Tiết vịt
Tiết vịt luôn được mọi người yêu thích và cũng là tiêu chuẩn cho các món lẩu hoặc bún tiết vịt. Khi ăn tiết vịt, một điều mà thực khách cần hết sức lưu ý đó chính là liệu chúng có đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm hay không. Rất nhiều tiết vịt có nguồn gốc trôi nổi trên thị trường, không ai kiểm định chất lượng. Gian thương có thể pha thêm tiết của các loại động vật khác, thậm chí là nước và tạp chất để thay thế. Do đó, bạn cũng không nên gọi tiết vịt khi ăn lẩu vì không rõ nguồn gốc.
Mực
Mực là loại hải sản được nhiều người yêu thích khi ăn lẩu. Tuy nhiên, không phải mực ở quán nào cũng đảm bảo chất lượng. Rất nhiều trường hợp nhà hàng sử dụng mực ươn, mực đông lạnh, mực tẩy trắng đã được phát hiện. Vì lẽ đó, nên lựa chọn những địa chỉ nhà hàng phục vụ mực tươi sống, chế biến tại chỗ. Nếu không, cần cân nhắc kỹ lưỡng khi gọi món này.
Thịt viên
Các món viên chiên là nguyên liệu nhúng lẩu không thể thiếu trong mọi bữa lẩu quen thuộc. Các loại thịt viên này trông thì bắt mắt nhưng thành phần thịt rất ít, chủ yếu là bột và các chất phụ gia, hương liệu. Đáng lo ngại hơn là nhiều nơi nhập các món viên sẵn theo số lượng lớn, bao bì không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, gây nguy hại tới người dùng.
Thanh cua
Thanh cua hiện là một trong những món nhúng lẩu được ưa chuộng hàng đầu. Tuy nhiên, thanh cua không hề được làm từ cua mà chủ yếu được làm từ surimi - nghĩa đen là thịt xay. Để làm surimi, người ta xay thịt nạc với cá trắng rồi nghiền thành hỗn hợp nhuyễn, kết hợp với các phụ gia khác để làm thành thanh cua. Đó chính là lý do mà mọi người nên hạn chế sử dụng món này thường xuyên khi đi ăn lẩu ngoài hàng.
Sách bò
Sách bò là món ăn thường bán khá chạy ở các hàng lẩu. Chúng thường được tẩm ướp với gia vị, ăn giòn dai khá hấp dẫn. Tuy nhiên, đây là loại thực phẩm có nguy cơ không đảm bảo an toàn rất cao. Một số doanh nghiệp đã “phù phép” toàn bộ phần sách này trông hấp dẫn để tăng doanh thu và sẽ dùng phương pháp "oxy hóa kép" để ngâm nhằm làm trắng.
Nội tạng động vật
Nội tạng động vật tuy hấp dẫn nhưng hàm lượng cholesterol không hề thấp. Ví dụ, do vị trí đặc biệt nên gan lợn là cơ quan giải độc của động vật. Tiêu thụ một lượng lớn cùng một lúc có thể gây ra vấn đề về an toàn thực phẩm, các nội tạng khác cũng sẽ làm tăng nguy cơ béo phì. .
Vì vậy, mỗi lần ăn lẩu bạn nên ăn ít chứ không nên ăn nhiều. Suy cho cùng, gan lợn cũng là một nguyên liệu bổ máu rất tốt. Ăn 1 hoặc 2 lần một tháng, mỗi lần ít hơn 100g cũng rất tốt cho sức khỏe.
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)