Tuy vậy, giải thưởng này đã “bỏ sót” không ít đặc sản tên tuổi của Việt Nam. Dưới đây là 10 đại diện tiêu biểu.
Gần đây, vào ngày 19/12, Trung tâm kỉ lục Việt Nam đã công bố 10 món ẩm thực Việt Nam đạt giá trị ẩm thực Châu Á theo bình chọn của tổ chức ẩm thực Châu Á. Đây là những món đặc sản đặc trưng cho sự riêng biệt văn hóa mỗi vùng miền , được so sánh với các món đặc sản của các quốc gia Châu Á. Vậy là sau 2 năm tổ chức bình chọn, Việt Nam đã có tổng cộng 22 món ăn đặt sản đạt giá trị ẩm thực Châu Á. Tuy nhiên có một chút đáng tiếc khi có rất nhiều món ăn đặc sản vùng miền khác rất nổi tiếng nhưng không có tên trong danh sách được vinh danh. Cùng điểm qua 10 món đặc sản vùng miền quen thuộc “không danh hiệu” đã gắn bó với người dân Việt Nam khắp 3 miền.
1. Chả giò
Đây có lẽ là niềm đáng tiếc lớn nhất cho ẩm thực Việt khi chả giò không nằm trong danh sách vinh danh đạt giá trị ẩm thực Châu Á. Món ăn nổi tiếng này là một trong số các món ăn Việt Nam được bạn bè quốc tế biết tới và ưa thích nhiều hơn cả. Tùy theo vùng miền mà chả giò có tên gọi khác nhau cùng một chút thay đổi trong nguyên liệu. Nem rán là tên gọi món ăn phổ biến ở Miền Bắc, miền Trung hay gọi ram còn miền Nam gọi tên món ăn là chả giò. Nem miền Bắc thường có thêm trứng còn nem Sài Gòn có thêm củ sắn hay củ khoai môn nạo. Món ăn giản dị mà ngon miệng này bao đời nay đã trở thành thói quen ẩm thực của người Việt Nam
2. Bánh mì Sài Gòn
Có lẽ nguyên nhân dễ hiểu để bánh mì kẹp không được vinh danh chính bởi nguồn gốc phương Tây của chiếc bánh mì. Tuy nhiên, món ăn này đã từng được CNN công nhận là 1 trong 40 món ăn ngon nhất Việt Nam và được ưu ái giữ nguyên tên tiếng Việt. Bánh mì với vỏ ngoài làm từ bột mì nướng thơm giòn, nhân bên trong tùy khẩu vị, có thể là thịt, trứng, chả cá... Ăn một ổ bánh thịt với đủ mùi thơm giòn của vỏ bánh, vị ngọt của bột mì, béo của bơ, hương vị đậm đà của thịt, chả, pa-tê, rau, dưa chuột.
3. Bánh cuốn Thanh Trì
Là người sành ăn, lại am hiểu ẩm thực miền Bắc không ai là không biết tới món bánh cuốn nức danh này. Khác với bánh cuốn tráng thịt thông thường, bánh cuốn Thanh Trì không có nhân, thường được xếp thành từng lớp trong lòng một chiếc thúng, trên phủ tờ lá sen hay lá chuối, lá dong. Người bán bánh thường đội thúng bánh trên đầu, di dạo bán trên phố phường Hà Nội. Khi gặp người mua, người bán hàng sẽ hạ thúng xuống, lần giở từng lớp bánh cuốn mỏng, tách từng lớp bánh sao lá bánh cuốn khỏi bị rách. Trên mặt lá bánh cuốn điểm những cọng hành lá màu vàng, nâu đã được phi qua. Bánh cuốn Thanh Trì nổi tiếng bởi độ mỏng mềm mà ngon dai, là món ăn không thể không nhắc khi gọi tên ẩm thực Hà Nội.
4. Nộm hoa chuối
Nộm hoa chuối là đặc sẳn miền Bắc, khả năng vì tính chất phổ biến nên món ăn này chưa được công nhận có giá vị văn hóa ẩm thực theo vùng miền. Nộm hoa chuối của Việt Nam chế biến từ nhiều thành phần nguyên liệu, phong phú hơn một dĩa rau salad trộn bình thường. Để làm món này, người ta dùng hoa chuối bóc bỏ vài lớp áo già phía ngoài rồi xắt lát mỏng, sau đó đem trộn với đu đủ xanh, cà rốt xắt sợi, rau mùi. Sau cùng cho thịt gà, nước mắm và lạc (đậu phộng) rang giòn rồi đảo đều. Món ăn này cũng đã từng được tạp chí CNN ca ngợi cùng với 39 món ăn đặc trưng khác của Việt Nam.
