đặc, bạn cần làm lại phần nước đường khác trước khi làm bánh nướng.
- Nếu bánh nhân đậu, kiểm tra lại phần nhân đã đủ lượng dầu cần thiết chưa, nhân đậu đủ dầu sên xong phải mềm dẻo, mịn và không khô.
Bánh nướng bị ướt
Bánh bị ướt là do bạn nướng bánh chưa đạt yêu cầu. Bạn nên nướng bánh cho đến khi vỏ bánh khô, hơi cứng như bánh quy. Để từ 2 – 3 ngày sau, dầu từ trong nhân bánh ngấm vào vỏ sẽ khiến bánh mềm, ngon.
Nếu lúc nướng xong, bánh của bạn có vỏ ngon vừa ăn thì để 2 – 3 ngày sau, bánh ngấm dầu sẽ khiến vỏ bánh bị ướt.
Nếu bạn dùng nước đường bị đọng hạt li ti làm bánh sẽ khiến cho bánh bị ướt. Bạn cần chú ý cách nấu nước đường thật chuẩn để có thể làm được những chiếc bánh ngon, ưng ý.
Khi xịt nước vào bánh giữa các lần nướng, nếu bạn xịt quá nhiều cũng khiến bánh bị ướt.
Bánh dẻo bị khô hoặc nhão
Bánh dẻo bị khô hoặc nhão là do bạn trộn bột chưa đạt yêu cầu, lượng dầu quá nhiều hoặc quá ít khi trộn bột.
Bột bánh dẻo khi trộn phải mềm, khi sờ vào cảm giác có dầu ăn dính ở tay thì khi để qua 1 - 2 ngày, dầu ăn ngấm vào vỏ, bánh sẽ dẻo ngon. Nếu bạn làm bánh ngon ngay từ lúc làm xong thì để sang hôm sau bánh sẽ bị khô.
Bánh bị nhão do bạn cho quá nhiều dầu hoặc nước. Khắc phục tình trạng này bằng cách cho thêm bột vào đến khi thấy bột đủ độ dẻo.
Bánh nhanh bị chua, mốc
Nguyên nhân:
- Nguyên liệu làm bánh có thể không tươi mới.
- Lượng đường sử dụng trong bánh quá ít.
- Bánh bị ướt, khi bảo quản trong túi ni lông không thoát khí được cũng làm bánh mau thiu.
Khắc phục:
- Lựa chọn những nguyên liệu tươi, ngon, sạch nhất khi làm bánh.
- Sử dụng đúng lượng đường trong công thức làm bánh, nếu bạn không thích ăn ngọt có thể giảm nhưng đừng giảm quá nhiều và sau phải bảo quản bánh trong tủ mát thay vì để bên ngoài như bình thường.
- Khi bảo quản bánh trong túi ni lông có thể cho vào túi hấp ẩm để hút bớt lượng nước thoát ra giúp bánh bảo quản lâu hơn.
Nhân bánh tách rời khỏi vỏ
Nhân bánh bị tách ra khỏi vỏ là do bạn nặn bánh chưa đều tay, phần vỏ bánh chưa ôm sát vào phần nhân khiến cho không khí vẫn còn ở bên trong bánh. Khi gặp nhiệt độ cao sẽ tách riêng phần nhân ra khỏi vỏ.
Nguyên nhân thứ hai là do bạn cho quá ít dầu vào trong công đoạn sên nhân. Nhân bánh phải đủ ngấm dầu để trong quá trình nướng không bị khô. Nếu bạn sên nhân xong, khi hơi nước bốc hơi đi hết mà nhân bánh bị khô thì bạn nên cho nước nóng vào để hòa tan phần nhân rồi đổ thêm dầu vào tiếp tục sên. Nhân phải ngấm dầu, mềm, mịn, dẻo mới đạt yêu cầu.
Bánh khó tạo hình
Do bạn nhào bột quá kỹ khiến bột bị chảy, khó tạo hình. Khi bạn đã làm đúng theo công thức, cho bánh vào khuôn và ấn đều các góc nhưng khi bỏ bánh ra các đường nét hoa văn vẫn không được sắc nét, bánh vẫn không có hình dạng đẹp đúng như các chi tiết trên khuôn thì nguyên nhân là do bạn đã nhào bột quá kỹ, khiến cho bột không còn độ mềm nhất định, trở nên dai và có tính đàn hồi, khiến cho bạn không thể tạo hình được các chi tiết nhỏ.
Bánh bị nứt khi nướng
Một trong những nguyên nhân khiến bánh trung thu bị nứt khi nướng là do bạn nhào bột quá khô và và chưa để bột có thời gian nghỉ để bột nở.
Khi nướng bánh Trung thu, người ta thường quết lên mặt bánh một hỗn hợp gồm lòng đỏ trứng gà, dầu ăn. Việc bánh bị nứt khi nướng cũng có thể là do bạn đã quết quá nhiều hỗn hợp trứng lên mặt bánh hoặc quết lên khi vỏ bánh chưa khô. Vì thế bạn nên dùng chổi chuyên dụng để có thể quyết một lớp mỏng vừa đủ, và chỉ quết khi thấy vỏ bánh đã se lại và không còn ướt.
Bánh bị phồng khi nướng
Việc bánh bị phồng là do bạn đã sên nhân chưa đạt yêu cầu, Nhân bánh quá ướt có thể khiến bánh bị biến dạng khi nướng. Hoặc cũng có thể là bạn nướng bánh ở nhiệt độ quá cao.
Khắc phục:
- Sên nhân bánh đúng thời gian quy định, đảm bảo mềm, mịn, dẻo và ráo dầu.
- Nướng bánh ở nhiệt độ phù hợp, có thể dùng giấy bạc che mặt bánh
Bánh nướng lên màu không đẹp
Bánh nướng lên màu không đẹp là do nướng chưa đủ thời gian quy định và dùng nước đường vừa nấu để làm bánh. Nước đường để càng lâu thì bánh lên màu càng đẹp.
Khắc phục:
- Nướng bánh đúng thời gian, khi nướng có thể pha hỗ hợp quét bánh bằng dầu ăn, sữa tươi, 1 ít lòng đỏ, 1 ít nước đường hay mật ong để bánh có màu nâu đẹp.
- Dùng nước đường đã nấu trước khi làm bánh 1 - 2 tuần, không nên lấy nước đường mới nấu đem làm bánh.
- Đối với bánh trà xanh nếu muốn giữ màu trà xanh tươi mát thì lúc nướng nên dùng giấy bạc che mặt bánh.
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)