Thịt ba rọi kho xí muội
Xí muội có vị chua ngọt dễ chịu giúp cân bằng độ béo ngậy của thịt ba rọi. Chắc chắn với món ăn này, thịt sẽ không còn là nỗi “ám ảnh” trong ngày Tết.
Nguyên liệu:
- 400g thịt ba rọi
- 50g xí muội
- 1 thìa cà phê hành tím băm
- 2 thìa cà phê hạt nêm, 1/2 thìa cà phê bột ngọt, 1 thìa súp nước mắm, 1 thìa súp dầu ăn.
Món thịt ba rọi kho xí muội
Các bước thực hiện:
- Thịt ba rọi luộc sơ, cắt khối vừa ăn, ướp với hạt nêm, bột ngọt, để 10 phút cho thấm gia vị.
- Đun sôi 200ml nước, cho xí muội vào nấu khoảng 10 phút, tắt lửa.
- Làm nóng dầu, phi thơm hành tím băm, cho thịt ba rọi vào xào săn lại, cho hỗn hợp nước và quả xí muội vào, kho lửa nhỏ đến khi thịt vừa chín, nêm nước mắm vừa ăn, kho thêm 15 phút cho thịt mềm.
- Múc thịt kho ra đĩa, dùng nóng với cơm hoặc xôi nếp.
Mách nhỏ:
- Nên chọn ba rọi có thớ thịt chắc, khi kho không bị vữa. Thịt vừa sôi, vớt bọt và hạ lửa để nước trong.
- Không nên dùng tỏi vì sẽ khử mùi thơm của xí muội.
Tôm chiên bột ngũ cốc
Tôm chiên bơ béo và giòn bên ngoài, ngọt mềm bên trong. Đây là một món ăn đãi khách sang trọng, đẹp mắt và cũng không quá phức tạp, cầu kỳ.
Nguyên liệu:
- 500g tôm
- ½ muỗng cà phê muối
- ¼ muỗng cà phê tiêu trắng
- 1 quả trứng
- 2 muỗng canh bột mì, 2 muỗng canh bột ngô
- 2 muỗng canh bơ thực vật hoặc bơ
- 2 lòng đỏ trứng muối
- 3 quả ớt đỏ nhỏ, thái lát mỏng theo đường chéo
- 50g lá cà ri
- 50g ngũ cốc.
Tôm chiên bột ngũ cốc
Các bước thực hiện:
- Tôm bỏ đầu, làm sạch để lại phần đuôi nguyên vẹn
- Ướp tôm với muối và hạt tiêu trong vòng 30 phút.
- Đun nóng dầu ăn trong chảo, nhúng tôm tôm với trứng sau đó chuyển sang bát đã trộn và tẩm bột mì và bột ngô
- Cho tôm vào chảo chiên vàng cho chín. Đặt sang bên để ráo dầu ăn.
- Làm tan bơ trong chảo, thêm lòng đỏ trứng muối vào cùng bơ đang nóng, đảo trong vài giây
- Thêm lá cà ri, ớt thái lát, đường và ngũ cốc vào
- Đảo nhanh chóng trong vòng 2 phút cho đến khi màu sắc của ngũ cốc vàng, giòn
- Đổ tôm vào và đảo nhanh tay. Tắt bếp và múc thức ăn ra đĩa.
Canh chua cá thác lác
Nguyên liệu:
- 400g cá thác lác nạo
- 100g đậu bắp
- 1/4 quả thơm
- 2 cọng bạc hà (dọc mùng)
- 100g giá
- 1/2 chén nước cốt me
- 1 thìa cà phê hành tím băm, vài cọng ngò om, vài lát ớt sừng
- 1 thìa cà phê hạt nêm, 1 thìa súp đường, 1 thìa súp nước mắm, ½ thìa cà phê tiêu, 2 thìa cà phê tỏi băm phi.
Canh chua cá thác lác
Các bước thực hiện:
- Cá thác lác quết dẻo, thêm ít nước mắm, hành tím, dầu ăn, muối, tiêu, quết tiếp đến khi cá dai, mịn.
- Đậu bắp rửa sạch, bỏ cuống, xắt lát xéo. Bạc hà tước xơ, rửa sạch, xắt lát xéo. Thơm bỏ cùi, rửa sạch, xắt miếng mỏng. Giá nhặt chân, rửa sạch. Ngò om rửa từng lá, bỏ gốc, xắt nhuyễn.
- Bắc nồi nước lên bếp, nước sôi cho nước cốt me, hạt nêm, đường, nước mắm, muối vào, nếm vừa ăn.
- Dùng thìa xắn từng miếng thác lác thả vào canh. Khi nước sôi lại, cá nổi lên mặt, lần lượt cho thơm, đậu bắp, bạc hà, giá vào, nấu khoảng 3 phút là được, nhắc xuống.
- Múc canh ra tô, rắc ngò om, tỏi phi, ớt lên mặt. Dùng kèm nước mắm trong.
Rau câu tam sắc
Chỉ một chút biến tấu về màu sắc khiến món rau câu thông thường thêm phần sinh động và đầy quyến rũ!
Nguyên liệu:
- 10g rau câu
- 1 cái lòng đỏ trứng gà
- 100ml sữa tươi
- 2 thìa súp si-rô dâu
- 100g đường phèn
- 20ml nước ép lá dứa
- 500ml lít nước
Rau câu tam sắc
Các bước thực hiện:
- Rau câu ngâm nở, nấu tan với nước, cho đường vào, nấu tan, chia ra làm 3 phần.
- Khuấy thật kỹ lòng đỏ trứng với sữa tươi, cho vào 1/3 lượng rau câu, nấu sôi, chế vào 4 chén, để 2 phút.
- Lấy nước cốt lá dứa cho vào 1/3 lượng rau câu, nấu sôi, chế vào các chén rau câu có trứng sữa, để 2 phút.
- Sau cùng, lấy si-rô dâu cho vào 1/3 lượng nước rau câu còn lại, nấu sôi, chế tiếp vào chén rau câu trứng sữa và lá dứa, để nguội, cho vào ngăn mát tủ lạnh ướp ít nhất 1 giờ, khi dùng lấy ra thưởng thức.
Mách nhỏ: Các lớp rau câu phải châm vào cách nhau khoảng 2 phút, nếu không sẽ bị hòa lẫn vào nhau, không thưởng thức được riêng từng vị khác nhau.
Chúc các bạn thực hiện thành công những món ăn ngon này nhé!
Theo Món ngon Việt Nam