5. Cơm hến Huế
Với đặc sản xứ Huế, danh sách công nhận giá trị ẩm thực châu Á gọi tên món bún bò Huế. Nhưng ẩm thực Huế không chỉ nổi tiếng bởi riêng tô bún bò mà còn có cơm hến. Cơm hến là sự pha trộn của rất nhiều món ăn dân dã, như hoa chuối thái rối, khế, rau răm, giá, môn thái lát, đậu phộng rang chiên qua dầu, da heo đã qua chế biến thổi phồng lên như tóp mỡ. Tất cả trộn lẫn với gia vị tạo thành một tô cơm hến đặc trưng của xứ Huế, vừa cay, vừa bùi, vừa ngọt…
6. Bánh tráng cuốn thịt heo 2 đầu da Đà Nẵng
Bánh tráng cuốn thịt heo Đà Nẵng giờ đã nổi tiếng khắp cả nước. Tính cầu kì trong khâu chọn nguyên liệu cùng nước chấm kết hợp với sự giản dị trong cách thưởng thức, hương vị đặc biệt khó quên đã khiến món ăn này lấy lòng thực khách dễ dàng ngay từ lần đầu biết tới. Bí quyết chính của món là nằm ở nguyên liệu thịt lợn là loại thịt hai đầu da được chọn từ phần ngon nhất của con lợn. Thịt lợn được hấp để giữ vị thơm ngon, ngọt sắc đậm của thịt, khi miếng thịt cắt ra có mỡ trong là đạt tiêu chuẩn, cuốn cùng rau sống và bánh tráng. Mắm nêm là thức chấm duy nhất của món bánh tráng cuốn thịt heo, nếu thay bằng thức chấm khác sẽ làm mất đi hương vị và nét đặc trưng của món ăn này.
7. Dê núi Ninh Bình
Cơm cháy, dê núi là hai đặc sẳn không thể không kể tên khi nhắc tới địa danh miền Bắc này, vậy mà thật đáng tiếc chỉ có cơm cháy được công nhận đạt giá trị ẩm thực Châu Á. Dê núi Ninh Bình sống hoang dã được ăn nhiều loại cây cỏ tự nhiên, chính vì vậy nên thịt chắc, thơm mùi thảo dược và đậm đà hơn những loại dê nuôi khác.Từ thực phẩm dê được chế biến thành rất nhiều món độc đáo: tiết canh dê, áp chảo, hấp sả gừng, xào sả ớt, xào lăn, tái dê, dê nướng, lẩu dê, cà ri dê, dê hầm thuốc bắc, cháo dê… Bên cạnh đó, rất nhiều bộ phận của dê làm thành món đặc biệt: đùi dê, sườn dê, chân dê, nậm dê, ngọc dương dê… ăn với lá đinh lăng, lá mơ, lá sung, quả sung, ngò gai, húng, quế…
8. Lẩu mắm U Minh
Lẩu mắm là khúc vọng cổ xứ nước lợ miền Tây, là đặc trưng cho nét văn hóa đậm đà bản sắc của người miền Tây. Lẩu mắm U Minh có cùng nguyên liệu chế biến từ mắm cá khô, nhưng được ăn kèm với một loại rau chỉ có tại rừng tràm U Minh là đọt choại, nên món ăn này trở nên nổi tiếng đặc biệt. Để có một lẩu mắm ngon , mùi thơm đặc trưng, phải làm sạch cá sặc bướm, đem phơi cho ráo, rắc muối giã nhỏ, cho vào một cái khạp, bên trên dùng mo cau và sống dừa cài chặt muối một thời gian. Lẩu mắm ăn kèm với rất nhiều rau, như bông súng, đọt nhãn lồng, cải xanh, rau đắng, càng cua, bông so đũa, bắp chuối, ớt hiểm, tỏi, đọt choại... Rồi đậu bắp, nấm rơm bỏ vào khi lẩu vừa sôi, với các loài cá đồng tươi vừa chín như lươn, cá rô, cá sặc rằn, cá dầy, cá lóc... cùng "lên lửa" với nước cốt mắm sặc thơm lừng.
9. Thịt trâu khô Điện Biên
Cứ mỗi độ Tết đến, người dân thành thị lại truyền tai nhau tìm đặt mua cho kì được món thịt trâu khô, thịt trâu gác bếp Điện Biên để mang biếu tặng, cảm ơn. Đây là sự công nhận cho món ăn độc đáo miền rừng núi này. Thịt trâu khô là món ăn được hình thành khi đồng bào các dân tộc mổ trâu, nếu không ăn hết thì những tảng thịt trâu được tẩm gia vị rồi gác lên bếp hong khô.Cách làm thịt trâu, bò khô cũng khá đơn giản. Những miếng thịt lớn được tẩm ướp muối, trộn với các gia vị điển hình đó là gừng, mắc khén, gấc, ớt… Sau khi tẩm ướp xong những miếng thịt được hong khô cho se lại, rồi được đồ cách thủy, và tiếp tục hong trên bếp cho đến khi khô hẳn.
10. Bánh canh Tràng Bảng – Tây Ninh
Bánh canh không hề xa lạ với người Việt, vùng Tây Ninh có món đặc sản dân dã đó là bánh canh Tràng Bảng. Bánh canh Trảng Bàng có hình thức như các loại bánh canh khác. Nước dùng của bánh canh Trảng Bàng cũng giống như nước lèo của bún mắm, nước dùng của phở. Tuy nhiên cách chế biến nồi nước dùng cho bánh canh có điểm đặc biệt riêng là nước trong, đậm đà hương vị thịt heo nạc. Nhưng điều cốt lõi làm nên bánh canh Trảng Bàng là nước mắm ăn cùng với bánh canh và bánh tráng ăn trước đó. Bánh tráng được ăn cùng với bánh canh là bánh tráng nướng phơi sương, vừa được vinh dự cùng với 7 sản vật quà tặng khác khác đạt kỉ lục châu Á. Rau cuốn bánh tráng là rau rừng, rau sông và rau trồng trộn lại. Trong đó tỷ lệ rau sông lớn nhất. Hầu như mỗi gia đình ở Trảng Bàng ai cũng biết nấu món bánh canh đã trở thành đặc sản.
Depplus.vn/MASK